dd/mm/yyyy

Điện Biên: Bảo vệ động vật hoang dã trước họng súng săn

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Điện Biên, tình trạng săn bắn, buôn bán động vật hoang dã có những diễn biến phức tạp. Cơ quan chức năng đã bắt được nhiều vụ săn bắn, buôn bán động vật hoang dã. Đặc biệt là tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé và nhiều khu vực rừng tự nhiên có nhiều loài động vật hoang dã sinh sống.

Xác định công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã cho nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền đến cơ sở với nhiều hình thức. Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm đã tổ chức gần 1.000 lượt tuyên truyền tại cơ sở với trên 50.000 người tham gia.

Chi cục Kiểm lâm Điện Biên đã biên soạn, phiên dịch nội dung tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã bằng tiếng Mông, tiếng Thái để phát trên hệ thống loa truyền thanh của thôn, bản; tổ chức 2 đợt in, cấp phát tờ rơi tuyên truyền tại cấp xã, thôn bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức trong bảo vệ động vật hoang dã gắn với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Điện Biên: Bảo vệ động vật hoang dã trước họng súng săn - Ảnh 1.

Đối tượng Lò Văn Bua (sinh năm 1970), trú tại bản Na Há, xã Phu Luông, huyện Điện Biên (Điện Biên) khai nhận tại cơ quan chức năng đã mua 2 cá thể gấu ngựa trên của một người dân cùng xã để mang đi bán kiếm lời.

Điển hình là ngày 17/4/2023, sau khi phát hiện một cá thể cu li lớn (tên khoa học là Nycticebus bengalensis), ông Đinh Văn Thúy, trú tại tổ dân phố 6, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) đã nhanh chóng báo cho lực lượng chức năng. Cùng ngày, lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời tiếp nhận, chăm sóc, quản lý theo quy định đối với cá thể cu li trên.

Cùng với công tác phòng ngừa, lực lượng kiểm lâm tích cực bám nắm địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ các đối tượng liên quan đến việc săn bắt, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã. Từ tháng 1/2022 đến hết tháng 6/2023, Chi cục Kiểm lâm Điện Biên đã chủ trì, phối hợp phát hiện, xử lý 40 vụ về vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã. Tang vật thu giữ trên 750 cá thể động vật hoang dã; thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền 229 triệu đồng.

Đơn cử như, khoảng 18 giờ ngày 21/3/2023, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Mường Ảng và Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tiến hành dừng và kiểm tra đột xuất xe ô tô khách mang biển số 27F-000.43 của nhà xe Hưng Trang thuộc Công ty TNHH Long Giang do ông Nguyễn Quốc Phong (SN 1976, trú tại phường Quang Trung, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) điều khiển. Kiểm tra khoang chứa đồ của xe phát hiện có 3 hộp bìa cát tông có đục lỗ, bên trong có 67 cá thể chim, trong đó: có 9 cá thể chim Kim Oanh tai bạc (thuộc nhóm IIB); 40 cá thể Khướu bạc má (nhóm IIB); 12 cá thể chim chích chòe lửa ( phụ lục II CITES) và 6 cá thể chim chào mào.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Quốc Phong không xuất trình được giấy tờ, hồ sơ chứng minh nguồn gốc lâm sản. Tổ công tác đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính và xử lý các cá thể chim theo quy định.

Điện Biên: Bảo vệ động vật hoang dã trước họng súng săn - Ảnh 2.

Đối tượng Sùng A Thắng (thứ 2 từ phải sang) sinh năm 1988, trú tại bản Mường Toong 1, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, buôn bán, tàng trữ 27 cá thể động vật hoang dã, khối lượng 78 kg, trong đó 23 cá thể còn sống, 4 cá thể đã chết

Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm cũng tăng cường công tác quản lý gây nuôi động vật hoang dã. Hiện nay, toàn tỉnh có 73 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, trong đó có 14 cơ sở nuôi động vật nguy cấp, quý hiếm và động vật hoang dã nguy cấp thuộc phụ lục CITES và 59 cơ sở nuôi động vật thông thường. Số lượng cá thể nuôi tại các cơ sở không lớn, loài nuôi chủ yếu là rắn hổ mang một mắt kính (1.059 cá thể), cầy vòi thuốc (94 cá thể), hươu sao (191 cá thể), dúi (1.951 cá thể).

Ông Hà Lương Hồng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Điện Biên cho biết: "Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã đến người dân, các cơ gây nuôi. Tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với lực chức năng kiểm tra, kiểm soát đảm bảo thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ động vật hoang dã".

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành đầy đủ các quy chuẩn về chuồng trại theo từng loài cụ thể; quy chuẩn về các điều kiện an toàn cho người và vật nuôi, vệ sinh môi trường đối với các cơ sở nuôi động vật hoang dã. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ đầu mối cấp tỉnh, cấp huyện về cập nhật phần mềm quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã của Tổng cục Lâm nghiệp để theo dõi, quản lý, bảo vệ động vật, thực vật rừng và các cơ sở nuôi trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Vinh Duy