dd/mm/yyyy

Cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho trái sầu riêng tươi Krông Pắc

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch Thường trực huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk cho biết, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể
Cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho trái sầu riêng tươi Krông Pắc - Ảnh 1.

Người dân gắn mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho cây sầu riêng. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có số 413207, cấp ngày 8/3/2022, có hiệu lực 10 năm tính từ ngày cấp (có thể gia hạn).

Chủ Giấy chứng nhận là Hội Nông dân huyện Krông Pắc; địa chỉ thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc. Hình nhãn hiệu xanh lá cây, vàng nhạt, vàng đậm, đen. Danh mục hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu: nhóm 31 - Trái sầu riêng tươi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, hiện, toàn tỉnh có tổng diện tích trên 12.000 ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 5.300 ha, sản lượng khoảng hơn 100 nghìn tấn. Với khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, người dân Đắk Lắk đã trồng nhiều giống sầu riêng như: Ri6, Dona chất lượng tốt, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Những năm gần đây, sầu riêng là cây trồng có giá trị kinh tế vượt trội so với nhiều loại cây trồng truyền thống ở Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu, cao su...

Krông Pắc là vùng sản xuất sầu riêng trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk với tổng diện tích hơn 3.300 ha sầu riêng, chủ yếu là sầu riêng đang trong thời kỳ kinh doanh. Sản lượng sầu riêng bình quân hằng năm dao động từ 40.000 - 45.000 tấn. Để nâng cao giá trị sản phẩm sầu riêng, huyện Krông Pắc đã hướng dẫn bà con nông dân từng bước bắt tay sản xuất sầu riêng bền vững. Trong số đó, có gần 600 ha sầu riêng đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP; 730 ha sầu riêng được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số vùng trồng.

Anh Dũng