Clip: Nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Từng bước nâng cao thụ nhập cho người đồng bào dân tộc thiểu số
Yên Châu huyện vùng cao biên giới của tỉnh Sơn La, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 82%, những năm qua, huyện Yên Châu luôn xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc.
Xã Phiêng Khoài, (Yên Châu, Sơn La) có hơn 20 km đường biên giới với nước bạn Lào. Xã có 4 dân tộc Kinh, Thái, Mông, Xinh Mun sinh sống tại 30 bản, trong đó có 19 bản đặc biệt khó khăn. Đại phương này xác định nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng. Những năm trở lại đây xã Phiêng Khoài đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa cây trồng con nuôi có hiệu quả kinh tế cao vào canh tác, nhằm nâng cao thu nhập cho bà còn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài (Yên Châu, Sơn La) cho biết: Đảng ủy xã xác định rõ trách nhiệm của các chi bộ, chính quyền, các đoàn thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát huy tiềm năng lợi thế, khắc phục những khó khăn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Đến nay xã Phiêng Khoài có trên 1.300 ha mận hậu, trong đó hơn 1.200 ha cho thu hoạch, tập trung nhiều ở các bản: Hang Mon 1, 2, Kim Chung 1, 2, 3 và Cồn Huốt 1, 2; sản lượng hằng năm đạt trên 13.000 tấn quả. Đặc biệt, để cây mận cho năng suất, chất lượng quả ngon, người dân ở đây đã áp dụng kỹ thuật trồng chiết, ghép, sử dụng quy trình chăm sóc mận theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ. Nhờ những cách làm cụ thể, hiệu quả, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Phiêng Khoài giảm xuống còn 32,6% (giảm 21,3% so với năm 2015). Đời sống của người dân từng bước được nâng lên, bà con đồng bào dân tộc nơi đây tích cực góp công, góp của, chung sức xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, đường giao thông nông thôn, hiện xã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới.
Còn tại xã Chiềng Pằn xác định phát triển kinh tế vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, góp phần cải thiện đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua cấp uỷ, chính quyền xã Chiềng Pằn đã thực hiện nhiều biện pháp giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Theo đó Chiềng Pằn tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển nông nghiệp nông thôn, khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế. Với tiềm năng và thế mạnh của địa phương. thực hiện quy hoạch tập trung, cải tạo, trồng mới 420 ha cây ăn quả có giá trị hàng hóa, như: Xoài tròn, chuối, nhãn, mít Thái, thanh long ruột đỏ; trồng rau an toàn... phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều mô hình trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng, đến nay cả xã có 3.800 con gia súc; gần 30.000 con gia cầm các loại.
Gia đình anh Bùi Văn Việt, bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu (Sơn La) là một trong những hộ nông dân đi đầu trong việc năng cao thu nhập. Năm 2020, nhờ nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân, gia đình anh đã đầu từ mở rộng trang trại trồng cỏ nuôi bò sinh sản. Mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình anh là một trong những mô hình có quy mô lớn ở vùng đất này, mỗi lứa nuôi duy trì từ 35-40 con bò mẹ sinh sản. Từ việc trồng cỏ, nuôi bò mỗi năm cho gia đình anh thu lại không dưới 300 triệu đồng/năm.
"Năm 2018, cùng với sự hỗ trợ của Hội Nông dân về vốn vay, gia đình tôi đã đầu mở rộng chuồng trại, với 3 khu chăn nuôi riêng biệt cho đàn bò mẹ sinh sản, bê con và bò đực vỗ béo... Một năm, gia đình xuất bán từ 30-35 con bò giống và 10-12 bò vỗ béo. Sau khi trừ chi phí, thu lãi trên 400 triệu đồng..", anh Việt cho hay.
Nhiều giải pháp nâng cao thu nhập vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết: Để nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Yên Châu đã đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, thế mạnh của đia phượng. Hiện trên địa bàn huyện Yên Châu có gần 11.000 ha cây ăn quả các loại. Trong đó có trên 560 ha được người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đã có trên 70 ha nhãn, 22 ha xoài được cấp mã số vùng trồng và trên 350 ha cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, liên kết với các đơn vị xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm.
Để phát triển cây ăn quả, huyện đã đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tích cực tuyên truyền, vận động thành lập HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có trên 50 HTX nông nghiệp, với gần 900 thành viên; một số HTX đã tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cây ăn quả với người dân, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP trong sản xuất và chế biến. Đặc biệt, huyện đã tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, liên kết các chuỗi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thị trường Trung Quốc, Úc, Mỹ.
Bên cạnh đó, cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, huyện Yên Châu đã huy động mọi nguồn lực, triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc như: Chương trình 135, Quyết định 102, Quyết định 18 của Chính phủ... đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, lồng ghép các chương trình, dự án, mục tiêu quốc gia, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Đặc biệt, là việc đầu tư xây dựng đường giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt, xây dựng nhà văn hóa, lớp học; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo theo quy định; hỗ trợ cây giống, con giống, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, huyện còn chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các xã có bản đặc biệt khó khăn thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn là người DTTS; thực hiện hiệu quả chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; tạo điều kiện cho các hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng để phát triển sản xuất.
Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS ở Yên Châu đã và đang góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tạo động lực quan trọng đẩy nhanh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn.