dd/mm/yyyy

Bảo vệ thương hiệu gạo ST25 trước doanh nghiệp nước ngoài: Vừa phản đối vừa xúc tiến đăng ký

Để đề phòng trường hợp nhãn hiệu gạo ST24, gạo ST25 được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Úc, Mỹ, ông Hồ Quang Cua cần phải có văn bản phản đối nhãn hiệu bằng cách nộp đơn đến các cơ quan đang xem xét việc đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp nước ngoài...

Hồi chuông cảnh tỉnh về bảo hộ thương hiệu

Sau 4 doanh nghiệp nước ngoài có ý định "hớt tay trên" khi đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở thị trường Mỹ, mới đây sản phẩm gạo ST24, ST25 của ông Hồ Quang Cua lại đối diện với nguy cơ bị mất thương hiệu tại Úc khi Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD nộp đơn đăng ký nhãn hiệu gạo ST24, ST25 kèm nội dung là "Gạo, Gạo ngon nhất thế giới".

Liên quan đến vấn đề bảo hộ thương hiệu sản phẩm nói trên, theo thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, những năm qua bên cạnh việc được đánh giá là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, chất lượng nông sản Việt Nam còn được đánh giá khá cao trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn cần phải nhìn nhận đó là việc bảo hộ thương hiệu, đăng ký bản quyền thương hiệu của các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam lại chưa được quan tâm đúng mức.

Bảo vệ thương hiệu gạo ST25 trước doanh nghiệp nước ngoài: Vừa phản đối vừa xúc tiến đăng ký - Ảnh 1.

Kỹ sư Hồ Quang Cua tại trại thực nghiệm giống lúa của ông ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Chúc Ly

"Việc gạo ST24, gạo ST25 bị doanh nghiệp Mỹ và Úc đăng ký thương hiệu là bài học cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế".

Luật sư Đặng Văn Cường

"Chúng ta tham gia thị trường nào phải tuân thủ pháp lý của thị trường đó, nếu những thương hiệu Việt bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bản quyền thương hiệu trước, các doanh nghiệp và nông dân Việt - những người tạo ra các nông sản đó sẽ không được phép sử dụng ở nơi nông sản này đã được bảo hộ bởi một doanh nghiệp khác. Điều này sẽ gây thiệt hại rất lớn về mọi mặt" - luật sư Cường nhấn mạnh.

Các bước cần thực hiện

Đánh giá về thủ tục đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài, luật sư Cường cho hay, thủ tục đăng ký nhãn hiệu ở các quốc gia có quy định rất rõ ràng, không quá khó khăn. Tuy nhiên, sự cản trở về địa lý và bất đồng về ngôn ngữ, không am hiểu quy định pháp luật là những yếu tố gây khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân Việt khi thực hiện thủ tục này.

Hiện nay, gạo ST24, gạo ST25 chưa mất bản quyền thương hiệu và cũng chưa có thông tin gì về việc Mỹ hay Úc sẽ chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đó vì việc bảo hộ một nhãn hiệu còn phải xem xét thông qua các quy trình, thủ tục và quy định pháp luật của nước sở tại.

Nếu không đủ điều kiện, bên đăng ký nhãn hiệu này sẽ bị các cơ quan sở hữu trí tuệ tại Mỹ và Úc từ chối.

Tuy nhiên, để đề phòng trường hợp nhãn hiệu gạo ST24, gạo ST25 được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm gạo tạ̣i các quốc gia trên, các tổ chức, cá nhân liên quan cần phải có văn bản phản đối nhãn hiệu bằng cách nộp đơn phản đối đến các cơ quan đang xem xét việc đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp nước ngoài.

Kèm theo đó là hồ sơ cung cấp bằng chứng, chứng minh chủ sở hữu hợp pháp của gạo ST24, ST25 trong quá trình nghiên cứu, phát triển và đưa sản phẩm ra thị trường.

Đồng thời, cung cấp các tài liệu thể hiện giống lúa tên ST24, ST25 là do ông Hồ Quang Cua và nhóm nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thành công, đã được cấp bằng bảo hộ tại Việt Nam.

Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu kỹ quy định pháp luật của nước sở tại về điều kiện chấp thuận bảo hộ thương hiệu, dấu hiệu nào có thể được đăng ký bảo hộ tại những nước đó để có thể lập luận phản đối.

"Không chỉ nông sản mà bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào cũng phải lưu tâm đến vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ. Các cơ quan chức năng cần quan tâm sâu sắc hơn về vấn đề này và có các diễn đàn trao đổi, phổ biến kinh nghiệm đăng ký bảo hộ thương hiệu để doanh nghiệp và nông dân Việt nắm rõ để thực hiện cũng như có giải pháp ứng phó kịp thời"-luật sư Cường cho hay.

Đỗ Lực