dd/mm/yyyy

Câu chuyện thoát nghèo của đồng bào Mông vùng cao Lào Cai

Về thôn Dền Thàng, xã Tả Van, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) hôm nay, chúng tôi được nghe bà con nông dân trong thôn truyền tai nhau về câu chuyện giảm nghèo và vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương từng một thời gian khó.

Clip: Mô hình nuôi cá nước lạnh của bà con nông dân thôn Dền Thàng.

Thôn Dền Thàng có 121 hộ, 685 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, người dân chỉ quen trồng cây lúa một vụ, chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, nên cuộc sống nhiều khó khăn, cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Câu chuyện thoát nghèo của đồng bào Mông vùng cao Lào Cai - Ảnh 2.

Nuôi cá nước lạnh ở thôn vùng cao Dền Thàng, xã Tả Van, thị xã Sa Pa (Lào Cai) đang là hướng đi thiết thực được bà con lựa chọn trong phát triển kinh tế. Ảnh: Mùa Xuân.

Thôn Dền Thàng nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước từ các chương trình, dự án trong phát triển kinh tế, người dân thôn Dền Thàng đã tích cực tìm hướng thoát nghèo bằng trồng cây thảo quả dưới tán rừng và phát triển nuôi cá nước lạnh. 

Theo người dân thôn Dền Thàng, không biết từ bao giờ cây thảo quả đã được người dân đem về trồng, khi lớn lên cây thảo quả đã lớn như vậy và được chăm sóc, bảo vệ từ hàng chục năm. Nhờ tích cực mở rộng diện tích trồng cây thảo quả đến nay, tổng diện tích thảo quả của thôn đã nâng lên hơn 120 ha, toàn bộ diện tích đã cho thu hoạch, sản lượng ước đạt từ 200 - 300 tấn quả tươi/năm.

Câu chuyện thoát nghèo của đồng bào Mông vùng cao Lào Cai - Ảnh 3.

Trồng thảo quả dưới tán rừng đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững ở thôn Dền Thàng, xã Tả Van. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Hầu A Seng, Trưởng thôn Dền Thàng, cho biết: Do đường lên vùng trồng thảo quả xa thôn, đường giao thông đi lại rất khó khăn, chủ yếu là đi bộ nên đến mùa thu hoạch thảo quả, người dân trong thôn sẽ sấy khô và mang về bán cho thương lái, với giá khoảng 120 nghìn đồng/kg. Nhiều hộ có thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng từ trồng thảo quả, như gia đình anh Hầu A Chứ, Giàng A Xóa, Sùng A Sẩu...  

Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, người dân nuôi trâu, bò nhốt xa nhà để không ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe; duy trì ổn định đàn gia súc trên 400 con và hơn 1.400 con gia cầm. 

Câu chuyện thoát nghèo của đồng bào Mông vùng cao Lào Cai - Ảnh 4.

Lãnh đạo Hội Nông dân thị xã Sa Pa thăm mô hình nuôi cá nước lạnh của người dân thôn Dền Thàng, xã Tả Van. Ảnh: Tuệ Linh.

Đặc biệt là, từ năm 2015 đến nay, thôn Dền Thàng đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh ngay tại sườn các khe suối chảy qua thôn. Đến nay, thôn Dền Thàng có 75 hộ nuôi cá nước lạnh, chủ yếu là cá tầm và cá hồi.

Chính từ khi đầu tư nuôi cá nước lạnh, cuộc sống của bà con nơi đây đã bước sang trang mới. Hiện số hộ nghèo của thôn giảm xuống còn 59 hộ theo tiêu chí mới.

Câu chuyện thoát nghèo của đồng bào Mông vùng cao Lào Cai - Ảnh 5.

Nguồn nước dồi dào cùng với khí hậu mát mẻ quanh năm thích hợp cho người dân thôn Dền Thàng nuôi cá tầm, cá hồi. Ảnh: Tuệ Linh.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Hầu A Chứ, một trong những hộ vươn lên làm giàu từ trồng cây thảo quả và nuôi cá nước lạnh. Qua câu chuyện được biết, khai thác tiềm năng về khí hậu, đất đai ở đây khá thuận lợi để phát triển trồng cây thảo quả. Anh Chứ đã phát triển trồng cây thảo quả dưới tán rừng. 

Đến nay, gia đình anh có 3 ha cây thảo quả đã cho thu hoạch, vụ năm 2021, gia đình anh Chứ thu 1,2 tấn quả khô với giá bán 120 nghìn đồng/kg, thu về 140 triệu đồng. 

Câu chuyện thoát nghèo của đồng bào Mông vùng cao Lào Cai - Ảnh 6.

Cá tầm là một trong những cá đặc sản được bà con thôn Dền Thàng mang về nuôi ở vùng cao đã đem lại hiệu quả kinh tế cao,, giúp người dân giảm nghèo bền vững. Ảnh: Tuệ Linh.

Anh Chứ phấn khởi: Ngoài trồng thảo quả, gia đình tôi còn đầu tư nuôi cá đặc sản nước lạnh, với quy mô khoảng 6.000 con cá tầm, cá hồi/lứa/năm; trung bình mỗi năm gia đình tôi bán ra thị trường từ 3 - 4 tấn cá tầm, cá hồi, thu về gần 500 triệu đồng. 

"Nhờ trồng cây thảo quả và nuôi cá đặc sản nước lạnh, gia đình tôi đã thoát nghèo, có điều kiện làm nhà mới khang trang hơn và chăm lo cho con cái học hành chu đáo". Anh Chứ nói.

Câu chuyện thoát nghèo của đồng bào Mông vùng cao Lào Cai - Ảnh 7.

Nhờ nuôi cá hồi, bà con nông dân Tthôn Dền Thàng có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Mùa Xuân.

Cũng như anh Chứ, gia đình anh Hầu A Seng, trước đây gia đình rất khó khăn, nhờ phát triển trồng cây thảo quả, nuôi cá nước lạnh chăn nuôi, gia đình anh đã có cuộc sống ổn định. Hiện gia đình anh Seng đang duy trì 2 ha thảo quả, dưới tán rừng, trung bình mỗi năm thu hơn 1 tấn quả khô; ngoài ra, ông Seng còn dùng bạt quây thành ao để nuôi cá tầm, cá hồi với số lượng hơn 1.000 con. 

Năm 2021, gia đình anh Seng xuất được gần 4 tấn cá tầm, cá hồi ra thị trường. Với giá bán trung bình 150.000 đồng/kg, sau khi trừ phí tiền cám, tiền giống khoảng 180 triệu đồng, ông Seng lãi hơn 400 triệu đồng.

Câu chuyện thoát nghèo của đồng bào Mông vùng cao Lào Cai - Ảnh 8.

Con đường về thôn Dền Thàng nay đã được bê tông hóa, đây chính là điều kiện thuận lợi giúp bà con đi lại thuận tiện, giúp ngắn khoảng cách giao thương giữa các xã lân cận... Ảnh: Mùa Xuân.

Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là thế mạnh đồi rừng; nguồn nước dồi dào, tích cực đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, thôn vùng cao Dền Thàng tập trung phát triển cây thảo quả và chăn nuôi đại gia súc; đồng thời phát triển cá nước lạnh phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của thôn. 

Từ đó, khai thông được tư tưởng của người dân không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, từng bước vươn lên xóa nghèo để bứt phá đi lên.


Mùa Xuân - Tuệ Linh