dd/mm/yyyy

Tủa Chùa: Đào tạo nghề, giúp lao động nông thôn tìm kiếm việc làm

Tủa Chùa là huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên. Điều kiện tự nhiên không thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Người dân chủ yếu sống dựa vào lúa, ngô với năng suất thấp. Đào tạo nghề là hướng đi đúng, giúp lao động nông thôn có thêm tay nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Theo ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa thì những năm qua huyện luôn chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. "Các anh thấy đấy, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chiếm trên 90% dân số. Gần như số lao động này chưa qua đào tạo nghề, vì thế rất khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Đa số chỉ đi lao động phổ thông tại doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh, thu nhập bấp bênh, không đảm bảo cuộc sống. Thực hiện giai đoạn 1 Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, huyện Tủa Chùa sẽ phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề đạt trên 70%. Trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ đạt trên 20%. Tỷ lệ lao động là đồng bào dân tộc thiểu số có việc làm sau đào tạo tối thiểu đạt trên 80%".

Tủa Chùa: đào tạo nghề, giúp lao động nông thôn tìm kiếm việc làm - Ảnh 1.

Lao động nông thôn tại huyện Tủa Chùa tìm kiếm cơ hội việc làm tại Hội chơ việc làm năm 2024. Ảnh CTV

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tuân thì hiện nay huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ưu tiên đào tạo cho lao động là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, người thuộc diện đặc biệt khó khăn. Những lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo ở thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp sẽ được ưu tiên đào tạo nghề. Với những lao động có trình độ văn hóa thấp sẽ được đào tạo nghề phù hợp để đảm bảo sau khi đào tạo sẽ có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp. Với hơn 800 người được đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong năm 2023, công tác này đã góp phần quan trọng đưa huyện Tủa Chùa hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Theo lãnh đạo Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp và Giáo dục Thường xuyên Tủa Chùa thì kết quả đào tạo nghề của huyện từ đầu giai đoạn đến nay còn khá khiêm tốn, số lượng người qua đào tạo chưa đạt được như mục tiêu đề ra do nhiều nguyên nhân. Năm 2021 – 2022, khi dịch covid19 bùng phát làm gián đoạn các chương trình, kế hoạch mà đơn vị đã xây dựng. Từ cuối năm 2022 khi dịch bệnh ổn định, Trung tâm đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là người dân tộc thiểu số. Tạo công ăn việc làm mới cho người lao động, tăng thu nhập sau 2 năm bị dịch bệnh hành hoành. Từ năm 2023 đến hết đến nay, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên huyện đã tổ chức mở được trên 40 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 1.400 người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, theo phương thức "cầm tay chỉ việc" đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Tủa Chùa: đào tạo nghề, giúp lao động nông thôn tìm kiếm việc làm - Ảnh 2.

Sau khi được đào tạo nghề, nhiều lao động đã có việc làm hoặc áp dụng kiến thức được đào tạo vào sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập gia đình. Ảnh Vinh Duy.

Là người từng được tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động là người dân tộc thiểu số về kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại trên cây ngô gần đây, chị Giàng Thị Dung thôn Đề Can Hồ, xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa chia sẻ: Trước đây gia đình tôi đã từng được tập huấn cách trồng, chăm sóc, trị bệnh cho cây ngô, nhưng chưa áp dụng thực tiễn nên tôi đã quên nhiều kiến thức cơ bản. Vừa rồi, được giáo viên, giảng viên của Trung tâm hướng dẫn lại cụ thể, rõ ràng hơn, đồng thời áp dụng thực tế làm thực hành tại ruộng, giúp tôi dễ hiểu, dễ nhớ và áp dụng tốt hơn, Sau lớp học vừa rồi, chúng tôi có thể tự tin hơn nữa trong việc trồng, chăm sóc và xử lý dịch bệnh cho cây ngô.

Theo ông Lê Sỹ Tường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên huyện Tủa Chùa thì Trung tâm luôn xác định đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt các đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Nhưng làm sao để đào tạo nghề có hiệu quả nhất thì vấn đề tuyên truyền giúp người dân nhận thức rõ việc được đào tạo nghề sẽ có cơ hội tìm kiếm việc làm cũng rất quan trọng. Trung tâm đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền để người dân hiểu được có tay nghề với việc làm sẽ nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần ổn định đời sống.

Tủa Chùa: đào tạo nghề, giúp lao động nông thôn tìm kiếm việc làm - Ảnh 3.

Áp dụng kỹ thuật đã được đào tạo vào sản xuất, chăn nuôi, nhiều lao động nông thôn đã có thu nhập khá từ các mô hình kinh tế vừa và nhỏ. Ảnh CTV

Lao động nông thôn được đào tạo nghề đã có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các nhà máy, khu công nghiệp. Để lao động được tiếp cận với việc làm phù hợp với tay nghề đã được đào tạo, huyện Tủa Chùa còn phối hợp với các công ty, đơn vị tổ chức ngày hội tìm kiếm việc làm. Tại đây các đơn vị tư vấn, tuyển dụng về việc làm của các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ tư vấn, giúp lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm. Năm 2024, tại ngày hội tìm kiếm việc làm đã có hơn 500 người lao động, đoàn viên thanh niên, học sinh trên địa bàn huyện được tiếp cận, trao đổi thông tin, tìm kiếm việc làm, học nghề và nộp hồ sơ trực tiếp tới các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động. Đồng thời được định hướng học nghề phù hợp với nhu cầu, khả năng của người lao động. Qua đó, tìm được việc làm ổn định với mức thu nhập cao; tăng tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, giúp cho các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tuyển chọn được nguồn nhân lực trẻ, chất lượng.

Tủa Chùa: đào tạo nghề, giúp lao động nông thôn tìm kiếm việc làm - Ảnh 4.

Tại Hội chợ việc làm năm 2024, nhiều lao động tại Tủa Chùa đã tìm kiếm được việc làm phù hợp với tay nghề đã được đào tạo. Ảnh VInh Duy.

Đây là cầu nối giữa người lao động trên địa bàn huyện Tủa Chùa với các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Chương trình nhằm cung cấp thông tin trực tiếp cho phụ huynh, học sinh, người lao động và người dân trong việc định hướng các ngành nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn.

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, là giải pháp căn bản để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là "chìa khóa" để huyện Tủa Chùa "mở nút thắt" trong thực hiện mục tiêu ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Vinh Duy