dd/mm/yyyy

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Làm kinh tế của ta đôi khi giống đi buôn chuyến'

Tư duy sản xuất nông nghiệp hiện mới chỉ chú ý tạo ra sản lượng, chưa có tư duy kinh tế, tìm kiếm thị trường; thậm chí có lúc còn “mù mờ”, vênh nhau giữa đầu cung và đầu cầu...

Ùn ứ nông sản - “bệnh hay quên”

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan - cho rằng, câu chuyên ùn ứ nông sản tại cửa khẩu không mới, dù không nặng nề như thời điểm trước và sau Tết do dịch COVID-19.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Làm kinh tế của ta đôi khi giống đi buôn chuyến' - Ảnh 1.

Một nền nông nghiệp “mù mờ” thị trường khiến cho tình trạng ùn ứ nông sản vẫn chưa dứt.

“Đến khi xảy ra câu chuyện, lại nháo nhào tìm nguyên nhân, đặt ra một loạt câu hỏi: Tại sao lại lệ thuộc một thị trường lớn? Sao không đa dạng, không phát triển thị trường 100 triệu dân? Sao không tăng chế biến hàng hoá mà lại xuất khẩu (XK) thô? Tại sao không chuẩn hoá chất lượng, làm ăn chính ngạch? Tại sao không đầu tư phát triển logistics?... Đó là những câu hỏi 3-5 năm trước, nhưng chúng ta “hay quên” vì khi giải phóng ùn tắc tại cửa khẩu thì những câu chuyện đó lại trôi đi mà không kiên trì tìm các giải pháp đối phó việc đứt gãy…”, Bộ trưởng Hoan nói.

Bà con làm ra sản phẩm cứ đưa lên cửa khẩu còn hơn để chín rục tại chỗ. Một số địa phương thông báo bà con không đưa hàng lên cửa khẩu là làm phần ngọn, không phải gốc.

“Cách làm kinh tế của chúng ta vẫn “mù mờ” đầu cung và cầu, không đi vào quỹ đạo, đôi khi giống như đi buôn chuyến nhiều hơn là hợp tác bài bản, kết nối cung - cầu. Ở các địa phương, hoạt động nuôi trồng hầu hết là thả nổi người nông dân tự làm. Hầu hết địa phương cũng chỉ biết trồng bao nhiêu ha, các câu chuyện cụ thể hơn về mùa vụ sản lượng chất lượng, thị trường còn chưa chắc chắn. Tư duy sản xuất nông nghiệp mới chú ý tạo ra sản lượng, chưa có tư duy kinh tế, tìm kiếm thị trường, vênh nhau giữa sản xuất và thị trường”, ông Hoan phân tích và cho rằng, chúng ta cần có giải pháp căn cơ, từ gốc, làm chủ được câu chuyện thị trường, hạn chế thấp nhất rủi ro.

Vai trò dẫn dắt của các hiệp hội, ngành hàng

Chia sẻ câu chuyện gặp một Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng nông sản XK đang xuất hàng sang Trung Quốc và đã bị ùn ứ, Bộ trưởng cho biết, anh này đã hỏi rằng: “Bộ trưởng có giúp cho những DN chúng tôi hiểu được sự thay đổi thị trường Trung Quốc?”. Ngạc nhiên vì câu hỏi của một Chủ tịch ngành hàng XK, Bộ trưởng khẳng định, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức, hướng dẫn DN, nhưng nhiều DN, nhất là DN vừa và nhỏ, rất thờ ơ.

“Một lãnh đạo địa phương nói với tôi, ông Chủ tịch Hiệp hội này chỉ lo đi buôn bán, như vậy thì nguy rồi. Bản thân DN phải năng động, tìm kiếm những thông tin thị trường, trong đó có quy định về từng loại thị trường. Thị trường Trung Quốc chuyển từ thị trường dễ tính sang khó tính từ lâu rồi, họ đã thông báo cho mình, chứ không phải đột ngột…”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Làm kinh tế của ta đôi khi giống đi buôn chuyến' - Ảnh 2.

Bộ trưởng NN&PTNT khẳng định vai trò của Hiệp hội, ngành hàng vô cùng quan trọng trong nền kinh tế thị trường, bởi Nhà nước không thể điều chỉnh nông dân sản xuất gì mà Hiệp hội ngành hàng thông qua các thành viên của mình là những người dẫn dắt trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, cơ cấu lại thị trường.

“Tôi mong các Hiệp hội ngành hàng giúp cho Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại thị trường. Đây là giải pháp căn cơ và phải chấp nhận làm lại gần như là từ đầu về một hệ sinh thái, một chuỗi ngành hàng…”, ông đề nghị.

“Tôi phát hiện, mọi bẫy của chúng ta nằm ở 3 chỗ: nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó, DN tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó, còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ.

Chúng ta nghĩ ngắn quá, cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi, rồi khi gặp vấn đề lại trách thị trường khó tính để ùn ứ; “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nhiều khi chính chúng ta phải xem lại mình trước…”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Linh Linh