dd/mm/yyyy

Điện Biên: Xây dựng sản phẩm OCOP, gắn với du lịch, cần có chiến lược lâu dài

Xây dựng sản phẩm OCOP đã khó, nhưng việc đa dạng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm càng khó hơn. Hiện nay, ngành du lịch Điện Biên đang thiếu những sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn của từng vùng miền để thu hút khách du lịch. Vì thế, sản phẩm OCOP càng cần được quan tâm đúng mức...

Điện Biên được đánh giá có nhiều lợi thế, tiềm năng về du lịch có thể đáp ứng các tiêu chuẩn theo bộ tiêu chí của chương trình OCOP. Vì vậy, song song với phát triển du lịch, tỉnh ta đẩy mạnh thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Hiện nay, Điện Biên mới có 35 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó có 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 24 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Ðể thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, ngoài tích cực xúc tiến thương mại, hàng năm ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các ngành: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương tổ chức trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các chương trình hội chợ, triển lãm, lễ hội... ở trong và ngoài tỉnh. Ðồng thời, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, vừa thúc đẩy phát triển du lịch, các sản phẩm OCOP đã được đưa vào trưng bày, giới thiệu và bán tại các điểm du lịch để du khách tham thuận lợi mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Cùng với đó, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh đã phối hợp với Văn phòng Ðiều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh xây dựng các mô hình Homestay Mường Then (xã Thanh Luông) và Homestay Phương Ðức (xã Mường Phăng) để phát triển thành sản phẩm OCOP. Khách du lịch có thể trải nghiệm đời sống sinh hoạt, sản xuất, phong tục của đồng bào dân tộc Thái; tìm hiểu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đồng thời di chuyển thuận lợi đến những điểm du lịch lân cận.

Điện Biên: Xây dựng sản phẩm OCOP, gắn với du lịch, cần có chiến lược lâu dài - Ảnh 1.

Bánh Khẩu xén - Mường Lay, một sản phẩm OCOP của Điện Biên, được khách hàng ưa chuộng. Nhưng hiện nay việc sản xuất còn ít, không đủ cung cấp cho thị trường.

Khu di tích lịch sử Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ ở Mường Phăng là địa danh nổi tiếng, thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu lịch sử. Ðể làm mới và thu hút khách du lịch, những năm gần đây, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức bày bán, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng địa phương, trong đó có sản phẩm OCOP, như: Thịt trâu khô; thủ công mỹ nghệ; mây tre đan; cà phê, gạo, chè…

Chị Nguyễn Thị Tình, khách du lịch đến từ tỉnh Quảng Nam cho biết: "Ðây là lần đầu tiên gia đình tôi lên Ðiện Biên du lịch, tìm hiểu lịch sử. Chúng tôi đã đến thăm nhiều điểm di tích, cũng như các bản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tại các điểm di tích lịch sử, các bản văn hóa có những sản phẩm du lịch, nông sản được giới thiệu, bày bán rất ấn tượng. Chúng tôi đã mua một số để làm quà".

Điện Biên: Xây dựng sản phẩm OCOP, gắn với du lịch, cần có chiến lược lâu dài - Ảnh 2.

Cà phê Hải An, sản phẩm OCOP được khách hàng đánh giá cao trên thị trường.

 

Du lịch nông nghiệp không phải là về nông thôn chơi, sau đó mua một vài sản phẩm nông nghiệp sạch mang về nhà thưởng thức. Du khách muốn trực tiếp trải nghiệm lao động sản xuất cùng nông dân. Thưởng thức đặc sản thôn quê do tự tay mình sản xuất, chế biến, đồng thời nghỉ ngơi, thư giãn giữa khung cảnh đồng quê. Ðây đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn. Thời gian qua, một số huyện như: Ðiện Biên, Tuần Giáo đã phát triển sản phẩm chủ lực gắn với du lịch sinh thái nông thôn. Như vườn cây vú sữa nông thôn mới kiểu mẫu tại huyện Ðiện Biên mỗi vụ thu hoạch đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan kết hợp thưởng thức và mua sản phẩm tại vườn.

