dd/mm/yyyy

Cách nông dân vùng cao nuôi lợn hàng hóa mang lại thu nhập hàng tỷ đồng/năm

Dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn phát triển chăn nuôi, ông Quàng Văn Hiến là hội viên nông dân bản Nà Nong, xã Chiềng Lao, (Mường La, Sơn La) có thu nhập cả tỷ đồng nhờ mô hình chăn nuôi lợn.

Khi nông dân thay đổi tư duy sản xuất

Về với xã Chiềng Lao (Mường La, Sơn La) những ngày này, chúng tôi thấy rõ được những thay đổi của vùng đất này. Đường giao thông được bê tông hóa, người dân đi lại thuận tiện hơn. Tại các bản làng, nhiều ngôi nhà xây mới khang trang lợp mái xanh, mái đỏ. Kinh tế của người dân ổn định hơn. Những kết quả đó là nhờ các cấp chính quyền địa phương, người dân tích cực đẩy mạnh lao động sản xuất, dựa trên thế mạnh của địa phương thi đua phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Được Hội Nông dân huyện giới thiệu, chúng tôi tìm đến mô hình kinh tế của gia đình ông Quàng Văn Hiến, là hội viên nông dân bản Nà Nong, xã Chiềng Lao (Mường La, Sơn La). Ông Hiến là một trong những người chăn nuôi giỏi ở vùng đất này. Nới mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm, mỗi năm cho gia đình ông thu nhập cả tỷ đồng.

Cách nông dân vùng cao nuôi lợn hàng hóa thu nhập hàng tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Ông Quàng Văn Hiến, xã Chiềng Lao (Mường La, Sơn La) đang cho đàn lợn của gia đình ăn. Ảnh: Văn Tuấn

Ông Hiến chia sẻ: Năm 2006, gia đình tôi và bà con trong bản thuộc diện phải di vén để xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La. Sau khi đã ổn định cuộc sống, để phát triển kinh tế gia đình, năm 2016 tôi mạnh dạn vay 130 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT huyện để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 6 con lợn nái.

Với bản chất cần cù, chịu khó, ông Hiến đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi lợn. Tích lũy từ những kinh nghiệm đó, ông áp dụng vào thực tế để chăm đàn lợn của gia đình mình. Vì vậy đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt. Việc xây dựng mô hình chăn nuôi cũng khá thuận lợi đối với ông và gia đình.

“Gia đình tôi sau khi di dân công trình thủy điện Sơn La lên nơi ở mới muốn làm kinh tế mới nên cũng đã đi học hỏi mô hình nuôi lợn ở thành phố Sơn La về để làm. Trải qua một thời gian nuôi lợn, bản thân tôi cũng đã rút ra kinh nghiệm để phát triển kinh tế ổn định cuộc sống gia đình”, ông Hiến nói.

Cách nông dân vùng cao nuôi lợn hàng hóa thu nhập hàng tỷ đồng/năm - Ảnh 2.

Ông Quàng Văn Hiến, xã Chiềng Lao (Mường La, Sơn La) vệ sinh chuồng trại. Ảnh: Văn Tuấn

Nông dân có lợi nhuận cao từ phát triển chăn nuôi

Theo ông Hiến, yếu tố quan trọng nhất để thành công với mô hình chăn nuôi lợn là phải đầu tư hệ thống chuồng trại lớn, hợp lý, bài bản với các khu chăn nuôi lớn hợp lý cho từng giai đoạn tuổi, khu chăn nuôi lợn sinh sản riêng biệt với khu chăn nuôi lợn thương phẩm. Bên cạnh đó, cần phải có khu vực xử lý chất thải đảm bảo, có như vậy chất thải từ chăn nuôi sẽ được xử lý và có thể tận dụng các chất thải từ chăn nuôi để làm phân bón hữu cho cây trồng.

Cũng theo ông Hiến, yếu tố quan trọng nữa để đàn lợn phát triển tốt là cần thực hiện đầy đủ các nội dung phòng tránh dịch bệnh cho đàn gia súc. Tiêm phòng định kỳ hàng tháng hàng quý theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, rắc vôi khử trùng; không gian luôn thoáng vào mùa hè, ấm vào mùa đông.

Cách nông dân vùng cao nuôi lợn hàng hóa thu nhập hàng tỷ đồng/năm - Ảnh 3.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Quàng Văn Hiến, xã Chiềng Lao (Mường La, Sơn La) cho thu nhập cao. Ảnh: Văn Tuấn

Hiện nay, gia đình ông Hiến có 19 con lợn nái, 2 con lợn đực để phối giống, mỗi năm sinh sản được trên 400 lợn giống và giữ lại nuôi lợn thương phẩm. Trung bình, mỗi năm gia đình ông xuất bán 45 tấn lợn thương phẩm, giá bán 56.000 đồng/kg, thu gần 2,5 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 500 triệu đồng. Với giống lợn siêu nạc, thịt thơm, ngon nên được tư thương trong huyện đến tận chuồng thu mua.

“Tôi mong muốn trong thời gian tới có thể tích lũy vốn để mở rộng quy mô chuồng trại kinh doanh. Các hộ dân muốn học hỏi kinh nghiệm, tôi sẽ hướng dẫn để bà con cùng nhau phát triển kinh tế vươn lên xóa đói, giảm nghèo”, ông Hiến nói.

Dám nghĩ, dám làm, không ngại khó ngại khổ, thêm vào đó là tích cực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa của ông Hiến đã và đang mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình. Nhiều năm liền, gia đình ông được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi, được các cấp Hội Nông dân giới thiệu nhân rộng để các hội viên học tập và làm theo.

PV Tây Bắc