dd/mm/yyyy

Dị nhân Long Võ và những nỗ lực làm đẹp cho đời

Nói đến cái tên Long Võ ở miền Tây Bắc, không ít người nghĩ ngay tới mấy từ "Đại ca giang hồ". Nhưng ít ai biết rằng, Long Võ thời xưa nay đã "Gác kiếm", "tu thân", làm nhiều việc thiện…

Bài 1: "Làm việc thiện vì… đó là việc nên làm"

Long Võ là biệt danh mà giới đầu gấu, những tay anh chị miền Tây Bắc gán cho ông Nguyễn Chí Long từ hàng chục năm nay. Cũng không phải tự nhiên mà họ gán cho ông Long cái tên ấy, mà bởi ngay từ những thập kỷ 80, 90 của thế kỉ trước, ông Long vốn là một trong những thầy dạy võ nổi tiếng ở miền đất này.

Dị nhân Long Võ và những nỗ lực làm đẹp cho đời - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Chí Long (Long Võ) với vườn sâm Ngọc Linh ngàn tỷ giữa đại ngàn Tây Bắc hôm nay. (Ảnh: Kiều Minh Ngọc)

Chất thượng võ cộng với chút ngông nghênh thời trai trẻ đã làm người đời "rút gọn" cái tên Nguyễn Chí Long - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư xây dựng Thành Long (Mai Sơn - Sơn La); thành cái tên "Long Võ".

Nhưng Long Võ đầu gấu đến mức nào thì đa phần người đời cũng chỉ nghe kể lại theo kiểu "tam sao thất bản" chứ mấy ai được mục sở thị.  Ngay cả tôi – người viết bài này, dù đã biết ông Nguyễn Chí Long từ mấy chục năm trước nhưng cũng chưa một lần chứng kiến cái "thói côn đồ ngạo ngược" – như lời thiên hạ đồn đoán về ông Long, mà mới chỉ được thấy những hành động rất thiện của ông Long với cuộc sống này.

Vào những năm 1998 - 2002, khi ấy Sơn La còn đói nghèo lắm. Để có được một mái nhà lợp fibro xi măng là khát vọng của rất nhiều người. Năm ấy, ông Long được giao mở đường vào xã vùng cao, biên giới Phiêng Pằn – một trong 4 xã gian nan nhất của huyện Mai Sơn thời bấy giờ. Thấy bà con các dân tộc Thái, Mông, Sinh Mun… hầu hết đều sống trong nhà tạm gianh, tre, nứa, lá. Mà vùng cao ngày ấy, chuyện cháy nhà xảy ra rất thường xuyên. Chỉ cần 1 tàn lửa là cả ngôi nhà đi tong bởi "nhà gianh đã cháy thì không ai cứu được".

Dị nhân Long Võ và những nỗ lực làm đẹp cho đời - Ảnh 2.

Hơn 20 năm trước, đường giao thông rộng rãi, dù chỉ là nền đất nhưng với người dân các xã vùng cao, biên giới như Phiêng Pằn (Mai Sơn, Sơn La) thì là cả một khát vọng. (Ảnh: Kiều Thiện)

Cảm nhận cái khó khăn đó, ông Long đã quyết định đầu tư luôn mấy ngàn tấm lợp, chở đến tận xã, hỗ trợ bà con nghèo lợp mái nhà. Không chỉ thế, ông còn hỗ trợ bà con nhiều ca máy xúc, máy ủi để làm đường vào bản, đào ao thả cá, san gạt nền nhà, mặt ruộng… Những hành động ấy, đến hôm nay, nhiều người dân Phiêng Pằn vẫn chẳng thể nào quên.

Tôi vẫn nhớ lời tâm sự của ông Lò Văn Hiền, ở bản Pá Nó, xã Phiêng Pằn (Mai Sơn, Sơn La) khi nói về những tấm lợp fibro xi măng của ông Nguyễn Chí Long hỗ trợ bà con nghèo trong xã: Tấm lợp của ông Long đưa về đây đã giúp cho nhiều hộ dân ở Phiêng Pằn đổi đời. Bao năm sống trong nhà lợp gianh, nắng thì sợ lửa, mưa thì sợ dột, sợ tốc mái nhà. Đến cả cán bộ xã như chúng tôi cũng mong muốn nhận được những tấm lợp đó để làm nhà cho mình. Ngoài ra, ông ấy còn giúp nhiều bản có đường đi, có ao thả cá… Tổng trị giá giúp đỡ của ông Long với người dân Phiêng Pằn chúng tôi lên nhiều tỷ đồng

Ngày ấy, sau chuyến công tác ở Phiêng Pằn trở về, tôi đã đến phỏng vấn ông Long về việc làm từ thiện ở Phiêng Pằn, xin ông số liệu để viết gương, nhưng ông chỉ nói: Tôi làm việc thiện vì đó là việc nên làm. Nhà báo cần thêm thông tin gì thì cứ xuống với xã, bản, với dân mà lấy thông tin là chính xác nhất. Tôi giúp nhiều nơi, nhiều người, nhất là ở ngay Mai Sơn này nên lấy thông tin cũng không khó lắm đâu.

Dị nhân Long Võ và những nỗ lực làm đẹp cho đời - Ảnh 4.

Vào cuối thập kỉ 90 và đầu những năm 2000 vừa qua, có một mái nhà lợp tấm lợp fibro xi măng với bà con các dân tộc vùng cao Sơn La là cả một khát vọng. (Ảnh: Kiều Thiện)

Tôi đã tìm đến UBND huyện Mai Sơn để hỏi về việc làm từ thiện của ông Nguyễn Chí Long nhưng ông Nguyễn Đức Hinh (ngày ấy là Chánh Văn phòng UBND huyện Mai Sơn, Sơn La), vỗ vai thân mật: Ông Long này làm từ thiện nhiều lắm nhưng ông ấy không muốn nói nhiều về việc đó. Chú cứ xuống cơ sở mà tìm hiểu ở các tổ chức, cá nhân, hộ nghèo vùng khó khăn, người bệnh nặng đang điều trị ở bệnh viện… nhiều lắm! Huyện không thống kê hết được.


Bài 2: Dị nhân Long Võ với vườn sâm "Quốc Bảo" ngàn tỷ giữa đại ngàn Tây Bắc


Kiều Minh Ngọc