Để tăng năng suất và sản lượng trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua huyện Yên Châu đã phối hợp với các ban ngành tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất VietGAP trên cây ăn quả; hướng dẫn các hộ dân sản xuất, thu hoạch nông sản đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm. Đồng thời triển khai nhiều dự án, xây dựng các mô hình đưa giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai.
Cùng với đó, huyện còn tập trung triển khai ứng dụng 1 số công nghệ sinh học, các chế phẩm sinh học dùng trong bảo vệ cây trồng, nông sản sau thu hoạch; ứng dụng quy trình công nghệ mới vào chăn nuôi theo hướng phát triển trang trại, quy mô công nghiệp.
Được sự khuyến khích và hướng dẫn của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian gần đây anh Lò Văn Hồng, bản Vũng Mo (xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) đã bắt đầu ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn cây, để tiết kiệm chi phí chăm sóc.
Anh Hồng chia sẻ: "Trước đây, tôi mất khá nhiều thời gian để tưới cây, mùa hè vẫn rơi vào tình trạng cây bị thiếu nước. Với chi phí đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt từ 50 đến 60 triệu đồng/ha, không chỉ đáp ứng được nguồn nước tưới cho cây, ngăn chặn được tình trạng cây chết héo mà còn tiết kiệm được khoảng 60% nước so với cách tưới thủ công. Bên cạnh đó, còn giảm thời gian chăm sóc và năng suất cây trồng cũng cao hơn. Nhờ vậy, 1ha xoài Đài Loan của gia đình tôi đã cho doanh thu đạt hơn 180 triệu đồng/năm".
Bằng những việc làm thiết thực và cụ thể, đến nay trên địa bàn huyện Yên Châu có gần 600 ha cây ăn quả được người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trong đó 270 ha nhãn chín muộn, 300 ha xoài được áp dụng kỹ thuật ghép mắt và 7 ha chuối cấy mô.
Ông Nguyễn Văn Điện, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Châu, cho biết: "Thời gian qua, chúng tôi đã mở lớp tập huấn ứng dụng tiến bộ KHKT, tiết kiệm chi phí sản xuất cho các nông hộ trên địa bàn huyện, mở ra cơ hội làm giàu cho bà con. Nhiều mô hình ứng dụng KHKT vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: Sản xuất ngô bền vững trên đất dốc có vật liệu che phủ quy mô 60 ha tại xã Lóng Phiêng, trồng rau thủy canh tại xã Sặp Vạt; thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI, quy mô 2,6 ha tại xã Chiềng Đông, Sặp Vạt.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, chúng tôi còn triển khai hỗ trợ thực hiện mô hình tưới nhỏ giọt cho 5 HTX với 250 ha cây ăn quả; triển khai thí điểm trạm quan trắc thông minh tại xã Sặp Vạt và Phiêng Khoài, giúp cảnh báo thời tiết, cảnh báo cháy rừng, lũ quét...".
Ngoài ra, huyện Yên Châu còn tổ chức tập huấn về áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ trồng xoài trên địa bàn. Toàn huyện có 78 ha nhãn, 22 ha xoài được cấp mã số vùng trồng và 357 ha cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Điển hình như mô hình trồng xoài tượng da xanh của bà Hoàng Thị Thảo, xã Chiềng Hặc liên kết với Công ty cổ phần Greenpath và Công ty TNHH Thanh Tùng Sơn La xuất khẩu sang thị trường Úc và Trung Quốc, mỗi năm thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Bà Thảo chia sẻ: "Nhờ sự quan tâm đặc biệt của huyện và phòng nông nghiệp, gia đình tôi đã được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật khoa học trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực trồng cây ăn quả. Từ đó, gia đình tôi đã lắp đặt hệ thống nước tưới tự động, dùng các loại phân hữu cơ trong sản xuất. Nhờ vậy mà năng suất cây trồng không ngừng tăng cao, cuộc sống thu nhập ngày càng ổn định và khấm khá".
Về chăn nuôi, những năm qua huyện Yên Châu đã vận động các nông hộ chú trọng áp dụng hệ thống tự động trong chăn nuôi. Sử dụng đệm lót sinh học, xây dựng nhiều công trình khí sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi... Nhờ vậy, người dân đã giảm được thời gian, công sức lao động và bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập. Có thể thấy rằng, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ ở huyện Yên Châu đã và đang đem lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao giá trị của nông sản và tăng thu nhập cho người dân.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch, phân vùng sản xuất; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tạo mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tập trung tăng cường hoạt động chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng KHKT cho nông dân. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức lớp tập huấn về lựa chọn con giống, cây trồng vật nuôi mới, giúp việc ứng dụng KHKT đạt hiệu quả hơn. Qua đó giúp các nông hộ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập trên 1 diện tích đất canh tác", ông Nguyễn Văn Điện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu thông tin thêm.