dd/mm/yyyy

Đào tạo nghề - Bước đệm cho nông dân Mường Ảng chạm tay vào ước mơ làm giàu

Huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên, trong những năm gần đây đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống nông dân. Những người nông dân được hướng dẫn bài bản, từ việc chăn nuôi đến trồng trọt, giúp họ phát triển kinh tế hộ gia đình và vươn lên thoát nghèo, thậm chí làm giàu từ chính mảnh đất quê hương.

Trao tay nghề, mở cơ hội làm giàu cho nông dân Mường Ảng

Chia sẻ với phóng viên, ông Tạ Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: "Chính quyền huyện đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức các khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Những khóa học này cung cấp kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản. Chương trình đào tạo phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp địa phương, giúp người dân dễ dàng ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày".

Đào tạo nghề - Bước đệm cho nông dân Mường Ảng chạm tay vào ước mơ làm giàu - Ảnh 1.

Tập huấn cho nông dân cách ủ phân bón cho cây trồng tại huyện Mường Ảng. Ảnh: Anh Luân.

Theo ông Tạ Mạnh Cường, công tác đào tạo nghề đã tạo động lực để nông dân trong huyện phát triển chăn nuôi, sản xuất; nông dân có thêm kiến thức để phát triển kinh tế. Cũng diện tích đất canh tác, nhưng sản xuất của người đã qua đào tạo nghề nó khác với cách làm nông nghiệp thuần túy của nông dân. Vì thế huyện đã chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo nghề cho nông dân không được chạy theo thành tích mà phải lấy chất lượng.

Thay vì đào tạo nghề cho nhiều nông dân thì huyện chú trọng đến chất lượng cũng như nghề được đào tạo. Nông dân được học nghề xong, phải áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh có hiệu quả như thế mới đảm bảo nâng cao cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững. Hàng năm, huyện Mường Ảng đều triển khai thực hiện khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn. Để đạt hiệu quả, cán bộ của các đơn vị được giao đào tạo nghề đã đến từng bản, khảo sát nhu cầu thực tế của nông dân. Từ đó lên kế hoạch để sắp sếp, bố trí đào tạo nghề cho phù hợp.

Ông Lò Văn Bảy, nông dân xã Ảng Cang, từng chỉ làm ruộng, trồng ngô nhưng luôn gặp khó khăn về kinh tế. Sau khi tham gia khóa đào tạo nghề chăn nuôi gia súc, ông đã mạnh dạn chuyển hướng và phát triển mô hình nuôi bò thịt và nuôi dê. Nhờ việc áp dụng kỹ thuật mới và nắm bắt thị trường, đến nay ông Bảy đã thu nhập ổn định, có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất.

Đào tạo nghề - Bước đệm cho nông dân Mường Ảng chạm tay vào ước mơ làm giàu - Ảnh 2.

Mô hình chăn nuôi bò thịt của ông Lò Văn Bảy, nông dân xã Ảng Cang đã đem lại cho gia đình ông thu nhập khá. Ảnh: Vinh Duy.

Ông Quàng Văn Pâng, ở bản Giang, xã Ảng Cang, cũng là một điển hình tiêu biểu. Nhờ học hỏi kỹ thuật trồng hoa màu, ông đã phát triển mô hình trồng rau sạch cung cấp cho các thị trường lân cận. Mô hình rau an toàn của ông không chỉ đem lại thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều người dân trong vùng. Trung bình mỗi vụ rau, ông Pâng thu nhập vài chục triệu đồng.

Có tay nghề mới, nông dân Mường Ảng nâng cao đời sống

Việc khảo sát được thực hiện từ các bản, tổ dân phố, tới từng hộ gia đình. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn với nhiều hình thức: Tuyên truyền tại các cuộc họp bản; đăng tin bài trên phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn, phát tờ rơi... nhằm nâng cao nhận thức của lao động nông thôn về học nghề và tạo việc làm.

Để người dân sau khi đào tạo nghề có vốn để sản xuất, kinh doanh, chính quyền huyện Mường Ảng đã ký ủy thác để người dân được vay vốn từ ngân hàng chính sách. Nhiều hộ nông dân đã có cơ hội mở rộng sản xuất, từ chăn nuôi gia súc, gia cầm đến trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Điều này không chỉ giúp họ nâng cao thu nhập mà còn góp phần vào xây dựng nông thôn mới tại Mường Ảng. Các chương trình đào tạo còn giúp nông dân hiểu rõ hơn về thị trường, từ đó tìm được đầu ra ổn định, tránh phụ thuộc vào mùa vụ.

