dd/mm/yyyy

Nguyện vọng cử tri Bộ đội Biên phòng Sơn La thông qua trách nhiệm thực hiện mục tiêu Nghị quyết Quốc hội

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã sáng tạo, góp phần thực hiện Nghị quyết số 88 trên địa bàn khu vực biên giới của tỉnh; triển khai nhiều chương trình, hoạt động hết sức thiết thực, tỏ rõ phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới.

Bộ đội Biên phòng Sơn La triển khai có hiệu quả Nghị quyết 88

"Tăng cường đồng thuận xã hội; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước"; "xã hội hóa nguồn lực" là những quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số: 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội (Nghị quyết số 88) về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030. Thể hiện sự đồng thuận, nguyện vọng và kỳ vọng của mình vào Quốc hội, giai đoạn vừa qua Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã sáng tạo, góp phần thực hiện Nghị quyết số 88 ở địa bàn khu vực biên giới của tỉnh; triển khai nhiều chương trình, hoạt động hết sức thiết thực, tỏ rõ phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới.

Nói đến khu vực biên giới của mỗi quốc gia bao giờ cũng đồng nghĩa là nói đến địa bàn có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Khu vực biên giới được ví như "mảnh giáp" cho vùng nội địa;  "mảnh giáp" có vững thì nội địa mới an. Thực tế cho thấy, khu vực biên giới luôn là địa bàn đầu tiên, xung yếu nhất mà lực lượng thù địch nhắm đến để câu móc, để xâm nhập và lợi dụng để chống phá cách mạng nước ta. Vì vậy đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải giữ được địa bàn, nắm được quần chúng nhân dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội ở khu vực biên giới, bảo đảm nhân dân có lòng tin tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.

Sơn La là tỉnh có đường biên giới quốc gia dài hơn 270 km tiếp giáp với hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Khu vực biên giới của tỉnh có 8 dân tộc cùng sinh sống (Thái, Mông, Kinh, Sinh Mun, Tày, Mường, Lào); toàn tỉnh có 17 xã biên giới, nằm trải dài trên địa bàn 06 huyện. Những năm qua khu vực biên giới của tỉnh tuy đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu điện, đường, trường, trạm, đời sống của nhân dân đã từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố, nhất là về vị trí địa lý, trình độ nhận thức của nhân dân ở các bản vùng cao vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều hủ tục lạc hậu vẫn chưa được xóa bỏ triệt để, nhiều tệ nạn còn tồn tại, nhất là tệ nạn về ma túy đã tác động, khiến cho đời sống nhân dân nhiều nơi ở khu vực biên giới còn rất khó khăn, dễ gây tổn thương về lòng tin và đồng thuận xã hội, phát sinh những mâu thuẫn, điểm nóng về an ninh chính trị.

Là lực lượng trực tiếp bám dân, bám địa bàn, thường xuyên ứng trực nơi biên giới; thấu hiểu công cuộc giữ dân, nâng cao sự đồng thuận xã hội và củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước là "kế bền gốc, sâu rễ" nhất để bảo vệ vững chắc miền biên ải xa xôi cho đất nước. Với phương châm "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt". Nhiều năm qua, nhất là từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88 - đó là hành lang về cơ chế, là động lực và mục tiêu để Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sơn La mạnh dạn triển khai có hiệu quả nhiều Mô hình và Chương trình chung tay cùng chính quyền địa phương giúp nhân dân khu vực biên giới nâng cao chất lượng cuộc sống, dân trí, y tế và giáo dục. 

Nguyện vọng cử tri Bộ đội Biên phòng Sơn La thông qua trách nhiệm thực hiện mục tiêu Nghị quyết Quốc hội - Ảnh 1.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập hướng dẫn nhân dân trồng cây Chanh Leo. Ảnh: Vì Hiện

Những năm trước đây, nhiều hộ dân ở khu vực biên giới xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La vẫn còn canh tác theo lối cũ cho năng suất thấp. Nắm được khó khăn đó, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập mạnh dạn nhận hỗ trợ 03 hộ gia đình với 2,6ha trồng cây Chanh Leo ở 03 dạng đất, 03 dạng độ cao và đã cho kết quả tốt, thu nhập từ 70 - 120 triệu đồng/ha/năm. Từ hiệu quả đó mà các hộ dân khác trong xã đã nhanh chóng làm theo và phát triển thành phong trào trồng cây ăn quả trong xã. Nay vào Lóng Sập đã thấy bạt ngàn nương Mận, nương Cam, Bưởi…mùa nào thức ấy, góp phần nâng cao đời sống nhân dân; lánh xa tệ nạn ma tuý. Cũng câu chuyện tương tự, Đồn Biên phòng Chiềng Tương được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh giao giúp đỡ nhân dân trồng 01ha Mận Hậu trên đất dốc tại địa bàn xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu. Sau gần 4 năm, đến nay toàn xã đã có hơn 20 ha Mận Hậu, hiện nay đã các vườn cây đã cho thu hoạch và có hiệu quả về kinh tế cao.

