dd/mm/yyyy

Bão số 3 gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất đá, thiệt hại nặng nề trên địa bàn tỉnh Sơn La

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xuất hiện mưa lớn, kéo dài liên tục, gây lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất đá, thiệt hại nặng nề về nhà ở, tài sản, hoa màu... của người dân.

Clip: Mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 gây lũ quét, sạt lở đất đá, làm thiệt hại nặng nề trên địa bàn tỉnh Sơn La

Bão số 3 gây mưa lớn trên diện rộng

Theo thông tin ban đầu, trên địa bàn xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) xuất hiện mưa to, gió lốc gây thiệt hại cho nhà ở, cây trồng, vật nuôi. Mưa to xảy ra lũ quét, lũ ống khiến 2 nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, 1 nhà phải di dời khẩn cấp, 20 ha lúa bị vùi lấp, thiệt hại 5 ha ao cá. Ước thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Mường La chỉ đạo xã Ngọc Chiến di dời những hộ có nhà bị lũ cuốn trôi đến trường học, nhà văn hóa bản an toàn.

Hiện nay, trên địa bàn xã Ngọc Chiến nước lũ vẫn đang dâng cao gây ngập 2 cầu tràn đi qua xã. Huyện tăng cường tuyên truyền, cảnh báo để người dân chủ động các phương án phòng, chống thiên tai; đồng thời, nhắc nhở người dân không được chủ quan, không cố tình vượt qua các đập tràn, suối khi nước đang dâng cao; chỉ đạo di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn, tổng hợp thống kê thiệt hại.

Bão số 3 đi qua, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất đá tại tỉnh Sơn La - Ảnh 1.

Mưa lớn gây lũ trên địa bàn xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La). Ảnh: Lù Quý

Còn tại huyện Bắc Yên, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn huyện Bắc Yên, mưa lớn kéo dài từ ngày 7 đến 8/9, đã gây sạt lở một số tuyến đường và nhà dân của xã Háng Đồng. Mưa lớn đã làm sạt lở, gây ách tắc các tuyến đường từ xã Tà Xùa đến Háng Đồng (địa phận bản Chống Cha), đường vào khu Sống lưng Khủng Long và vào bản Háng Đồng khu 2. Mưa lớn cũng gây sạt lở 5 nhà dân của bản Chống Cha và Háng Đồng, phải di dời khẩn cấp.

Xã Háng Đồng đã huy động lực lượng “4 tại chỗ” hỗ trợ người dân các hộ sạt lở di chuyển người và tài sản; đồng thời, rà soát các hộ có nguy cơ sạt lở di chuyển đến nơi an toàn. Tổ chức cắm biển cảnh báo những nơi nguy hiểm. Bố trí lực lượng, phương tiện xử lý các điểm sạt lở và trực tại khu vực trọng điểm xung yếu, sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ… Hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão.

Bão số 3 đi qua, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất đá tại tỉnh Sơn La - Ảnh 2.

Sạt lở đất đá vào nhà dân tại huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: CTV

Tại huyện Mộc Châu, Theo thống kê ban đầu, mưa lớn khiến 6 ngôi nhà của người dân bị tốc mái, sạt lở đất; ngập cục bộ một số đoạn đường nội thị, một số khu dân cư, trường học, một số tuyến đường bị ngập nước khoảng 20-40 cm; nhiều khu ruộng lúa bị ngập. Hiện nay, trên địa bàn huyện đang tiếp tục có mưa. Huyện đã thành lập 5 đoàn công tác để đi đến các xã, thị trấn để chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa bão.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, các xã, thị trấn chỉ đạo, huy động các lực lượng và phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả; di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Bão số 3 đi qua, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất đá tại tỉnh Sơn La - Ảnh 3.

Mưa lớn khiến sạt lở đất; ngập cục bộ một số đoạn đường nội thị, một số khu dân cư trên địa bàn huyện Mộc Châu. Ảnh: VĐ

Còn tại huyện Vân Hồ, theo thông tin ban đầu, mưa lớn khiến nhiều nhà ở và diện tích sản xuất của người dân ở các bản: Nậm Dên, Nà Sàng của xã Chiềng Xuân bị ngập; một số hộ dân tại bản Nà Hiềng, xã Xuân Nha bị sạt lở đất đá vào nhà; nhiều điểm trên tuyến đường từ xã Xuân Nha đến xã Chiềng Xuân bị sạt lở, gây ách tắc; 3 cột điện tại xã Chiềng Xuân bị đổ gãy. Hiện nay, trên địa bàn huyện đang tiếp tục có mưa, huyện Vân Hồ đã thành lập các đoàn công tác đến các xã kiểm tra, chỉ đạo hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp huyện Vân Hồ chỉ đạo, huy động các lực lượng và phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả; di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Đồng thời, chỉ đạo các xã tổng hợp thống kê thiệt hại báo cáo UBND huyện.

Bão số 3 đi qua, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất đá tại tỉnh Sơn La - Ảnh 4.

Mưa lũ gây ngập nhà dân tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: NDCC

Sơn La ứng phó với cơn bão số 3 

Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến đánh giá tình hình thiệt hại và các giải pháp cấp bách ứng phó với bão số 3 năm 2024. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố 26 địa phương từ Thanh Hóa trở ra phía Bắc.

Dự họp tại điểm cầu tỉnh Sơn La có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La; đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh; thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Hiện nay, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần trên khu vực phía Tây Bắc Bộ, song hoàn lưu của bão còn tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 9/9 cho các tỉnh Bắc Bộ, nhất là khu vực Tây Bắc với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi đến 350mm.

Bão số 3 đi qua, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất đá tại tỉnh Sơn La - Ảnh 5.

Mưa lũ gây ngập úng nhiều điểm trên địa bàn huyện Vân Hồ. Ảnh: THVH

Tại cuộc họp, các bộ, ban, ngành của Trung ương, các địa phương, tập trung đánh giá lại công tác ứng phó, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục thiệt hại về nhà ở, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp, trường học, lưới điện, viễn thông... để sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất. Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, bài học thực tiễn qua ứng phó với các tình huống khẩn cấp phòng, chống bão lũ.

Trước tình hình mưa lũ đang tiếp tục diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời bố trí lực lượng di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn. Đồng thời, các phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường đèo, núi, chú ý quan sát sạt lở đất, đảm bảo nơi tránh trú an toàn trong mưa giông.

Văn Ngọc