dd/mm/yyyy

Điện Biên: Căng mình bảo vệ rừng khỏi "giặc lửa"

Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, gió Lào, các diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều đang ở mức cảnh báo cháy từ cấp 4 đến cấp 5 - mức rất nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Để bảo vệ các cánh rừng khỏi "giặc lửa", lực lượng Kiểm lâm cùng các chủ rừng đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống cháy rừng.

Kiểm lâm Điện Biên trắng đêm canh "giặc lửa"

Hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên có trên 410.000 ha rừng tự nhiên. Do thời tiết nắng nóng kéo dài nhiều ngày, cùng với đây là thời gian cao điểm người dân đốt nương, rẫy nên nguy cơ cháy rừng đang ở mức cực kỳ nguy hiểm. Theo ông Hà Lương Hồng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Điện Biên thì lực lượng kiểm lâm toàn tinh đang phối hợp chặt chẽ với các chủ rừng, tuần tra, bảo vệ, tuyên truyền phòng chống cháy rừng. Với phương châm 4 tại chỗ, khẩn trương dập tắt các đám cháy rừng ngay từ lúc mới bùng phát.

Điện Biên: Căng mình bảo vệ rừng khỏi "giặc lửa"- Ảnh 1.

Lực lượng Kiểm lâm huyện Tủa Chùa (Điện Biên) tranh thủ lúc nghỉ giải lao sử dụng thiết bị công nghệ nhằm kịp thời phát hiện đám cháy trong lúc tuần tra, kiểm soát. Ảnh: Kiểm lâm Điện Biên cung cấp.

Cũng theo ông Hà Lương Hồng, thì đây là thời điểm khó khăn nhất của lực lượng Kiểm lâm và các chủ rừng. Vì thời gian này đang vào mùa làm nương rẫy của người dân. Ngoài việc tuần tra, kiểm soát để người dân không phá rừng làm nương rẫy thì lực lượng Kiểm lâm phải "gồng mình" để phối hợp với các chủ rừng phòng chống, chữa cháy rừng."Như anh thấy đấy, do địa bàn phức tạp, lực lượng Kiểm lâm của Điện Biên rất mỏng. Vì thế việc bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khi nhận được thông tin phá rừng, lực lượng kiểm lâm phải đi bộ vài tiếng mới đến nơi. Hay xảy ra đám cháy, chúng tôi phải băng rừng, vượt núi rất vất vả để tiếp cận đám cháy" ông Hồng chia sẻ thêm.

Huyện Tủa Chùa có hơn 26.500 ha rừng đang trong tình trạng báo động cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm. Do từ cuối năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện ít mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, trong khi đó hiện nay đang là thời điểm người dân đốt nương, nguy cơ cháy rừng càng cao. Gần đây (ngày 24/2), trên địa bàn huyện đã xảy ra một số đám cháy thảm thực vật nhưng lực lượng chức năng đã phát hiện và kịp thời dập tắt, không để ảnh hưởng đến rừng. Tuy nhiên, đây cũng là cảnh báo đối với công tác PCCCR trên địa bàn huyện.

Điện Biên: Căng mình bảo vệ rừng khỏi "giặc lửa"- Ảnh 2.

Kiểm lâm huyện Mường Nhé tuyên truyền người dân không đốt nương trong thời gian nắng nóng, không đem lửa vào rừng. Ảnh: Kiểm lâm Điện Biên cung cấp.

Theo ông Lù Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa, hiện tất cả các diện tích rừng trên địa bàn các xã, thị trấn đang nguy cơ xảy ra cháy ở mức cao nhất. Vì vậy, đơn vị tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện, thiết bị, chủ động triển khai các biện pháp PCCCR; bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ. Đồng thời, Kiểm lâm địa bàn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn các Ban chỉ huy quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR cấp xã với 281 thành viên và củng cố 112 tổ đội phòng cháy chữa cháy rừng cấp thôn, bản với 1.465 người tham gia. Lực lượng này thường xuyên tuần tra, kiểm soát trong thời gian cao điểm nắng nóng để phát hiện, ngăn chặn kịp thời nếu xảy ra cháy. Cùng đó, tăng cường hướng dẫn người dân quy trình đốt nương an toàn, hạn chế nguy cơ lửa cháy lan vào rừng.

Điện Biên: Căng mình bảo vệ rừng khỏi "giặc lửa"- Ảnh 3.

