Điện Biên thiếu nguồn lao động được đào tạo chất lượng cao
Mặc dù đến thời điểm này, xuất khẩu lao động (XKLÐ) của Điện Biên "về đích" sớm so với kế hoạch. Khi số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt và vượt chỉ tiêu của tỉnh năm 2023. Mặc dù đây là tín hiệu tích cực, song để phát triển nguồn lao động xuất khẩu theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững thì cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lao động
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Điện Biên cho biết: "Tổng số lao động trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài 9 tháng đầu năm nay là 177 người, tăng 106 lao động so với cùng kỳ năm 2022. Kế hoạch năm 2023, UBND tỉnh đặt mục tiêu đưa 100 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó các thị trường trọng điểm tiếp tục là Ðài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc. Như vậy, sau 9 tháng, số lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt 177% kế hoạch năm".
Ðể có kết quả trên phải kể đến hiệu quả công tác kết nối của địa phương và các sở, ban, ngành. Cùng với đó, nhiều chính sách khuyến khích phù hợp đã thu hút được nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển chọn lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc lựa chọn đơn vị và thị trường phù hợp với nhu cầu, khả năng của bản thân.
Tuy vượt kế hoạch UBND tỉnh giao về việc đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài. Nhưng con số thống kê lao động đi làm việc tại nước ngoài của Điện Biên so với các tỉnh khác trong khu vực thì thấp hơn rất nhiều. Nguyên nhân chính là lao động của Điện Biên thiếu tay nghề, trình độ ngoại ngữ không có. Một nguyên nhân nữa là lao động của Điện Biên chủ yếu là đồng bào các dân tộc, làm việc tự do, ngại đi xa nhà…
Khó khăn của Điện Biên hiện nay để thực hiện xuất khẩu lao động chính là chất lượng nguồn lao động còn thấp so với mặt bằng chung cả nước. Lao động chưa được đào tạo về tay nghề và kỹ năng, ý thức chấp hành kỷ luật, nhất là với các thị trường có thu nhập cao, ổn định như Ðức, Nhật Bản, Singapore...
Doanh nghiệp và chính quyền đồng hành đào tạo nguồn lao động chất lượng cao
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Điện Biên thì để lao động Điện Biên có cơ hội đi lao động xuất khẩu rất cần sự chung tay của chính quyền và doanh nghiệp. "Chính quyền hỗ trợ người lao động tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, làm các thủ tục để lao động đi làm việc tại nước ngoài. Còn doanh nghiệp sẽ hỗ trợ lao động đào tạo nghề để họ tay nghề trước khi đi xuất khẩu. Làm việc ở thị trường nào? Nhu cầu lao động, tay nghề, kỹ thuật thế nào thì doanh nghiệp mới biết để hỗ trợ đào tạo lao động" ông Sơn cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Bích Hà, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Top Tech (Hải Phòng) cho biết: Lao động tại tỉnh Ðiện Biên chủ yếu là lao động nông nghiệp, nông thôn, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề và tác phong lao động công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh thấp. Tính chuyên nghiệp trong kỹ năng làm việc nhóm và năng lực sử dụng ngoại ngữ hạn chế. Là một trong những doanh nghiệp đã nhiều năm tuyển dụng lao động tại Ðiện Biên đi làm việc trong và ngoài nước. Công ty đã tìm kiếm các thị trường mới, hợp đồng thu nhập cao cho người lao động. Nhưng đối với các thị trường tiềm năng, có mức thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt thì quy trình, thủ tục, các điều kiện tuyển dụng, yêu cầu về chất lượng của lao động cũng được đề cao.
Công ty Cổ phần hợp tác Quốc tế CEMA (Hà Nội) chủ yếu tuyển dụng lao động sang làm việc tại Nhật Bản và Ðài Loan. Với kinh nghiệm nhiều năm tuyển dụng lao động đi xuất khẩu lao động cùng việc tập trung tuyên truyền đến từng địa bàn, công ty nắm và hiểu rõ những điểm yếu mà lao động Ðiện Biên gặp phải như: Kỹ năng chuyên môn của người lao động còn thấp, yếu về ngoại ngữ; dẫn đến sức cạnh tranh của lực lượng lao động hạn chế. Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xuất khẩu lao động.,ông Trần Thế Hiệp, Giám đốc Trung tâm đào tạo Nhật Bản, Công ty Cổ phần hợp tác Quốc tế CEMA cho biết: Ðể đào tạo nghề, kỹ thuật cho lao động, Công ty đã mời các giảng viên có tay nghề cao đến giảng dạy. Ðiều này giúp người lao động có kỹ năng nghề tốt, tự tin trước khi sang nước ngoài làm việc.
Ðể đáp ứng nhu cầu thị trường lao động xuất khẩu, tỉnh Điện Biên cần tiến hành đồng bộ các giải pháp tạo nguồn lao động trình độ cao, mở rộng thị trường tiếp nhận lao động. Kết nối doanh nghiệp xuất khẩu lao động với các trường nghề để tuyển chọn và đào tạo lao động. Các doanh nghiệp cần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu thị trường.