dd/mm/yyyy

Điện Biên: Những nông dân làm giàu ngay trên đồng đất quê hương

Ở Điện Biên, các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng nhiều. Họ dám nghĩ, dám làm, đầu tư cả tỷ đồng để phát triển kinh tế. 5 năm qua, đã có hàng nghìn mô hình kinh tế của nông dân đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập cho người lao động.

Theo bà Vàng Thị Bình, Chủ tịch Hội Nông dân Điện Biên cho biết: Một trong những yếu tố để xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh không thể không kể đến công tác thu hút, tập hợp, phát triển hội viên. Song muốn phát triển và tập hợp hội viên thì đời sống nhân dân phải ổn định và Hội phải là chỗ dựa tin cậy cho hội viên. Do đó, hàng năm, Ban Thường vụ Hội các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền cho hội viên, nông dân hiểu được ý nghĩa, vai trò của tổ chức hội; vận động xã hội, huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân.

Thực hiện Nghị định 78/2002/NÐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Hội Nông dân tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo mọi điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Qua nguồn vốn vay, nhiều nông dân đã dám nghĩ, dám làm, nỗ lực vượt qua khó khăn, tự lực vươn lên làm giàu chính đáng. Hàng năm toàn tỉnh có trên 1.000 hộ nông dân thoát nghèo và hàng trăm hộ trở thành hộ khá, giàu… Không những thế, nhiều gương nông dân điển hình tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi đã được Trung ương Hội tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội cũng như thu hút hội viên tham gia.

Điện Biên: Những nông dân làm giàu ngay trên đồng đất quê hương - Ảnh 1.

Mô hình nuôi dê thương phẩm của anh Lò Văn Pâng, xã Nà Tấu, Thành phố Điện Biên Phủ đã đem lại thu nhập cao. Trung bình mỗi năm trang trại cho thu nhập trên 500 triệu đồng từ nuôi dê. Ảnh Vinh Duy.

Điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi của Điện Biên thời gian qua là chị Lò Thị Kiên, bản Pa Tần, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, là một trong những điển hình tiêu biểu cho nông dân xóa nghèo thành công ở Nậm Pồ. Chị Kiên đã vươn lên để phát triển kinh tế, không còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Dựa vào lợi thế phía sau nhà có dòng suối Nậm Chà chảy dài, thức ăn tự nhiên khá dồi dào, bãi chăn thả tự nhiên rộng lớn, có bóng cây thoáng mát, rất tiện để vịt trú vào ban ngày, nhận thấy đây là lợi thế rất thích hợp để phát triển chăn nuôi. Nghĩ là làm, năm 2019 chị Kiên tìm hiểu các mô hình chăn nuôi thành công ở một số nơi, nhận thấy mô hình nuôi vịt siêu trứng phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, chị mạnh dạn liên hệ mua giống và quyết định đầu tư nuôi 1.200 con vịt siêu đẻ. Trung bình mỗi năm gia đình chị thu trên 200 triệu đồng từ bán trứng vịt.

Điện Biên: Những nông dân làm giàu ngay trên đồng đất quê hương - Ảnh 2.

Chị Lò Thị Kiên, bản Pa Tần, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm từ chăn nuôi vịt. Ảnh Vinh Duy.

Nhắc đến ông Giàng A Vàng ở bản Ngã Ba, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé), người dân trong vùng không ai là không biết. Bởi ông Vàng là một trong những gương điển hình về nghị lực và phát triển kinh tế. Hiện ông đang sở hữu mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC) với đầy đủ vật nuôi (trâu, bò, lợn, gà...) cùng các loại cây ăn quả; mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng.

Theo lời kể của ông Vàng, chừng 10 năm trước, điều kiện gia đình khó khăn, nhà cửa tạm bợ, tư liệu sản xuất lại ít nên đời sống rất vất vả. Dẫu vậy, không cam chịu đói nghèo, ông đã bứt phá vươn lên bằng cách mạnh dạn đi vay vốn để làm ăn. Với số tiền hơn 50 triệu đồng và một ít vốn tích góp được, ông đầu tư đào 2.000m2 ao thả cá. Ngoài ra, ông còn mua thêm một số diện tích đất nương của bà con để canh tác, trồng gần 700 gốc xoài Thái; kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm và khoanh nuôi bảo vệ rừng. Ông Vàng cho biết, được tạo điều kiện vay vốn và tham gia các lớp tập huấn kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đến nay, bản thân đã làm chủ một số kĩ thuật cần thiết để áp dụng vào thực tiễn, do vậy cuộc sống gia đình cơ bản ổn định.

Điện Biên: Những nông dân làm giàu ngay trên đồng đất quê hương - Ảnh 3.

Các mô hình chăn nuôi, sản xuất của nông dân Điện Biên đã đem lại thu nhập cao cho người lao động. Ảnh Vinh Duy.

Ở thị xã Mường Lay, sau khi thực hiện công cuộc tái định cư, cái khó của người nông dân là tình trạng thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, nhờ có định hướng phát triển phù hợp, nhiều nông dân đã chuyển đổi tư duy sản xuất, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế ở địa phương để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ðiển hình như gia đình ông Nguyễn Thanh Dân, tổ dân phố 3, phường Sông Ðà. Ông Dân đến với nghề chăn nuôi từ năm 2015. Từ nguồn vốn tích luỹ, ban đầu ông mua 10 con bò giống về nuôi. Chỉ sau 1 năm đàn bò đã sinh sản lứa bê đầu tiên. Nhận thấy nuôi bò sinh sản không quá phức tạp mà lại mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông Dân thường xuyên duy trì ổn định đàn bò sinh sản từ 12 - 15 con.  Từ số tiền bán bò giống, mỗi năm gia đình ông Dân thu về khoản tiền lãi trên 100 triệu đồng.

Tạo động lực cho nông dân vượt khó vươn lên, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh thường xuyên phát động phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua nhiều năm phát động, đến nay, phong trào đã phát triển sâu rộng tới các thôn, bản, thực sự tạo ra bước chuyển đổi quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nhiều hộ nông dân đã năng động, cần cù chịu khó, kiên trì khắc phục mọi khó khăn với ý chí tự lực, tự cường. Họ cũng thường xuyên chuyển đổi nhận thức, đầu tư khai thác tiềm năng lao động, đất đai, vốn vào sản xuất và mở rộng các ngành nghề, dịch vụ tạo ra sản phẩm hàng hoá, phát huy lợi thế của địa phương, nhiều mô hình phát triển đa dạng mang lại hiệu quả kinh tế, từ đó giúp bản thân, gia đình vươn lên làm giàu chính đáng.

Vinh Duy