Theo ghi nhận của Dân Việt lúc 11h trưa nay (16.7), thành phố biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), trời mưa khá nặng hạt, gió bắt đầu thổi khá mạnh. Tuy nhiên, ở phía bãi biển, hàng trăm du khách từ người lớn đến trẻ em vẫn lao ra biển “vô tư” nô đùa với những con sóng dữ.
Mặc dù tiếng còi cảnh báo nguy hiểm vang lên liên tục, loa phóng thanh của Đội cứu hộ, cứu nạn bãi biển Sầm Sơn cũng phát đi lời cảnh báo, yêu cầu du khách không được tắm biển, những người làm công tác cứu hộ cũng xuống tận mép nước, căng cờ báo hiệu, yêu cầu mọi người lên bờ, nhưng đều...vô nghĩa.
Những tốp thanh niên, những nhóm trẻ được người lớn dẫn theo ra mép biển vẫn “vô tư” chơi đùa với sóng. Theo quan sát của phóng viên, sóng biển mỗi lúc một to, nước biển đục ngầu và gió mỗi lúc mạnh lên.
Theo kinh nghiệm của nhiều người dân biển, trước khi bão đổ bộ vào đất liền, mà trời lúc mưa lúc tạnh, thậm chí có hửng sáng, sóng biển cao dần, nước đục ngầu… có nghĩa, bão lớn đang tiến vào bờ.
Một du khách ở Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi thấy trời có lúc tạnh, lúc mưa nên chưa thấy nguy hiểm nên cứ tranh thủ ra tắm biển. Thấy đài, báo đưa tin là chiều tối nay bão mới vào, nên không lo gì”.
Trước đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã có công điện yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 2; tổ chức kiểm đếm, thường xuyên giữ thông tin liên lạc, thông báo, hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Các huyện miền núi, vùng nguy cơ xảy ra sạt lở cao, vùng cửa sông, ven biển phải sẵn sàng khi có lệnh sơ tán dân.