dd/mm/yyyy

Điện Biên: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản đặc trưng

Gần đây, tỉnh Điện Biên tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nông sản, nhất là các sản phẩm OCOP với nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả...

Điện Biên đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP.

Hiện tỉnh Điện Biên có 45 sản phẩm OCOP. Tất cả sản phẩm đều được trồng tập trung, xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi tạo ra hệ thống sản phẩm đa dạng, chất lượng. Khi đã có nguồn sản phẩm phong phú, an toàn và chất lượng, các cơ quan, địa phương và chủ thể kinh tế đã, đang chú trọng công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, giải quyết khâu đầu ra sản phẩm.

Điện Biên: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản đặc trưng   - Ảnh 1.

Điện Biên có 45 sản phẩm OCOP đặc trưng như: Gạo, chè, mật ong, đông trùng hạ thảo... Ảnh: Vinh Duy

Hàng năm, ngành Nông nghiệp và Công Thương thường xuyên tổ chức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các chủ thể kinh tế tham gia nhiều lượt hội chợ, tuần lễ giới thiệu nông sản cả trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ năm 2021 đến nay, việc tổ chức hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản đã có nhiều những đổi mới sáng tạo và hiệu quả.

Để hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu thực tế thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tìm giải pháp hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản trên các sàn giao dịch điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, các nhóm tiêu thụ nông sản an toàn, sản phẩm OCOP toàn quốc. Đây là giải pháp tối ưu trong tình hình dịch bệnh phức tạp.

Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết nối với với 55 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh tạo thành một nhóm trên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo và Facebook. Sau đó, qua nền tảng số, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục kết nối các thành viên vào các nhóm tiêu thụ nông sản toàn quốc như: Câu lạc bộ sản phẩm OCOP toàn quốc; Câu lạc bộ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn…

Điện Biên: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản đặc trưng   - Ảnh 3.

Các sản phẩm từ Đông trùng hạ thảo của Cty TNHH TMDV Loan Nhẹ (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Vinh Duy

Bà Nguyễn Thị Phượng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm - thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Đây là những nhóm uy tín, có mạng lưới thị trường rộng, quy mô lớn mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng là một thành viên. Thông qua các thị trường trực tuyến, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã có thêm cơ hội trao đổi, tìm kiếm cơ hội kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia rất sôi nổi, nhiều đơn vị đã kết nối được nhiều đơn hàng, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong mùa dịch bệnh. Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo các đơn vị có liên quan tập trung hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu đưa các sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Nhờ việc đa dạng hóa các hình thức bán hàng, trong đó có bán hàng trực tuyến mà trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản không bị đứt gãy.

Điện Biên: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản đặc trưng   - Ảnh 4.

Sản phẩm mật ong của HTX Ong Sam Mứn (xã Sam Mứn, huyện Điện bIên, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Vinh Duy

Điện Biên tăng cường đầu ra cho sản phẩm OCOP.

Năm 2022, cả nước chuyển trạng thái "thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh", Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã, đang vận dụng linh hoạt, triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại nông sản. Một mặt, Sở tiếp tục thực hiện đồng hành, giúp các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại thông qua các buổi tọa đàm trực tuyến, sàn thương mại điện tử, thông qua các trang mạng xã hội nhằm hỗ trợ kết nối giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, Sở kết nối với các tỉnh, thành phố để giới thiệu các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ thương mại hàng nông sản.

Đơn cư như, dịp lễ hội Hoa Ban, Sở đã phối hợp với Ban tổ chức lễ hội tạo điều kiện cho 6 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia 8 gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm trong thời gian diễn ra lễ hội từ ngày 11 – 14/3. Đồng thời, dự kiến tham gia các chương trình xúc tiến thương mại như: Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp quốc tế lần thứ 22- AgroViet 2022; Hội chợ XTTM các sản phẩm nông nghiệp vào chuỗi bán lẻ của tập đoàn Aeon - Việt Nam tổ chức tại Hà Nội…

Điện Biên: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản đặc trưng   - Ảnh 5.

Sản phẩm 3 sao, rượu Mountain Qeen của cơ sở sản xuất Đinh Thị Kim Oanh ( phường Tân Thanh, Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Vinh Duy

Tháng 11/2021, Sở Công Thương tái khởi công lại gian hàng trưng bày, giời thiệu và bán các sản phẩm nông sản đặc sản trên địa bàn. Gian hàng được đặt tại vi trí trung tâm TP. Điện Biên Phủ và được thiết kế, bố trí các sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn. Tại đây, Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) đã trưng bày, giới thiệu và bán 100% sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm nông sản đặc sản của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Anh Trần Công Minh, cán bộ Trung tâm Xúc tiến thương mại phụ trách gian hàng cho biết: Để gian hàng hoạt động hiệu quả, Trung tâm đã thường xuyên giới thiệu về gian hàng và cập nhật danh mục các sản phẩm, đồng thời cung cấp thông tin chỉ tiết về nguồn gốc, chất lượng và các chứng nhận sản phẩm trên các hội nhóm mạng xã hội. Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch để gian hàng trở thành một điểm đến trong các tour du lịch của tỉnh. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại nông sản. Đối với khách hàng nội tỉnh, khi có nhu cầu đặt mua hàng, Trung tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã vận chuyển hàng đến tận tay người tiêu dùng.

Điện Biên: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản đặc trưng   - Ảnh 6.

Cán bộ Trung tâm xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) kiểm tra các sản phẩm tại gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán nông sản đặc sản Điện Biên. Ảnh: Vinh Duy

Ngoài ra, cán bộ trung tâm cũng thường xuyên kiểm tra tất cả các sản phẩm  tại gian hàng và yêu cầu các chủ thể kinh tế bổ sung, đổi lô hàng mới, không để tình trạng hàng hết hạn hoặc vỏ bao bì nhàu nát, bạc màu, luôn đảm bảo khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng đều là những sản phẩm mới và tươi ngon nhất. Từ đó, khách hàng sẽ tin tưởng, gắn bó với sản phẩm.

Vinh Duy