dd/mm/yyyy

Điện Biên: Làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm (ĐTN, GQVL) được xác định là một trong những trọng tâm và giải pháp hàng đầu trong thực hiện tốt chính sách an sinh. Do vậy, Sở LĐ-TB&XH Điện Biên đã phối hợp tốt với các ngành, địa phương và cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung làm tốt công tác này.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH Điện Biên: 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề 9.797 người, đạt 115,25% kế hoạch UBND tỉnh giao. Chia theo trình độ cao đẳng: 184 người; trung cấp: 1.049 người; sơ cấp: 5.365 người, đào tạo dưới 3 tháng: 3.199 người (6.462 người được hỗ trợ học nghề ngắn hạn từ các chương trình, đề án). Số học viên tốt nghiệp trong 9 tháng là: 6.539 người.

Điện Biên: Làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm

- Ảnh 1.

Kỹ thuật viên hường dẫn người dân đào hố xuống gốc cây nho hạ đen tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên. Ảnh: Thu Hường

Để nâng cao nhận thức cho người lao động về ý nghĩa của công tác ĐTN, GQVL và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, năm qua, Sở LĐ-TB&XH đã kịp thời triển khai, phổ biến chính sách, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, trọng tâm các chính sách hỗ trợ ĐTN, GQVL bền vững của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác triển khai, phổ biến, tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như: tổ chức các hội nghị triển khai các chính sách, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thúc đẩy phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững và nâng cao hiệu quả công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, lao động thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động có thu nhập thấp, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự...

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, học tập kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về hoạt động giáo dục nghề nghiệp, việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Phối hợp tổ chức truyền thông, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tư vấn về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm bền vững đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở tham gia đào tạo nghề, các cơ quan liên quan, các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn, đến học sinh - sinh viên, người lao động…

Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhận thức của xã hội, nhất là học sinh - sinh viên, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giáo dục nghề nghiệp, việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đảm bảo nghề nghiệp, việc làm bền vững, thu nhập của người lao động.

Tỉ lệ giải quyết việc làm tăng

Với những giải pháp tích cực, 9 tháng đầu năn 2024 toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 9.001 lao động, đạt 97,84 %/KH; trong đó: Thông qua Quỹ quốc gia về việc làm là 1.903 lao động; cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khoảng 3.717 người (doanh nghiệp ngoài tỉnh 3.349 lao động); đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 198 lao động; tuyển dụng vào các cơ quan đảng, đoàn thể và thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác là 3.183 lao động. Trong đó, số lao động trong độ tuổi thanh niên được tạo việc làm chiếm 75,5%/tổng số lao động được tạo việc làm.

Điện Biên: Làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm

- Ảnh 3.

Giáo viên hường dẫn người dân cách phân biệt và sử dụng các loại phân hữu cơ trong trồng trợt. Ảnh: Thu Hường

Sở LĐ TB&XH tỉnh đã tiếp nhận và thẩm định ban hành văn bản cho phép 25 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tham gia tuyển chọn và đưa lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Romania, Singapore...; đã triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam, nữ đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản Đợt 01/2024; tổ chức tuyển chọn người lao động theo Chương trình EPS Đợt 1 năm 2024; tuyển chọn thực tập sinh nữ đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản Đợt 02/2024; thông báo tuyển thực tập sinh hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản - Khoá 5 năm 2024; thông báo tuyển tuyển ứng viên điều dưỡng, hộ lý/nhân viên chăm sóc đi làm việc tại Nhật Bản theo Chương trình EPA (Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA). tuyển chọn bổ sung ứng viên điều dưỡng, hộ lý/nhân viên chăm sóc đi làm việc tại Nhật Bản.

Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp tổ chức tuyển chọn người lao động theo Chương trình EPS Đợt 1 năm 2024, tiếp nhận hồ sơ ứng viên tham gia chương trình IM Japan; lập danh sách, tổng hợp hồ sơ dự tuyển cho người lao động đăng ký dự tuyển trong ngành sản xuất chế tạo và xây dựng; hướng dẫn cho người lao động có tên trong danh sách kèm theo Văn bản số 542/TTLĐNN-TCLĐ ngày 12/7/2024 nêu trên chuẩn bị tham dự thi vòng 2 - kiểm tra tay nghề ngành sản xuất chế tạo và xây dựng năm 2024; hướng dẫn người lao động có nguyện vọng đăng ký tham gia dự thi tiếng Hàn đặc biệt trên máy tính dành cho người lao động về nước đúng hạn.

Điện Biên: Làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm

- Ảnh 4.

Giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX huyện Mường Ảng hướng dẫn học viên cách trộn thức ăn cho gia súc. Ảnh: CTV

Kết quả đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 198 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó: Hàn Quốc 16 lao động, Nhật Bản 85 lao động, Đài Loan 93 lao động, Malaysia 1 lao động, Singapore 1 lao động, Trung Quốc 1 lao động, Hungary 1 lao động. 95% lao động đi đi làm việc ở nước ngoài đều trong độ tuổi thanh niên. Số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đều được học tập, phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại và các văn bản pháp lý có liên quan về quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động.

Thu Hường