dd/mm/yyyy

Chuyển đổi phương thức sản xuất, nông dân Pắc Ta có thu nhập khá

Xã Pắc Ta (Tân Uyên, Lai Châu) phát huy nội lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ giúp nông dân thay đổi phương thức canh tác, tăng thu nhập.

Clip: Chuyển đổi phương thức sản xuất, nông dân Pắc Ta, huyện Tân Uyên, Lai Châu ấm no.

Cách làm của nông dân Pắc Ta

Chia sẻ với báo Nông thôn ngày nay / Dân Việt / Trangtraiviet điện tử, ông Hoàng Văn Phanh, Phó chủ tịch UBND xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên, Lai Châu hồ hởi cho biết: Năm 2016, xã Păc Ta được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nhờ xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã từng bước được nâng lên.

Để giữ vững và nâng cao danh hiệu này, hàng năm chúng tôi đề ra những giải pháp, hướng đi cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm cho lao động nông thôn để nâng cao thu nhập…

Chuyển đổi phương thức sản xuất, nông dân Pắc Ta có thu nhập khá - Ảnh 2.

Chuyển từ phương thức nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung có chuồng trại, sản xuất hàng hoá giúp nông dân xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên, Lai Châu tăng thu nhập. Ảnh Tuấn Hùng

Gia đình chị Lò Thị Dâng, bản Pắc Ta, xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên, Lai Châu) là một trong những nông hộ tiêu biểu trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất, mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế mới cho thu nhập cao.

Hiện gia đình chị Dâng có 30 thùng ong nuôi hoàn toàn bằng mật hoa tự nhiên, mùa nào hoa nấy nên nguồn mật rất phong phú. Cứ 15 ngày, vợ chồng chị lại quay mật, trung bình mỗi thùng quay được 2 lít mật ong. Với giá bán 300.000 đồng/lít, vợ chồng chị Dâng cũng có thêm thu nhập.

Chia sẻ với chúng tôi chị Dâng hồ hởi cho biết: Tháng 4/2022, tôi mua thêm 6 con dê giống về nuôi, đến nay đàn dê của gia đình tôi có tổng số 15 con, dự kiến đến tháng 4, 5, dê tiếp tục đẻ lứa mới.

Nhờ nguồn thức ăn sẵn có trên rừng, vợ chồng tôi làm lán trại trên đó nên rất thuận tiện cho việc quản lý, đàn dê sinh sản tốt. Tôi đang lên kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại.

"Ngoài nuôi ong, nuôi dê tôi còn nuôi thêm 3 con trâu và đàn lợn sinh sản trên 20 con, nhờ đó thu nhập của gia đình khá hơn nhiều so với trước đây, không còn cảnh khốn khó nữa, đời sống được nâng cao, tôi có điều kiện chăm sóc các con", chị Dâng phấn khởi cho biết thêm.

Chuyển đổi phương thức sản xuất, nông dân Pắc Ta có thu nhập khá - Ảnh 3.

Xây dựng các mô hình kinh tế mới cho thu nhập cao, bà con xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên, Lai Châu có điều kiện sống tốt hơn. Ảnh Tuấn Hùng

Giải pháp tăng thu nhập cho nông dân của Pắc Ta

Qua câu chuyện với ông Hoàng Văn Phanh, Phó chủ tịch UBND xã Pắc Ta, được biết từ khi xã Pắc Ta đạt chuẩn đạt chuẩn nông thôn mới đến nay, hàng năm xã đều tìm những giải pháp phù hợp với lợi thế của địa phương để tăng thu nhập cho người dân.

Trong đó, xã đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực về nguồn lao động, tài nguyên đất đai. Đối với những diện tích đất cho năng suất thấp, xã vận động Nhân dân hiến đất, chuyển đổi sang trồng cây chè, quế, mắc ca.

Bên cạnh đó với lợi thế diện tích đất đồi lớn, nhiều bãi chăn thả rộng, nhân dân các bản chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang hướng hàng hóa. Cán bộ xã xuống từng bản hướng dẫn người dân sửa chữa, gia cố chuồng trại, trồng cỏ voi.

Chuyển đổi phương thức sản xuất, nông dân Pắc Ta có thu nhập khá - Ảnh 4.

Nông dân xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên, Lai Châu đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, chú trọng áp dụng khoa học nhờ đó tăng thu nhập. Ảnh Tuấn Hùng

Đồng thời, quy hoạch vùng chăn thả gia súc tập trung, không để người dân thả rông khiến vật nuôi dễ lây lan dịch bệnh và phá hoại hoa màu.

Đến nay, toàn xã có trên 9.300 con gia súc các loại. Các mô hình gia trại, trang trại chăn nuôi gắn với vệ sinh môi trường tiếp tục được mở rộng, trên địa bàn xã Pắc Ta hiện có 4 trang trại, gia trại, đăng ký mới 8 chuồng trại chăn nuôi tập trung và 755 thùng ong cho 27 hộ. Diện tích nuôi trồng thủy sản 26ha.

Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Hoàng Văn Phanh cho biết: Xác định rõ hướng đi, một mặt chúng tôi đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích bà con tăng gia sản xuất, chuyển đổi phương thức, đưa cây, con giống mới vào sản xuất.

Một mặt chúng tôi tăng cường phối hợp với các đơn vị chuyên môn các cấp giúp bà con tiếp cận với các nguồn vốn và biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhờ đó các mô hình kinh tế đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Bà con cũng phấn khởi và tin tưởng và chủ trương của xã và nhà nước.

Chuyển đổi phương thức sản xuất, nông dân Pắc Ta có thu nhập khá - Ảnh 5.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong phát triển kinh tế, đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của người dân xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên, Lai Châu được nâng lên rõ rệt. Ảnh Tuấn Hùng

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong phát triển kinh tế, cuộc sống của người dân xã Pắc Ta ngày một đổi khác, năng suất cây trồng, vật nuôi được nâng lên, nhiều mô hình kinh tế phát triển đem lại thu nhập ổn định cho bà con.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Pắc Ta chỉ còn 8,28%, thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/người/năm, xã tiếp tục duy trì và giữ vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tuấn Hùng