Đào tạo nghề - Bước đệm cho nông dân Mường Ảng chạm tay vào ước mơ làm giàu - Ảnh 3.

Mô hình nuôi gà thương phẩm được thực hiện tại huyện Mường Ảng đã thu hút nhiều hộ tham gia. Sau khi đào tạo, nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi gà thả vườn. Ảnh: Vinh Duy.

Theo ông Tô Trọng Thiện, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng thì đào tạo nghề không chỉ dừng lại ở việc nâng cao kỹ năng mà còn giúp người nông dân tự tin hơn trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Đây được xem là hướng đi bền vững cho những vùng nông thôn xa xôi như Mường Ảng, nơi mà nông dân cần được hỗ trợ nhiều hơn để thoát nghèo. Chính quyền địa phương cũng đề xuất mở thêm nhiều khóa đào tạo theo nhu cầu thực tế, nhằm đa dạng hóa ngành nghề cho người dân.

Trung bình mỗi năm, huyện Mường Ảng đã mở trên 10 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nông dân được đào tạo về kỹ thuật nuôi phòng và trị bệnh cho lợn, gia cầm hay trồng và sản xuất rau an toàn. Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất, đã xây dựng được các mô hình sản xuất thu nhập cao.

Tiêu biểu như lớp đào tạo nghề kỹ thuật sản xuất rau an toàn được triển khai lần đầu tại bản Giảng, xã Ẳng Cang đã khích lệ được lao động nông thôn tham gia học tập nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng, làm thay đổi tư duy và đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất theo hướng hàng hóa. Đến nay, mô hình trồng rau an toàn đã được triển khai nhân rộng đến 100% các xã trên địa bàn huyện. Mức thu nhập trung bình của các hộ sau học nghề trồng rau an toàn từ 2,5 - 5 triệu đồng/tháng. Tiêu biểu như các hộ: Quàng Văn Pâng, Quàng Văn Hương, bản Giảng, xã Ẳng Cang chuyên sản xuất cây rau vụ đông; sản lượng trung bình từ 2 - 5 tấn rau/hộ/năm, mang lại thu nhập từ 20 - 50 triệu đồng/hộ/năm.

Đào tạo nghề - Bước đệm cho nông dân Mường Ảng chạm tay vào ước mơ làm giàu - Ảnh 4.

Tập huấn kỹ thuật cải tạo đất và ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp cho đội ngũ khuyến nông cơ sở. Ảnh: Anh Luân.

Chị Lò Thị Đoán, bản Co Hón, xã Xuân Lao chia sẻ: Qua lớp đào tạo nghề kỹ thuật sản xuất rau an toàn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên triển khai trên địa bàn, chúng tôi đã biết đến kỹ thuật trồng rau không sử dụng các loại thuốc trừ sâu gây hại đến sức khỏe con người; kỹ thuật làm đất, chăm sóc cây rau theo từng giai đoạn, đặc biệt là việc chọn giống rau và thời điểm trồng theo đúng mùa vụ để mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, hầu như gia đình nào trong bản cũng có một vườn rau. Một số hộ trồng rau hàng hóa góp phần tăng thêm thu nhập. Gia đình tôi có trên 700m2 trồng rau theo vụ đã tạo thêm thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng.

Sau khi tham gia lớp học kỹ thuật nuôi, phòng và trị bệnh cho lợn, chị Lò Thị Vui, bản Cang, xã Ẳng Nưa đã ứng dụng vào thực tế chăn nuôi gia đình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Lò Thị Vui cho biết: Năm 2022 tôi được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho tham gia học nghề kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn. Từ kiến thức được học tôi đã ứng dụng vào thực tế như: Tận dụng những phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi; thực hiện tiêm phòng dịch định kỳ đầy đủ nên đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Hiện tại gia đình đang nuôi 3 con lợn nái, 15 con lợn thương phẩm, tạo nguồn thu nhập ổn định trên 50 triệu đồng/năm.

Vinh Duy - Anh Luân