dd/mm/yyyy

Cây gai xanh là cây gì mà bà con miền núi cứ trồng là không còn phải lo cảnh “được mùa mất giá”

Ở các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá, phát triển vùng trồng cây gai xanh gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ đã giúp cải thiện đời sống của bà con, tạo thu nhập ổn định trên đồng đất quê nhà, bà con không còn phải lo cảnh “được mùa mất giá”.

Sinh kế bền vững cho người dân

Tại xã miền núi Cẩm An – huyện Cẩm Thuỷ, hàng trăm hộ dân đang có thu nhập trong mơ nhờ trồng cây gai xanh. Thực hiện Đề án Phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ Nhà máy Sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, những năm gần đây, huyện Cẩm Thủy đã phối hợp với Tập đoàn An Phước – Viramie triển khai mô hình cây gai xanh nhằm phát triển kinh tế, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Diện tích trồng gai từ chỗ chưa đáng kể, hiện đã lên đến 460ha toàn tỉnh.

Bà Phạm Thị Thanh - thôn Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa cho biết, những năm trước đây, gia đình bà trồng nhiều loại cây khác như mía, keo, sắn… nhưng thường xuyên rơi vào tình trạng "được mùa mất giá", thu nhập bấp bênh. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang trồng gai, bà yên tâm hơn khi được cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Cây gai xanh là cây gì mà bà con miền núi cứ trồng là không còn phải lo cảnh “được mùa mất giá” - Ảnh 1.

Vui vẻ khi chia sẻ về thu nhập, bà Thanh cho biết, đến thời điểm thu hoạch, mỗi ngày, gia đình bà thu về 15 - 20 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí. Như vậy, mỗi năm, thu nhập từ cây gai xanh có thể lên đến hàng tỷ đồng. Không chỉ mang về nguồn thu ổn định cho gia đình, bà Thanh còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương khi vào vụ thu hoạch với 300.000 đồng/người/ngày.

Một trong số các địa phương đang đẩy mạnh phát triển cây gai xanh là huyện Lang Chánh. Năm 2018, huyện phối hợp với Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramie (thuộc Tập đoàn An Phước) trồng thử nghiệm 16 ha cây gai xanh tại các xã Tân Phúc, Đồng Lương, Quang Hiến. Nhận thấy đây là cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế thấy rõ, địa phương đã rà soát, chuyển đổi một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh nguyên liệu.

Để khuyến khích người trồng cây gai xanh, ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh và công ty, huyện Lang Chánh còn hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân là thành viên HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia trồng cây gai xanh tập trung, với mức hỗ trợ 4 triệu đồng/ha.

Tham gia trồng thử nghiệm đợt đầu tiên, anh Mai Xuân Thao, thôn Tân Thủy, xã Tân Phúc đã chuyển đổi 1 ha đất ven đồi dốc, trước đây vốn trồng các loại cây, màu nhưng hiệu quả kinh tế thấp để trồng cây gai xanh.

Anh Thao cho biết, loài cây này dễ sống, không kén đất và khí hậu, hơn nữa, sản phẩm đầu ra được doanh nghiệp thu mua toàn bộ nên yên tâm sản xuất. Theo tính toán, mỗi năm thu hoạch 3-4 lứa, anh Thao có thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha.

Không những mang lại lợi ích cho người dân mà cây gai xanh còn được đánh giá là một trong những loại cây giữ đất rất tốt bởi rễ bám sâu vào đất nên hạn chế tối đa xói mòn. Cây gai sau thu hoạch được tách lấy vỏ, phơi khô đưa vào sản xuất sợi. Lõi thân và lá cây vốn có hàm lượng protein cao nên được băm nhỏ, bón vào đất để tăng độ tơi xốp, dinh dưỡng. Cứ khoảng 60 ngày, người dân thu hoạch một lứa. Cứ chặt đi, mầm gai lại bám đất vươn lên, lớp này nối tiếp lớp kia.

Giá trị cao từ sợi gai xanh

Bà Đỗ Thị Thúy - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Phước - Viramie chia sẻ: "Sợi gai được mệnh danh là "vua của các loại sợi tự nhiên", là "vàng mềm ngàn năm", có lợi rất lớn cho sức khỏe và hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của khu vực miền núi nước ta nên tôi rất muốn sản xuất và thương mại hóa sản phẩm này".

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, cấu trúc lỗ xốp siêu mịn đặc biệt bên trong giúp sợi gai có khả năng hấp thụ mạnh các chất độc hại như formaldehyde, benzen, toluen, amoniac trong không khí, khử mùi hôi. Sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, các chất có hại đã hấp thụ có thể bị bay hơi, do đó chức năng hấp thụ được tự động tái tạo, giúp sợi vải thoáng khí và mang đến cảm giác mát mẻ.

Đặc biệt, là sợi tự nhiên nên sợi vải từ cây gai xanh không bao giờ lo mất giá. Cứ làm ra đến đâu, bạn hàng nước ngoài lại đến tiêu thụ hết. Đến nay, sản phẩm đã được xuất khẩu đến nhiều thị trường như Nhật Bản.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá, xác định cây gai xanh nguyên liệu là cây có tiềm năng, dư địa phát triển, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương và Công ty CP Nông Nghiệp An Phước tổ chức phát triển vùng gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh và đạt được những kết quả bước đầu. Theo đó, Công ty CP Nông nghiệp An Phước đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ ưu tiên phát triển cây gai xanh tại Thanh Hóa.

Theo đó, các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân thuộc phạm vi Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi gai An Phước sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha để chuyển đổi từ trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh nguyên liệu; hỗ trợ 50% chi phí mua giống cây gai xanh; hỗ trợ chi phí mua máy tước vỏ cây gai xanh với mức 5 triệu đồng/máy. Mức hỗ trợ sẽ được áp dụng với từng đối tượng cụ thể và theo quy mô diện tích khác nhau. Thời gian thực hiện chính sách từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2023. 

Hiện nay, tất cả diện tích trồng gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh đều được Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước ký hợp đồng và bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, công ty còn có nhiều chính sách để khuyến khích phát triển cây gai xanh.

Với Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ sản xuất của Nhà máy Sản xuất sợi dệt An Phước, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh đến năm 2025 là 6.457 ha, năng suất bình quân 110 tấn gai tươi/ha/năm, tổng sản lượng 700.000 tấn gai tươi/năm.

Ngoài 2 huyện kể trên, các địa phương nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây gai xanh gồm: Như Thanh, Triệu Sơn, Thạch Thành, Ngọc Lặc… đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu. Dự án được kỳ vọng mang lại hướng đi mới, hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân xứ Thanh.

Bà Đỗ Thị Thuý cho biết, không chỉ tại Thanh Hoá mà ở các địa phương miền núi khác như Sơn La, Hòa Bình… tiềm năng phát triển cây gai xanh không hề nhỏ. Hiện nay, Viramie đã mở rộng diện tích sang các địa phương này với mong muốn tạo một chuỗi sản xuất, tiêu thụ hàng hoá cho bà con nông dân, giúp bà con có thể sống tốt trên đồng đất quê nhà, cũng như nhân rộng một mô hình sản xuất bền vững cho bà con vùng dân tộc, miền núi ở những địa phương khó khăn.

Ngọc Minh