Cơ hội tìm kiếm việc làm cho thanh niên Điện Biên Đông
Với lợi thế dân số đông, trên 67 nghìn người, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 63% là điều kiện tốt để Điện Biên Đông xuất khẩu lao động. Nhưng để xuất khẩu lao động được, không phải là chuyện dễ vì người lao động trên địa bàn chủ yếu lao động chân tay, chưa được đào tạo. Đây cũng là cản trở lớn cho người lao động muốn tìm kiếm cơ hội việc làm.
Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Ngọc La, Chủ tịch huyện Điện Biên Đông cho biết: "Để tạo cơ hội cho người lao động có việc làm, hàng năm, huyện tuyên truyền, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Huyện đã tổ chức hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm. Cùng với đó các đơn vị đã thực hiện các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm online; các phiên giao dịch việc làm lưu động". Qua các hội nghị giới thiệu việc làm, người lao động được phổ biến nâng cao nhận thức về việc làm, học nghề. Được cung cấp thông tin về các chế độ, chính sách việc làm, thị trường xuất khẩu lao động, thị trường lao động trong nước; điều kiện tuyển chọn, làm việc, sinh hoạt và thu nhập của người lao động; các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động đi làm việc trong và ngoài nước; tư vấn giúp người lao động lựa chọn công việc phù hợp ngành nghề, trình độ của bản thân.
Theo ông Bùi Ngọc La, UBND huyện chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu, thông tin về nhu cầu tuyển dụng, điều kiện làm việc, chế độ lương thưởng. Trực tiếp sơ tuyển, lập danh sách lao động đăng ký tham gia làm việc. Từ đó giới thiệu việc làm cho lao động, phù hợp với tay nghề họ đã được đào tạo.
Xuất khẩu lao động là hướng giải quyết việc làm cho người lao động đã và đang được huyện Điện Biên Đông chú trọng triển khai thực hiện. Năm 2022, toàn huyện có 44/50 người xuất cảnh thành công sang lao động tại các thị trường: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tại thị trường Đài Loan, mỗi lao động có thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/tháng; Nhật Bản 18 - 24 triệu đồng/tháng; Hàn Quốc 17 - 20 triệu đồng/tháng.
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện thì Tìa Dình là địa phương có tỷ lệ xuất khẩu lao động đi làm việc tại nước ngoài cao nhất trên địa bàn huyện. Năm 2022, xã Tìa Dình có 30 lao động xuất cảnh lao động tại các nước: Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện nay, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ có người đi lao động ở nước ngoài. Sau 3 năm xuất khẩu lao động, người lao động trở về địa phương, trả hết nợ và xây dựng nhà cửa, đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế.
Chính quyền, cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp cần "bắt tay" để người lao động có việc làm bền vững
Theo ông Mùa A Vảng, Bí thư huyện ủy Điện Biên Đông thì cái khó của lao động trên địa bàn huyện là chưa qua đào tạo. Làm thế nào để người lao động vừa được đào tạo, tìm kiếm được việc làm phù hợp là trách nhiệm của chính quyền. Vì thế lãnh đạo huyện Điện Biên Đông đã làm việc với nhiều cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh để tổ chức các lớp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Theo ông Mùa A Vảng, huyện Điện Biên Đông đã ký Quy chế phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Trung bình mỗi năm nhà trường sẽ tuyển chọn khoảng 30 - 40 lao động địa phương đi học nghề, sau khi học xong sẽ được bố trí việc làm với thu nhập bình quân khoảng 15 - 18 triệu đồng/người/tháng. Để thực hiện quy chế phối hợp đạt hiệu quả, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đã tuyển cộng tác viên tại địa bàn huyện để thực hiện công tác tuyển sinh, tuyển dụng lao động.
Trên cơ sở kế hoạch của nhà trường đã ký kết với UBND huyện, các cộng tác viên đã đến địa bàn các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, vận động những lao động có nhu cầu đăng ký tham gia đào tạo nghề. Từ năm 2022 đến hết tháng 3/2023, huyện Điện Biên Đông có 49 lao động tham gia đào tạo nghề.
Ngoài ra, hàng năm Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo. Hiện nay, toàn huyện Điện Biên Đông có khoảng 3.000 lao động đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp ở các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương…
Giải quyết việc làm cho người lao động là giải pháp quan trọng hàng đầu trong đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm, huyện Điện Biên Đông sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động; ưu tiên người lao động vay vốn giải quyết việc làm; thực hiện tốt công tác đào tạo nghề... Từ đó giúp người lao động có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.