Điện Biên: Xây dựng sản phẩm OCOP, gắn với du lịch, cần có chiến lược lâu dài - Ảnh 3.

Sản phẩm mật ong Chà Nưa, thơm, ngon, được nhiều người biết đến. Nhưng do số lượng quá ít, không đủ đáp ứng với nhu cầu mua của khách du lịch. Đây là hạn chế rất lớn đối với các sản phẩm OCOP của Điện Biên.

 Tuy nhiên, sản phẩm đặc trưng địa phương được công nhận đạt chuẩn OCOP chỉ là kết quả bước đầu. Bởi sau đạt chuẩn, việc tổ chức sản xuất; mở rộng vùng nguyên liệu để tăng năng suất, sản lượng; giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tăng doanh thu bán hàng, tăng hiệu quả kinh tế mới là nội dung quan trọng, then chốt của Chương trình OCOP. Song đây cũng là khó khăn, vướng mắc của hầu hết các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Ðơn cử, theo thống kê của HTX nuôi ong Chà Nưa, sản lượng mật ong năm 2020 của HTX chỉ đạt 300 lít. Sản lượng như vậy là quá thấp so với quy mô HTX, cũng có nghĩa sản phẩm có vùng nguyên liệu quá nhỏ. Ðể sản phẩm ra thị trường, HTX phải chi phí về máy móc đóng hộp, bao bì, tem mác sản phẩm; chi phí giới thiệu quảng bá sản phẩm... Như vậy, sau khi trừ chi phí đầu tư thì lợi nhuận thu được cũng chẳng còn bao nhiêu. Và mục tiêu xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, tăng thu nhập của các hộ nuôi ong vẫn còn xa.

Sản phẩm khoai sọ tím Tủa Chùa cũng có thực trạng tương tự. Năm 2020, sản phẩm này được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP, xếp hạng 3 sao. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu chỉ vỏn vẹn 4ha tại xã Trung Thu do HTX H'Mông trồng thử nghiệm, sản phẩm khoai sọ luôn khan hàng. Ðể khắc phục tình trạng này, huyện Tủa Chùa đang xây dựng kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu tại các xã như: Sính Phình, Trung Thu, Tả Sìn Thàng và Lao Xả Phình.

Điện Biên: Xây dựng sản phẩm OCOP, gắn với du lịch, cần có chiến lược lâu dài - Ảnh 5.

Sản phẩm gạo Tâm Sáng được bày bán tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Chất lượng thơm ngon, một sản phẩm OCOP đặc trưng của Điện Biên.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Điện Biên cho biết: Nâng cao chất lượng Chương trình OCOP đang là vấn đề khó khăn. Những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối nông thôn mới và Sở Công Thương đã chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP đến các thị trường lớn, thị trường tiềm năng; ký kết liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP với các tỉnh... Về phần mình thì các chủ thể kinh tế vẫn chưa thực hiện tốt. Sau khi đạt chuẩn, các khâu tổ chức sản phẩm chưa đảm bảo; vùng nguyên liệu nhỏ, sản lượng ít, hình thức mẫu mã chưa đẹp mắt... Ðơn cử như sản phẩm mật ong Chà Nưa, hiện nay các hộ nuôi ong đơn thuần chỉ là đặt các thùng trong rừng, nếu ong về làm tổ thì có mật nếu đàn ong không về thì không có mật thu hoạch. Ðể có sản phẩm đều, sản lượng ổn định thì số lượng tổ phải lớn, đồng thời phải di chuyển tổ theo mùa hoa mới có được sản phẩm như ý. Tuy nhiên, HTX nuôi ong rừng Chà Nưa chưa thực hiện được. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả chương trình OCOP, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, các chủ thể kinh tế phải nỗ lực thực hiện tốt quy trình sản xuất.

Thực hiện tốt việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ kết nối, tương hỗ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách, ngược lại du lịch góp phần quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Chính vì vậy mô hình này cần được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành chức năng; sự trao đổi, phối hợp giữa các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp.

 

Thanh Phong