Anh Giàng Lao Thông, bản Pa Kha 1, xã Chiềng Tương, Yên Châu, Sơn La chia sẻ. "Trước đây gia đình tôi chủ yếu là trồng ngô và lúa theo lối canh tác cũ, nên hiệu quả và năng suất không cao. Sau đó, cán bộ BĐBP đã đến vận động và hỗ trợ cây giống, hướng dẫn gia đình tôi và ba hộ gia đình nữa trong bản chuyển đổi sang trồng cây Mận Hậu, tôi thấy cây Mận Hậu rất hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây nên cây phát triển rất tốt và cho năng suất rất cao, nay cuộc sống gia đình tối đã khá giả hơn trước rất là nhiều".

Từ năm 2020 đến nay Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn Biên phòng Mường Lạn, Nậm Lạnh, Mường Lèo của huyện Sốp Cộp và Đồn Biên phòng Chiềng Sơn của huyện Mộc Châu phối hợp với Phòng giáo dục & Đào tạo của các huyện tổ chức mở được 08 lớp xóa mù chữ cho bà con nhân dân ở các bản giáp biên giới. Các lớp học trực tiếp do các "thầy giáo quân hàm xanh" đứng lớp. Từ đó đến nay đã có trên 300 người dân được BĐBP tỉnh xóa mù chữ, đã biết đọc, biết viết và làm các phép tính đơn giản để áp dụng vào giao tiếp và trao đổi hàng hóa. Đặc biệt là đã mở ra một kênh, một phương tiện để nhân dân tiếp cận thông tin xã hội. Đồng thời, quá trình dạy học của các chiến sĩ biên phòng cũng là quá trình nắm tình hình nhân dân, xây dựng cơ sở, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước tới nhân dân; vạch trần âm mưu, thủ đoạn của lực lượng thù địch lôi kéo nhân dân...

Ông Phạm Ngọc Sơn - Phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Sốp Cộp, Sơn La cho biết: "Là người trực tiếp tham mưu và cùng với các Thầy giáo mang quân hàm xanh mở các Lớp xóa mù chữ cho bà con nhân dân tại xã Mường Lạn, bằng sự gần gần dân, yêu dân, coi dân như chính người thân của mình, lớp học xóa mù chữ của Bộ đội Biên phòng và thầy, cô giáo nơi biên giới này đã được bà con nhân dân đón nhận và ủng hộ, bởi họ hiểu được rằng: Muốn trồng cây Lúa, cây Ngô không sâu bệnh, thu nhiều hạt mẩy, hạt to, muốn nuôi con Gà, con Vịt, con Trâu mau lớn - phải biết chữ; để dạy bảo các con tốt - phải biết chữ; muốn không bị kẻ xấu lừa gạt - phải biết chữ; muốn bán hạt Ngô, củ sắn đúng cân, đúng lạng - phải biết chữ…".

Nguyện vọng cử tri Bộ đội Biên phòng Sơn La thông qua trách nhiệm thực hiện mục tiêu Nghị quyết Quốc hội - Ảnh 2.

Thầy giáo quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Mường Lạn đang dạy học xóa mù chữ. Ảnh: Vì Hiện

Hiện nay BĐBP tỉnh còn nhận đỡ đầu cho thường xuyên từ 80 - 90 cháu học sinh có hoàn cảnh có khăn/năm, với mức hỗ trợ 500.000đ/tháng, do cán bộ, chiến sĩ đóng góp để các cháu có điều kiện học tập; hỗ trợ bữa sáng cho từ 50 - 65 cháu học sinh của trường Mầm non và trường Tiểu học & Trung học dân tộc bán trú xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu để níu kéo, tạo động lực cho các cháu đi học, không bỏ học giữa chừng. Tạo nền tảng về tri thức để các cháu biết nhận biết đúng, sai, biết tổ chức cuộc sống của mình sau này. Các Đồn Biên phòng còn nhận làm con nuôi và đưa về Đồn nuôi dạy 10 cháu học sinh mồ côi. Từ đó, người thân, gia đình, bạn bè các cháu có tình cảm với BĐBP, tin theo BĐBP.

