dd/mm/yyyy

Đệ nhất gà xương đen đất Tây Bắc

Lên các xã vùng cao đất Tây Bắc có một món ăn không thể bỏ qua đó là gà xương đen. Giống gà quý của bà con người Mông thơm ngon, nổi tiếng này còn được gọi là gà thuốc.

Đất Tây Bắc vốn hàm chứa nhiều đặc sản của núi rừng. Ông trời đã ban cho vùng đất này phong cảnh đẹp tuyệt trần. Lấp ló đâu đó ở những bản Mông sống trên những dãy núi cao giữa tầng không đang "sở hữu" giống gà xương đen. Thứ gà mà mỗi khi lên bản, ai cũng muốn được thưởng thức cho kì được. 

Khách quý mới mổ gà xương đen

Bản Chống Tông (xã Chế Cu Nha, Mù Cang Chải – Yên Bái) nằm tít trên núi cao. Nơi này nổi tiếng khắp đất Mù Cang Chải vì nuôi được giống gà xương đen. Gia đình anh Hờ Nủ Páo là một trong những hộ nuôi được nhiều gà nhất. Trang trại của anh Páo nằm tít trong rừng sâu.

Vợ chồng anh chuyển lên nơi đèo mây hút gió này để nuôi dê và thả gà đen. Anh Páo vốn là người hiếu khách. Gặp nhau giữa chốn rừng sâu, anh không giấu được niềm vui: "Ấy dà, người Mông bảo có người đến nhà là có thêm niềm vui rồi. Gặp nhau nơi núi non này nữa thì càng quý". Chưa kịp dứt câu, anh đã quay sang "hạ lệnh" cho vợ "chảm" ngay một trong những con gà xương đen to nhất đàn đãi khách.

Đệ nhất gà xương đen đất Tây Bắc - Ảnh 1.

Giống gà đen tuyền của bà con người Mông.

Sống trên đỉnh núi cao hơn 2000m so với mặt nước biển nên nơi này quanh năm lạnh giá. Mặt trời đã đứng bóng mà chúng tôi vẫn xuýt xoa vì rét. Vợ anh Páo lúi húi trong bếp làm gà,  còn anh Páo đưa 2 bàn tay khum khum lên miệng tạo thành chiếc loa tay rồi hú lên tràng dài.

Tựa như mệnh lệnh của vị tổng chỉ huy, tiếng hú của anh Páo vừa dứt, đám gà ở khắp nơi tề tựu về đông đủ. Đám gà đen nhanh nhẹn như gà rừng cùng hướng về phía ông chủ đợi ăn. Anh Páo vung tay ném cho chúng nắm ngô, đám gà được phen chen nhau nhặt thức ăn. Nhìn đàn gà với niềm tự hào anh Páo bảo: "Giống gà xương đen này sống trên núi thì phát triển rất tốt. Nhiều người đưa nó về miền xuôi nuôi, chúng không phát triển được. Dường như giống gà này chỉ thích sống ở rừng".

Đệ nhất gà xương đen đất Tây Bắc - Ảnh 2.

Giống gà này rất khỏe, cho thịt thơm ngon. Trong đông y còn coi thịt gà xương đen là một vị thuốc quý.

Bao đời nay, người Mông sống trên núi cao, giống gà đen tuyền này có từ bao giờ cũng không ai nhớ rõ. Anh Páo đang mải miết nói về giống gà quý của người Mông, vợ anh ở bếp gọi với ra: "Gà chín rồi. Anh Páo vào chặt giúp em". Vốn là người thạo "tay dao tay thớt", thoáng cái anh Páo đã vớt con gà luộc trong nồi ra. Thứ gà đen tuyền này khi luộc xong, thịt chúng cũng có màu đen. Hơi nóng từ con gà bay phảng phất trong ngày đông mang theo mùi hương thoang thoảng của rừng. Nồi nước vẫn còn đang sôi sùng sục, anh Páo bỏ vào đó nắm rau cải mèo non mơn mởn.

Đệ nhất gà xương đen đất Tây Bắc - Ảnh 3.

Thịt của giống gà này cũng có màu đen đặc trưng.

