dd/mm/yyyy

Bắc Yên: Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết

Là huyện vùng cao của tỉnh Sơn La với đã số là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm quan huyện Bắc yên đã huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó góp phần ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn.

Bắc Yên: Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết

Hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển kinh tế

Bắc Yên là huyện vùng cao của tỉnh Sơn La với trên 93% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Dao, Mường, Thái... Đời sống kinh tế - xã hội, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn.

Để triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, huyện Bắc Yên đã tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong phát triển kinh tế - xã hội.

Huy động các nguồn lực đầu tư, ưu tiên giảm nghèo bền vững, giải quyết những khó khăn, bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Bắc Yên: Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết- Ảnh 1.

Bắc Yên là huyện vùng cao của tỉnh Sơn La với trên 93% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Văn Ngọc

Sau khi hoàn thành việc xóa nhà tạm, huyện Bắc Yên đã tập trung vào việc hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện để người dân có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Thiếu vốn, lại thiếu đất sản xuất, cái đói, cái nghèo cứ mãi đeo đuổi gia đình anh Lừ Văn Châu, dân tộc thái, tại xã Mường Khoa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La). Năm 2018, nhờ nguồn vốn vay từ Ngân chính sách xã hội, gia đình anh đã mua 1 đôi bò sinh sản. Sau 5 năm nỗ lực, đến nay kinh tế gia đình anh đã từng bước ổn định. Anh cũng dự định cuối năm nay sẽ trả hết nguồn vốn vay ban đầu, để vay thêm các nguồn vốn khác để phát triển kinh tế.

"Từ năm 2018 được nhà nước hỗ trợ, gia đình tôi được vay vốn 30 triệu để mua bò về chăn nuôi, bây giờ gia đình cũng có 6 - 7 con bò rồi. Trong thời gian tới gia đình tôi cũng mong muốn được nhà nước hỗ trợ được vay vốn thêm để phát triển đàn bò của gia đình hơn nữa" anh Châu nói.

Bắc Yên: Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết- Ảnh 2.

Gia đình anh Lừ Văn Châu, dân tộc Thái, xã Mường Khoa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) có thu nhập ổn định nhờ sự trợ của nhà nước phát triển mô hình chăn nuôi. Ảnh: Văn Ngọc

Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển vùng đồng bào dân tộc

Ông Nguyễn Đăng Thức, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La thông tin: Từ năm 2020 đến nay, huyện Bắc Yên đã tập trung triển khai đồng bộ các nguồn vốn thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, với tổng nguồn vốn là 345 tỷ 622 triệu đồng. Trong đó nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) theo Quyết định 1719 là 280 tỷ 556 triệu đồng.

Từ nguồn vốn này, huyện Bắc Yên đã triển khai xóa nhà tạm cho 36 hộ nghèo; hỗ trợ 156 bồn, téc chứa nước sinh hoạt cho các hộ dân ở phân tán thiếu bồn chứa nước; hỗ trợ máy móc nông cụ phục vụ sản xuất, kinh doanh cho 306 hộ dân; sắp xếp ổn định 03 khu dân cư có nguy cơ sạt lở do bão lũ tại các xã: Pắc Ngà, Tạ Khoa và Chiềng Sại; xây dựng được 49 công trình trên địa bàn xã vùng III, bản đặc biệt khó khăn gồm: 36 tuyến đường bê tông, 02 tuyến thủy lợi, xây dựng 01 chợ, 08 nhà văn hóa bản, 01 công trình điện nông thôn và 01 công trình trường học.

Hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ truyền thống tại các bản vùng đồng bào DTTS&MN, hỗ trợ trang thiết bị cho 62 nhà văn hóa, duy tu 32 lượt công trình trên các xã vùng III và bản đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng I; Hỗ trợ bảo vệ rừng là rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng tự nhiên đã giao cho hộ gia đình và cộng đồng. Hỗ trợ mở 01 lớp xóa mù chữ tại bản Làng Chếu, xã Làng chếu cho 24 học viên và triển khai hỗ trợ nhiều hoạt động thiết thực khác.

Bắc Yên: Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết- Ảnh 3.

Đồng bào dân tộc thiểu số xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La được hỗ trợ về cây giống để phát triển kinh tế. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng theo ông Thức: Để thực hiện có hiệu quả các chính sách về dân tộc, đặc biệt là những vấn đề cấp thiết, trong thời gian tơi, phòng Dân tộc huyện Bắc Yên (Sơn La). Huyện Bắc Yên tiếp tục thực hiện công tác nắm tình hình kinh tế - xã hội và an ninh trật tự trong đồng bào dân tộc, phối hợp các ngành chức năng tham mưu cho Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện chỉ đạo, xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh trên địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, góp phần ổn định và phát triển trong vùng dân tộc thiểu số huyện. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu, chính sách đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Đề ra giải pháp mang tính đặc thù để ổn định và phát triển một số lĩnh vực còn yếu kém trong đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng còn khó khăn của huyện. Phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện để tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Tổ chức tập huấn cung cấp thông tin cho người có uy tín năm 2023. Tiếp tục kiểm tra, nắm bắt tình hình việc thực hiện các chương trình mục tiêu, chính sách đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo theo yêu cầu của UBND tỉnh, Ban dân tộc tỉnh, huyện ủy, HĐND-UBND huyện theo quy định.

Bắc Yên: Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết- Ảnh 4.

Diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bắc Yên ngày càng nhiều đổi thay. Ảnh: Văn Ngọc

Nhờ triển khai có hiệu quả chính sách dân tộc trên địa bàn, đa đã góp phần ổn định đời sống, vật chất, tinh thần cho nhân dân, nâng cao trình độ dân trí, thúc đẩy phát triển các hoạt động văn hóa – xã hội tại địa phương.

Văn Ngọc