dd/mm/yyyy

Hội chợ "Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển"

Hàng 100 gian hàng, chủ yếu là mặt hàng cà phê và một số mặt hàng nông sản an toàn Tây Bắc được trưng bày tại Quảng trường Tây Bắc (TP. Sơn La). Đây là hoạt động trong chuỗi các hoạt động Lễ hội cà phê Sơn La lần thứ nhất, năm 2023.

Clip: Hội chợ "Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển"

Quảng bá sản phẩm cà phê Tây Bắc

Hội chợ gồm 100 gian hàng của 39 đơn vị, doanh nghiệp, địa phương; trong đó 19 đơn vị, địa phương trong tỉnh và 20 doanh nghiệp của các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Yên Bái, Hà Nội, Đăk Lăk, Gia Lai... Các gian hàng trưng bày các mặt hàng cà phê chủ yếu, như: Cà phê nhân, cà phê rang xay, cà phê hòa tan; cùng các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm chế biến, sản phẩm văn hoá, du lịch, vật tư nông nghiệp.

Hội chợ "Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển" - Ảnh 2.

Nằm trong chuỗi các hoạt động Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất, năm 2023, tại Quảng trường Tây Bắc, thành phố Sơn La, diễn ra Hội chợ triển lãm “Cà phê Sơn La - Hội nhập và Phát triển”. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Nguyễn Quốc Tế, Giám đốc công ty cổ phần cà phê Hồng Kỳ Quốc Tế (Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) cho biết: "Chúng tôi mang đến nhiều sản phẩm, trong đó có sản phẩm cà phê Arabica đạt chứng nhận OCOP 4 sao do chính bà con người Mông ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên canh tác, chăm sóc. Đây là vùng đất có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp, ở độ cao 1.600m, hợp cho việc sinh trưởng, phát triển của cây cà phê Arabica này. Mong muốn lễ hội là cơ hội để giúp doanh nghiệp, cũng như bà con có kết nối, phát triển thương mại dịch vụ."

Hội chợ "Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển" - Ảnh 3.

Gian hàng sản phẩm cà phê của Công ty cổ phần cà phê Hồng Kỳ Quốc Tế (Tuần Giáo, Điện Biên). Ảnh: Văn Ngọc

Các gian hàng được thiết kế, dàn dựng, trưng bày với ý tưởng cầu kỳ, tỉ mỉ, không chỉ quảng bá thương hiệu nông sản nói chung, sản phẩm cà phê Sơn La nói riêng đến với du khách, bạn bè trong và ngoài nước mà còn là cơ hội để doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi, hợp tác phát triển, thúc đẩy giao lưu, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến.

Hội chợ "Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển" - Ảnh 4.

Hội chợ "Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển" - Ảnh 5.

Hội chợ "Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển" - Ảnh 6.

Nhiều sản phẩm cà phê được trưng bày tại Hội chợ "Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển". Ảnh: Văn Ngọc

Ngoài việc đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu dùng, mở ra cơ hội quảng bá và tôn vinh sản phẩm cà phê, Hội chợ triển lãm còn có nhiều hoạt động sôi nổi phục vụ đại biểu, du khách đến tham quan như giao lưu, tư vấn, dùng thử sản phẩm; thưởng thức những ly cà phê chất lượng hoàn toàn miễn phí.

Chị Hoàng Thị Lan, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tỉnh Sơn La tổ chức lễ Hội cà phê lấn nhất từ trước đến nay. Hôm nay tôi và gia đình đến đây để tham quan. Có thể thấy các sản phẩm cà phê của Sơn La ngày càng đa dạng, từ cà phê hòa tan, cà phê bột đến vỏ cà phê làm trà uống. Sự kiện này rất ý nghĩa, không chỉ giúp chúng tôi tiếp cận được các sản phẩm cà phê mà con giúp Sơn La quảng bá hình ảnh về cà phê.

Hội chợ "Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển" - Ảnh 7.

Du khách tham quan các gian hàng trưng bày cà phê tại Hội chợ "Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển". Ảnh: Văn Ngọc

Cà phê giúp nông dân làm giàu

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Thông tin: Từ cuối những năm 1980, tỉnh Sơn La đã triển khai Chương trình phát triển cây cà phê chè - Arabica. Trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn của thời tiết sương muối khắc nghiệt, giá cả, thị trường tiêu thụ bấp bênh, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, sáng tạo của người trồng cà phê, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, cây cà phê chè - Arabica đã sinh trưởng và phát triển tốt và trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh.

Hội chợ "Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển" - Ảnh 8.

Đến với Hội chợ "Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển", du khách sẽ được thưởng thức những ly cà phê do người nông dân pha chế. Ảnh: Văn Ngọc

Toàn tỉnh hiện có trên 20.000 ha (chiếm 41,2% diện tích cà phê Arabica của cả nước và là tỉnh có diện tích trồng cà phê Arabica lớn nhất cả nước) được trồng tập trung chủ yếu ở huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Sốp Cộp và Thành phố Sơn La. Trong đó, có gần 18.000 ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương, sản lượng đạt trên 204.000 tấn quả tươi.

Hội chợ "Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển" - Ảnh 9.

Hội chợ "Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển" - Ảnh 10.

Hội chợ "Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển" - Ảnh 11.

Nhiều mặt hàng nông sản sạch của các tỉnh Tây Bắc cũng được trưng bày tại Hội chợ "Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển". Ảnh: Văn Ngọc

Sản phẩm Cà phê Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường 20 nước thuộc EU, Bắc Mỹ, Trung Đông và các nước ASEAN với giá tiêu thụ ổn định ở mức cao; góp phần nâng cao thu nhập của người trồng, chế biến cà phê, tạo thêm việc làm. Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư chế biến sâu các sản phẩm cà phê, tỉnh Sơn La đang có những định hướng, mục tiêu và giải pháp chiến lược, nâng tầm thương hiệu, nâng cao giá trị cây cà phê.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh