Ngày 25/10, ông Phạm Ngọc Quy - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An cho biết, đã có kết quả kiểm nghiệm xác định nguyên nhân ngộ độc khiến 7 người nhập viện cấp cứu xảy ra ngày 14/10 tại địa bàn huyện Đô Lương, Nghệ An.
Theo đó, ngay sau khi xảy ra sự việc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An thu thập được 2 mẫu thân cây (không rõ loại) trong đó có (1 mẫu còn tươi chưa qua xử lý và 1 mẫu thân cây đã được nấu lấy nước) gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm tra. Kết quả kiểm nghiệm phát hiện Gelsamin và Koumine trong 2 mẫu thân cây này, đây là các chất thuộc nhóm Alkaloid thường có trong cây lá ngón.
Căn cứ kết quả kiểm nghiệm trên và kết quả điều tra trước đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An nhận định, nguyên nhân ngộ độc là do sử dụng nước được đun nấu từ thân cây có độc chất của lá ngón.
Trước đó, một nhóm đàn ông từ 31 đến 51 tuổi (cùng trú xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa), vào làm việc trong rừng thuộc địa bàn xã Thái Sơn, huyện Đô Lương. Trong gần 1 tuần làm việc, nhóm người này có lấy thân cây (không rõ loại) cắt nhỏ đun với nước để uống và không có triệu chứng lạ.
Tuy nhiên, chiều ngày 14/10, do số lượng thân cây đã cắt lát còn ít nên họ đã lấy thêm thân cây khác (không rõ loại) để nấu cùng rồi lấy nước uống thì xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
Ngay sau đó, cả nhóm 7 người được đưa vào Trạm Y tế xã Thái Sơn để cấp cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương tiếp tục điều trị trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, được chẩn đoán ngộ độc.
Bệnh nhân được rửa dạ dày, truyền dịch và được chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Các bệnh nhân hiện nay sức khỏe ổn định, đã được xuất viện.
Trước đó, bác sỹ Lê Đức Hải - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đô Lương cho biết, qua lời kể ban đầu của các bệnh nhân đi làm ở trong rừng nên hái lá chè vằng để nấu uống. Tuy nhiên, do lá chè vằng cũng gần giống lá ngón nên hái nhầm. Đến khi một người phát hiện ra lá ngón thì không kịp.