dd/mm/yyyy

Công an Sơn La: Cảnh giác chiêu trò giả danh để lừa đảo

Công an Sơn La liên tiếp nhận được tin báo tố giác các đối tượng giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát đe dọa, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Clip: Cảnh giác chiêu trò giả danh để lừa đảo

Nhiều nạn nhân bị sập bẫy lừa đảo

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Sơn La đang phối hợp cùng Công an huyện Mường La (Sơn La) kiểm tra xác minh các vụ việc sử dụng mạng điện thoại di động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn.

Theo đó, các đối tượng thường mạo danh cơ quan công an hay VKS để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng việc gọi điện thoại, có những bị hại đã nhẹ dạ cả tin và chuyển tiền cho các đối tượng lên đến hàng trăm triệu đồng. Điều này cũng cho thấy, hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, Internet vẫn diễn biến phức tạp.

Cảnh giác chiêu trò giả danh để lừa đảo - Ảnh 2.

Những ngày gần đây, Công an tỉnh Sơn La liên tiếp nhận được tin báo của người dân tố giác các đối tượng giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát đe dọa, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: ANTV Sơn La

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mường La (Sơn La) nhận được đơn trình báo của ông Lò Văn H (52 tuổi) khi ông đã bị các đối tượng thông báo rằng đang có liên quan đến hoạt động bất minh và cần phải chuyển tiền để xác minh số tiền mà ông đang có. Tin lời, ông đã chuyển cho các đối tượng hơn 132 triệu đồng.

Ông Lò Văn H (nạn nhân) chia sẻ: Họ nói liên quan đến số tiền của tôi đang liên quan đến đường dây ma túy, Cảnh sát hình sự TW đang điều tra. Họ bảo nếu ông muốn giữ được số tiền thì phải gửi số tiền đó cho họ để họ giữ hộ. Muốn thoát thì phải gửi, khi nào làm việc xong thì sẽ gửi lại số tiền đó trở lại cho ông.

Cảnh giác chiêu trò giả danh để lừa đảo - Ảnh 3.

Nạn nhân, Lò Văn H tại cơ quan Công an khái báo, tố giác các đối tượng giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát đe dọa, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: ANTV Sơn La

Với thủ đoạn tương tự, chị Đinh Thị T cũng bị lừa hơn 64 triệu đồng, khi các đối tượng thông báo chị đang liên quan đến một đường dây ma túy. Quá sợ hãi, chị đã tức tốc ra ngân hàng chuyển tiền cho chúng mà không nghĩ ngợi gì.

Chị Đinh Thị T (nạn nhân) chia sẻ: Họ nói như thế nào là cứ nghe hết không có phản ứng gì. Bảo bao tiền cũng khai hết, bảo bán vàng thì cũng bán vàng.

Cảnh giác chiêu trò giả danh để lừa đảo - Ảnh 4.

Cảnh giác chiêu trò giả danh để lừa đảo - Ảnh 5.

Nạn nhân, Đinh Thị T đến trình báo tại cơ quan Công an. Ảnh: ANTV Sơn La

Theo trình bày của các nạn nhân, đối tượng báo các nạn nhân đang có dính líu, liên quan đến một đường dây ma túy lớn nên phải hợp tác điều tra. Các nạn nhân bị "dọa" tài khoản của họ sẽ bị niêm phong để xác minh làm rõ. Các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp hết thông tin tài khoản ngân hàng và nếu như chuyển thử tiền thành công và các đối tượng rút được tiền thì mới thôi.

Thượng úy Lò Văn Trường Cán bộ Đội Cảnh sát ĐTTP về HS-KT-MT, Công an huyện Mường La cho biết: Việc xác minh nhanh, triển khai làm rõ để xử lý gặp rất nhiều khó khăn, họ Sử dụng SĐT và TK không chính chủ.

Cảnh giác chiêu trò giả danh để lừa đảo - Ảnh 6.

Các đối tượng sử dụng số điện thoại, tài khoản Ngân hàng không chính chủ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh: ANTV Sơn La

Chủ động đấu tranh hiệu quả với tội phạm giả danh để lừa đảo

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Lê Mùi, Phó trưởng Công an huyện Mường La cho biết: Đến cuối tháng 10/ 2022 Công an huyện Mường La (Sơn La) đã nhận được đơn tố giác của 6 bị hại với số tiền hơn 801 triệu đồng. Sau khi bị hại chuyển tiền thành công đến ngân hàng mà đối tượng cung cấp thì ngay lập tức các đối tượng sẽ ngắt liên lạc. Hiện nay rất nhiều người đã và đang trở thành nạn nhân của trò lừa đảo trên mạng xã hội và ĐTDD. Họ tin rằng người đang gọi cho họ là người của lực lượng Công an và rơi vào cạm bẫy mà chúng đang vạch ra.

"Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an các cấp, cần nhất vẫn là ý thức phòng ngừa, cảnh giác. Người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, để nêu cao tinh thần cảnh giác, đồng thời có kiến thức để tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo, tránh mắc bẫy của loại tội phạm này" Trung tá Lê Mùi nói.

Cảnh giác chiêu trò giả danh để lừa đảo - Ảnh 7.

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản , người dân thông báo cho cơ quan Công an để kịp thời giải quyết. Ảnh: ANTV Sơn La

Để chủ động phòng tránh các hoạt động lừa đảo sử dụng công nghệ cao, người dân cần chú ý: Cảnh giác với các số điện thoại lạ, số giả gọi đến yêu cầu xác minh thu nhập, thông tin tài khoản ngân hàng. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh nhân dân (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân… cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. 

Thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là mạo danh lực lượng Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại thì đề nghị họ cho biết tên, địa chỉ nơi làm việc để đến trực tiếp trao đổi.

Ghi nhận lại nội dung và báo ngay cho cơ quan Công an. Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân, như: căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.

Cảnh giác chiêu trò giả danh để lừa đảo - Ảnh 8.

Người dân cần phải nâng cao cảnh giác chiêu trò giả danh Công an, Viện kiểm sát để lừa đảo. Ảnh: ANTV Sơn La

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.

PV Tây Bắc