Nguyện vọng cử tri Bộ đội Biên phòng Sơn La thông qua trách nhiệm thực hiện mục tiêu Nghị quyết Quốc hội - Ảnh 3.

Chương trình "Con nuôi đồn Biên phòng". Ảnh: Vì Hiện

Bên cạnh đó, hàng năm mỗi dịp Tết đến, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La còn chỉ đạo 10 đồn Biên phòng phối hợp với các tổ chức từ thiện, xã hội hoá 100% kinh phí tổ chức các Chương trình "Xuân biên phòng ấm lòng dân bản" cấp Đồn và cấp BĐBP tỉnh. Mỗi năm Chương trình đã đem đến hàng nghìn suất quà trao đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có công với cách mạng ở khu biên giới; hàng nghìn bà con nhân dân được BĐBP tỉnh và ngành y tế của địa phương khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí, trị giá hàng tỉ đồng/năm. Những phần quà tuy nhỏ, nhưng chứa đựng tình quân dân nơi biên giới, từ đó nhân dân cảm nhận được hơi ấm của Đảng, của chính quyền, của BĐBP, của các nhà hảo tâm và không thấy bị bỏ lại phía sau mà yên tâm bám trụ, không di, dịch cư tự do.

Nguyện vọng cử tri Bộ đội Biên phòng Sơn La thông qua trách nhiệm thực hiện mục tiêu Nghị quyết Quốc hội - Ảnh 4.

Chương trình Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản do BĐBP tỉnh tổ chức năm 2022 tại xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Vì Hiện

Bộ đội Biên phòng Sơn La bám bản, giữ bình yên biện giới

Nhằm góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, từ năm 2020 đến nay Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã đưa 159 đồng chí cán bộ tham gia sinh hoạt ở 133 Chi bộ bản ở khu vực biên giới của tỉnh; đưa 17 đồng chí đảng viên tham gia cấp uỷ cấp xã, giữ chức danh phó bí thư đảng uỷ, phụ trách xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở… Các đồng chí tham gia sinh hoạt đảng ở địa phương như "cánh tay nối dài" giữa Đồn Biên phòng với nhân dân; giúp địa phương củng cố nề nếp hoạt động của các tổ chức đảng, tổ chức chính trị xã hội. Đồng thời các đồng chí đó giúp địa phương và Đồn Biên phòng nắm chắc tình hình nhân dân; kịp thời phát hiện những vấn đề xã hội để tham mưu giải quyết, tránh hình thành điểm nóng.

Nguyện vọng cử tri Bộ đội Biên phòng Sơn La thông qua trách nhiệm thực hiện mục tiêu Nghị quyết Quốc hội - Ảnh 5.

Đại tá Cà Văn Lập, Chính uỷ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh nắm bắt nguyện vọng, kỳ vọng của cử tri BĐBP Sơn La về Nghị quyết 88 của Quốc hội. Ảnh: Vì Hiện

Hơn 176 đảng viên của BĐBP tỉnh Sơn La đang sinh hoạt ở các Chi bộ bản biên giới và tham gia tăng cường xã; những "Người thầy giáo mang quân hàm xanh", "Nông dân quân hàm xanh" vẫn từng ngày miệt mài ở những nơi xa xôi nhất, hẻo lánh nhất, khó khăn nhất, hiểm yếu nhất của sườn Tây của tỉnh Sơn La. Những Mô hình, Chương trình đầy ý nghĩa nhân văn của BĐBP tỉnh Sơn La như những sợi dây giữ vững mối liên hệ máu thịt giữa Đảng, chính quyền và BĐBP với nhân dân, đúng với tinh thần, quan điểm mục tiêu của Nghị quyết số 88.

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Đại tá Cà Văn Lập - Chính uỷ BĐBP tỉnh Sơn La cho biết: "Với trách nhiệm của mình, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết 88, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La đã chủ động triển khai các hoạt động; sáng tạo xã hội hoá các nguồn lực để triển khai các mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Điều đó cũng thể hiện tâm tư và nguyện vọng của BĐBP tỉnh Sơn La mong muốn Quốc hội quan tâm nhiều hơn nữa đến khu vực biên giới, khu vực giữ vị trí, vai trò chiến lược đối với an ninh, quốc phòng của quốc gia".

Vì Hiện – Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La