Bữa cơm trưa đơn giản, khẩn trương của lực lượng Kiểm lâm và các chủ rừng trong quá trình tuần tra rừng. Ảnh: Kiểm lâm Điện Biên cung cấp.

Trên địa bàn huyện Mường Nhé, toàn bộ hơn 86.770 ha rừng (tính đến ngày 27/2) cũng trong tình trạng cảnh báo cháy rừng cấp độ 5. Đơn cử tại xã Mường Nhé có hơn 11.000 ha rừng có nguy cơ cháy bất cứ lúc nào. Những ngày qua, công tác phòng chống cháy rừng đang được chính quyền xã, lực lượng chức năng đặc biệt quan tâm. Xã đã thành lập tổ công tác, thường xuyên cử lực lượng ứng trực PCCCR; lực lượng Kiểm lâm địa bàn, công an, quân sự xã thường xuyên phối hợp với các chủ rừng tuần tra. Giao các bản, các tổ đội, cán bộ công chức xã theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình có nương sản xuất gần rừng trước khi đốt có phiếu báo để xã cử lực lượng ứng trực kịp thời xử lý tình huống phát sinh.

Quản lý chặt việc đốt nương của người dân

Theo ông Hà Lương Hồng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Điện Biên, để không xảy ra cháy rừng thì việc đầu tiên phải quản lý chặt việc đốt nương của người dân. Tình trạng đốt nương, sử dụng lửa trong rừng của người dân dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao. Chỉ cần một tàn lửa do người dân không để ý khi sử dụng lửa sẽ dẫn đến hậu quả không lường.

Điện Biên: Căng mình bảo vệ rừng khỏi "giặc lửa"- Ảnh 4.

Kiểm lâm Mường Nhé tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy rừng gắn với bảo vệ phát triển rừng cho người dân xã Sen Thượng. Ảnh: Kiểm lâm Điện Biên cung cấp.

Ông Nguyễn Đình Cương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé cho biết, những ngày qua Hạt đã huy động toàn bộ lực lượng tổ chức thường trực tại các chốt, tuần tra, kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra cháy. Cử người theo dõi hệ thống cảnh báo cháy rừng và các phần mềm chuyên dụng phục vụ công tác PCCCR. Tăng cường thời lượng tuyên truyền về cảnh báo nguy cơ cháy rừng, nghiêm cấm đốt dọn bãi chăn thả gia súc, đốt dọn thực bì làm nương trong thời điểm nguy cơ cháy rừng cấp IV, cấp V.

Cùng với thời tiết nắng nóng kéo dài thì hiện nay bắt đầu bước vào mùa người dân đốt nương sản xuất, gây nguy cơ cháy rừng càng cao. Đặc biệt tại các huyện vùng cao, nhiều khu vực đốt nương nằm sát rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Trong khi ý thức của một số người dân vẫn còn hạn chế, chưa nhận thức được hậu quả của việc đốt nương trong thời tiết khô hanh kéo dài. Trước nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo Hạt kiểm lâm phối hợp với chính quyền và lực lượng dân quân tự vệ các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCCR, hướng dẫn cho người dân các phương án an toàn khi đốt nương.

Điện Biên: Căng mình bảo vệ rừng khỏi "giặc lửa"- Ảnh 5.

Lực lượng kiểm lâm Mường Chà tuyên truyền người dân, chủ rừng thường xuyên kiểm tra, theo dõi diện tích rừng được giao khoán, bảo vệ, hạn chế tình trạng cháy rừng. Ảnh: Kiểm lâm Điện Biên cung cấp.

Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đã tổ chức 168 buổi tuyên truyền trực tiếp về công tác PCCCR và các biện pháp đốt nương an toàn cho hơn 9.300 lượt người dân; tổ chức cho hơn 8.000 lượt người ký cam kết bảo vệ rừng, cam kết đốt nương không để cháy lan vào rừng. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh xã, thôn, bản với 168 giờ phát. Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm tổ chức tuần tra 782 lượt với gần 4.200 lượt người tham gia. Đặc biệt, chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm phối hợp với các địa phương tuyên truyền người dân không đốt nương vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Ngày không nguy hiểm thì đốt nương trước 9 giờ và sau 16 giờ. Trước khi đốt phải báo cáo với trưởng thôn, bản, tổ đội PCCCR. Trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa.

Vinh Duy