Riêng món nội tạng của gà xương đen cũng có màu đen lay láy và được anh Páo xào với món nấm rừng để trên gác bếp. Chỉ sau vài phút món nấm rừng xào lòng gà thơm nức cũng đã được anh Páo làm xong. Bữa cơm giữa rừng với rượu ngô thơm nứt chai, món nhắm là thứ gà hảo hạng của người Mông quả là đáng nhớ. Chấm một miếng thịt gà cùng nước mắm gừng đặc biệt của người dân tộc Mông thì không còn gì bằng nữa.

 Gà xương đen dùng để chữa bệnh

Theo anh Páo, người Mông gọi là gà đen vì giống gà này lông đen, thịt đen, xương đen. Vóc dáng giống như gà ri ở dưới xuôi, con trưởng thành chỉ nặng từ 1.2 – 1.6kg. Thân hình gà thon nhỏ, chân cao, bay nhảy rất tốt. Do sống thả rông, hoang dã, loài gà này rất dữ, rất hay đánh nhau. Thịt gà xương đen không tanh do lượng sắt trong thịt rất thấp. Đây là lý do giải thích vì sao nó gọi là được gọi là "gà thuốc".

Đệ nhất gà xương đen đất Tây Bắc - Ảnh 4.

Bà con nông dân ở các tỉnh miền núi Tây Bắc nuôi gà lông đen (xương đen) để làm giàu.

Gà này mà hầm hạt sen rất tốt cho phụ nữ. Chẳng thế mà phụ nữ người Mông sinh nở, mẹ chồng thường nấu món gà hầm hạt sen cho con dâu. Món ăn bổ dưỡng này rất thích hợp để tẩm bổ khi mới hết bệnh, cho bà bầu hay cho người thiếu dinh dưỡng. Không chỉ sử dụng thịt làm món ăn và vị thuốc mà những bộ phận khác của gà Mông cũng rất có giá trị như mật gà được dùng để chữa bệnh ho cho trẻ em, xương gà nấu thành cao để chữa bệnh run tay, run chân.

Đệ nhất gà xương đen đất Tây Bắc - Ảnh 5.

Giống gà xương đen của bà con người Mông dễ nuôi và kháng bệnh rất tốt.

Gà xương đen được nuôi trong môi trường hoang dã nên chất lượng thịt tốt, ít mỡ. Không những thế theo các nhà khoa học, gà Mông cung cấp lượng axit glutamic cao tới 3,87%, cao hơn gà ri, gà ác nên thịt gà có vị ngọt đậm. Hầu như gia đình nông dân Tây Bắc nói chung, đồng bào dân tộc Mông nào ở đất Tây Bắc nói riêng cũng nuôi gà xương đen. Hầu hết họ nuôi để cải thiện bữa ăn của gia đình. 

Sách y học cổ truyền viết rằng: Gà đen vị ngọt, tính bình; có công dụng bổ can thận, ích khí huyết, dưỡng âm thoái nhiệt, thường dùng để chữa các chứng bệnh hư nhược, tiêu khát (đái tháo đường), đi tả lâu ngày do tì hư, lỵ lâu ngày, chán ăn, khí hư, di tinh, hoạt tinh, nóng âm ỉ trong xương, ra mồ hôi trộm, kinh nguyệt không đều…

Thời gian gần đây, nhiều người đã mạnh dạn mở rộng chăn nuôi. Ông Mùa Dũng Dua, xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) cũng là ông chủ có tiếng về nuôi gà. Ông có hơn 20ha rừng. Đàn gà xương đen lên tới 300 con.

Đệ nhất gà xương đen đất Tây Bắc - Ảnh 6.

Gà xương đen luôn bán được giá hơn so với các giống gà khác.

Ông Dũng chia sẻ: Sở dĩ gà xương đen thơm ngon nổi tiếng là do độ săn chắc, ngọt dai, hương vị đặc biệt và tính bổ dưỡng trong thành phần thịt gà. Từ nhỏ, khi còn chưa tròn tuổi, các con gà đen đã rất hiếu động, tập bay bằng đôi cánh và tính khí cũng có đôi phần hiếu chiến. Sự rèn luyện cơ bắp từ nhỏ đã khiến cho thịt gà xương đen rất chắc, rất ngon và trở nên loại thực phẩm địa phương rất đáng để thưởng thức.

Thuần Việt