dd/mm/yyyy

Điện Biên: Thêm cơ hội cho học sinh nghèo vùng cao đến trường

Nhằm cụ thể chính sách hỗ trợ đặc thù cho học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn theo Nghị định 116/NĐ-CP, từ năm 2017 HĐND tỉnh Điện Biên khóa 14 (nhiệm kỳ 2016-2021) đã ban hành Nghị quyết 55 quy định cụ thể khoảng cách làm căn cứ hỗ trợ học sinh theo từng cấp học.

Nghị quyết tiếp sức cho học sinh nghèo Điện Biên đến trường

Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh Điện Biên có gần 1,1 triệu lượt học sinh được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở, hỗ trợ gạo ăn suốt 9 tháng trong mỗi năm học. Nhờ đó, không chỉ bản thân các em học sinh mà phụ huynh, gia đình các em cũng yên tâm cho con em theo học; nhận thức tầm quan trọng sự học của nhân dân các dân tộc trên địa bàn cũng ngày càng nâng lên.

Điện Biên: Thêm cơ hội cho học sinh nghèo vùng cao đến trường- Ảnh 1.

Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh Điện Biên, từ năm 2017 đến nay toàn tỉnh Điện Biên có gần 1,1 triệu lượt học sinh được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở, hỗ trợ gạo ăn suốt 9 tháng trong mỗi năm học. Ảnh Vinh Duy.

Ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, cho biết: Theo quy định tại Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ thì hàng năm học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở, 15kg gạo (mỗi tháng), tiền ở (khi trường không bố trí được chỗ ở cho học sinh). Điều kiện "cứng" để các em học sinh được hưởng hỗ trợ là khoảng cách từ nhà đến trường phải từ 4km trở lên (đối với bậc tiểu học), từ 7km trở lên (bậc trung học cơ sở) và từ 10km trở lên (bậc trung học phổ thông). Đối chiếu với quy định thì Điện Biên có rất đông học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, ở thôn, bản đặc biệt khó khăn lại không đáp ứng điều kiện khoảng cách từ nhà cách trường. Để "gỡ" vướng quy định và phù hợp với thực tế địa bàn, tạo thuận lợi cho học sinh thụ hưởng, ngày 13/7/2017 HĐND tỉnh Điện Biên khóa 14 đã ban hành Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND nới quy định khoảng cách tạo thêm cơ hội cho học sinh vùng khó đến trường.

Điện Biên: Thêm cơ hội cho học sinh nghèo vùng cao đến trường- Ảnh 2.

Tại huyện Nậm Pồ, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trồng rau an toàn cung ứng cho các trường học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh Vinh Duy.

Lấy dẫn chứng thực tiễn, ông Cù Huy Hoàn cho biết: Do địa hình, tập quán sinh sống rải rác, tại các huyện biên giới, vùng cao, như: Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ… có rất nhiều học sinh dù nhà ở chỉ cách trường hơn 3km nhưng đường đi là lối mòn, qua rừng, qua suối thì các em không thể tự đi về trong ngày. Nếu đúng quy định khoảng cách tại Nghị định 116 thì số học sinh này không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ, như thế rất thiệt thòi cho các em và khó khăn với ngành giáo dục tỉnh nhà. Xét thực tiễn điều kiện địa bàn, Nghị quyết 55 của Hội đồng nhân dân tỉnh đã nới điều kiện khoảng cách theo hướng mở hơn. Cụ thể ngoài quy định khoảng cách tại Nghị định 116, Nghị quyết 55 bổ sung thêm quy định khoảng cách là "Trong điều kiện địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn (qua sông, suối không có cầu; qua đèo, dốc cao; qua vùng sạt, lở đất đá) nhà ở xa trường khoảng cách từ 2km đến dưới 4km (đối với học sinh tiểu học); từ 4km đến 7km (đối với học sinh trung học cơ sở) và từ 7km đến dưới 10km (đối với học sinh trung học phổ thông)" thì học sinh được hưởng các chế độ hỗ trợ, gồm: tiền ăn bằng 50% mức lương cơ sở, 15kg gạo mỗi tháng, tiền ở (bằng 10% mức lương cơ sở); thời gian hỗ trợ là 9 tháng trong mỗi năm học.

Học trò nghèo ở Điện Biên được chăm lo đến từng bữa ăn, giấc ngủ

Căn cứ nội dung Nghị quyết, hàng năm, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều tiến hành rà soát, thống kê, xác minh thông tin học sinh làm cơ sở lập danh sách, hồ sơ học sinh đủ điều kiện hỗ trợ. Ông Trần Hồng Quân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà, cho biết: Từ năm học 2020-2021 đến hết tháng 3/2024, toàn huyện Mường Chà có 21.240 lượt học sinh được hưởng hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở, gạo; trong đó 886 lượt học sinh được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 55 của Hội đồng Nhân dân tỉnh. Tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh là hơn 115,5 tỷ đồng. Với Tuần Giáo thì toàn huyện có 38 trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn được hưởng chế độ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP và Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND. Từ năm học 2020-2021 đến năm học 2023 - 2024, toàn huyện có hơn 18 nghìn lượt học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ với tổng kinh phí gần 110 tỷ đồng. Trong đó 472 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ và 23 trường được khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn tập trung cho học sinh theo Nghị quyết số 55 của HĐND tỉnh với tổng số tiền hơn 9,1 tỷ đồng. 

Điện Biên: Thêm cơ hội cho học sinh nghèo vùng cao đến trường- Ảnh 3.

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, học sinh nghèo vùng cao đã có những bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng để tiếp sức các em đến trường. Ảnh Vinh Duy.

Thầy Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo, cho biết: Với học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số nhà ở xa được hỗ trợ ăn, nghỉ tại trường đã giúp các em yên tâm theo học; phụ huynh cũng tin tưởng, yên tâm khi cho con đi học. Nhờ đó số lượng, chất lượng giáo dục của Tuần Giáo trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng giảm rất nhiều so với các năm trước.

Trực tiếp giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn được hưởng hỗ trợ theo Nghị định 116 và Nghị quyết 55, ông Mùa Thanh Sơn, Trưởng ban Dân tộc, HĐND tỉnh Điện Biên, cho biết: Sau 7 năm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, toàn tỉnh có 495.278 lượt học sinh được hỗ trợ tiền ăn (trong đó có 31.080 lượt học sinh được hỗ trợ theo tiêu chí địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn); 109.570 lượt học sinh được hỗ trợ tiền nhà ở (trong đó có 2.695 lượt học sinh được hỗ trợ do nhà ở địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn); 494.737 lượt học sinh được hỗ trợ gạo với tổng số 47.219.832kg gạo. Các quy định hỗ trợ từ Nghị quyết đã mang lại hiệu quả thiết thực giúp giảm bớt nỗi lo chi phí ăn, ở của con em các dân tộc ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi. Qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần do khoảng cách từ nhà đến trường quá xa, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn; từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Điện Biên: Thêm cơ hội cho học sinh nghèo vùng cao đến trường- Ảnh 4.

Học sinh từ bậc mầm non đến THPT được hỗ trợ đã giúp phụ huynh và học sinh yên tâm khi đưa con đến trường. Ảnh Vinh Duy.

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh, ông Mùa Thanh Sơn đề nghị cấp ủy, chính quyền các huyện cần hỗ trợ ngành giáo dục làm tốt công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ để người dân hiểu, từ đó chủ động cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin của con em; công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh trong việc hoàn thiện hồ sơ xét duyệt hưởng chế độ hỗ trợ cho học sinh phải thực hiện thường xuyên, chặt chẽ.

Với các thay đổi chính sách tiền lương, biến động giá cả thời gian qua thì ông Mùa Thanh Sơn cho rằng, cơ quan chuyên muôn cần nghiên cứu điều chỉnh tăng tỷ lệ phần trăm định mức hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở cho học sinh; cùng với đó cần thiết tăng khoán kinh phí nấu ăn tập trung để bảo đảm cho việc ăn, ở của học sinh và người phục vụ.


Vinh Duy