Thứ Tư, ngày 15/01/2025 10:40 AM (GMT+7)

Xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bắc Yên

2024-12-10 11:26:33

Để thực hiện xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong năm qua, huyện Bắc Yên (Sơn La) phát huy tiềm năng, lợi thế và tận dụng tối đa các chương trình hỗ trợ. Theo đó, bộ mặt các xã vùng cao đang “thay da đổi thịt” từng ngày.

Bắc Yên là một trong huyện khó khăn của tỉnh Sơn La, tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, Bắc Yên đã từng bước xóa đói giảm nghèo, bản trên, bản dưới "thay da đổi thịt". Đường nhựa, đường bê tông được mở tới tận các bản vùng cao. Dọc hai bên đường nhiều ngôi nhà mới xây kiên cố được dựng lên khang trang.

Xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào Dân tộc thiểu số vùng cao Bắc Yên - Ảnh 1.

Phát huy tiềm năng, lợi thế và tận dụng tối đa các chương trình hỗ trợ huyện Bắc Yên (Sơn La) làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo và đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Ảnh: Nguyễn Vinh

Phát huy tiềm năng, lợi thế để xóa đói giảm nghèo

Xã Tà Xùa được coi là vựa trà shan tuyết của tỉnh Sơn La. Bao đời nay bà con người Mông nơi đây đã gìn giữ và phát triển cây trà. Giờ đây, cây trà góp phần quan trọng trong cuộc sống của nhiều hộ gia đình. Gia đình anh Mùa a Khư, ở bản Móng Vàng, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La) là một trong những hộ làm trà shan tuyết lâu năm của xã. Gia đình anh Khư có trên 500 cây trà shan tuyết được trồng cách đây 50 năm. Ngoài ra trên nương, gia đình còn giữ được mấy chục cây trà shan tuyết cổ thụ. Nhờ cây trà shan tuyết mà gia đình anh năm nào cũng có một khoản thu nhập không nhỏ.

Hôm chúng tôi đến thăm, anh Khư vừa thu hoạch xong vụ trà, anh chia sẻ: "Năm nay mưa ít, nhưng gia đình tôi cũng thu được trên 1 tạ trà khô. Nhờ trồng trà shan tuyết mà gia đình tôi thu được trên 100 triệu đồng. Gia đình tôi cũng đang mở rộng diện tích trồng trà. Cây trà ở Tà Xùa cho chất lượng thơm, ngon nên luôn bán được giá cao".

Cũng giống như gia đình anh Khư, ở Tà Xùa cả trăm hộ gia đình khác cũng có thu nhập ổn định từ cây trà shan tuyết. Đây là lợi thế mà bà con người Mông nơi đây đã khai thác từ nhiều năm nay. Theo anh Mùa A Hồ, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La): Cùng với chương trình xóa đói giảm nghèo được triển khai ở xã, cây trà shan tuyết đã luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ chính quyền huyện. Mục tiêu của xã là xây dựng Tà Xùa thành trung tâm sản xuất trà shan tuyết của tỉnh Sơn La.

Xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào Dân tộc thiểu số vùng cao Bắc Yên - Ảnh 2.

Sản phẩm trà shan tuyết được trồng trên đỉnh Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La) có giá 2,5 triệu đồng/1kg. Ảnh: Nguyễn Vinh

Đến các xã vùng cao huyện Bắc Yên (Sơn La), măng trúc muối ớt là một món ăn truyền thống lâu đời của đồng bào Mông nơi đây. Mùa măng trúc bắt đầu từ tháng 9 đến hết tháng 11. Những năm gần đây, măng trúc muối ớt trở thành một trong những món ăn "đặc sản" có tiếng của huyện Bắc Yên. Nhận thấy được nhu cầu của người tiêu dùng, HTX nông nghiệp và dược liệu Háng Đồng, huyện Bắc Yên (Sơn La) đã thu mua và sản xuất ra sản phẩm măng trúc muối ớt Háng Đồng, sản phẩm đã được khách hàng trong nước đón nhận và xuất khẩu sang thị trường các nước và vùng lãnh thổ như: Nhật, Đài Loan…

Với tổng diện tích trên 500ha tự nhiên, năng suất măng tươi đạt trung bình từ 05 tấn/ha, tạo việc làm cho hơn 400 hộ gia đình tại xã Háng Đồng vào mùa thu hoạch. Măng trúc sau khi được người dân thu hoạch, HTX nông nghiệp và dược liệu Háng Đồng, huyện Bắc Yên (Sơn La) thu mua lại với giá từ 18.000-20.000 đồng/1kg. Mùa thu hoạch măng mỗi năm, người dân trên địa bàn xã Háng Đồng có nguồn thu nhập thêm khoảng 5-10 triệu đồng/người, đây là nguồn thu đã giúp bà con nơi đây xóa đói giảm nghèo.

Đến thăm HTX nông nghiệp và dược liệu Háng Đồng, huyện Bắc Yên (Sơn La), anh Thào A Trống, Giám đốc HTX nông nghiệp và dược liệu Háng Đồng, huyện Bắc Yên (Sơn La), cho biết: "HTX không chỉ tập trung vào công việc thu mua và chế biến sản phẩm măng ớt Háng Đồng, mà còn chú ý bảo tồn và phát triển các loại dược liệu quý phù hợp đất đai, thổ nhưỡng tại địa phương. Sản phẩm măng ớt Háng Đồng của chúng tôi đã được người tiêu dùng đón nhận. Chúng tôi cũng rất mong tỉnh, huyện tiếp tục tạo điều kiện để giúp HTX mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm giúp người dân tiêu thụ nông sản làm ra góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng cao huyện Bắc Yên".


Xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào Dân tộc thiểu số vùng cao Bắc Yên - Ảnh 3.

Măng trúc muối ớt Háng Đồng, sản phẩm nông nghiệp giúp xóa đói giảm nghèo vùng cao Bắc Yên (Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Vào những ngày này, đi qua các xã vùng cao của huyện Bắc Yên (Sơn La), như: Tà Xùa, Háng Đồng, Xím Vàng, Làng Chếu… bà con nông dân đang tích cực thu hoạch lúa, ngô, dong riềng…. Bên cạnh những cây trồng truyền thống, nhiều xã đã đưa được nhiều giống cây trồng mới vào sản xuất. Chuyển đổi cơ cấu trồng cây trên đất dốc là giải pháp quan trọng nâng cao hiệu quả sử dụng đất và phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt tại các khu vực vùng cao như huyện Bắc Yên. Để phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, huyện Bắc Yên hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn phát triển sản xuất, chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, thu nhập ổn định, giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Tích cực thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia nhằm xóa đói giảm nghèo

Để đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Bắc Yên (Sơn La), huyện Bắc Yên đang tập trung triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Các chương trình đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Là một hướng đi quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm của địa phương. Việc xây dựng sản phẩm OCOP không chỉ tập trung vào chất lượng mà còn chú ý xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và thị giác người tiêu dùng. Nhờ đó, nông sản được tiêu thụ ổn định hơn thông qua các kênh như siêu thị, sàn thương mại điện tử và xuất khẩu; giúp người dân phát huy tiềm năng, lợi thế, chuyển đổi sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình sản xuất tập trung và quy mô lớn; để liên kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và chính quyền trong phát triển sản phẩm OCOP.

Trao đổi với PV Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt/Điện tử Trang Trại Việt, bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Yên cho biết: "Trong những năm vừa qua, huyện đã tích cực xây dựng chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Huyện tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng 11 sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh gồm: 04 sản phẩm đạt 4 sao (trà xanh mây, trà xanh thiện, rượu Hang Chú, bạch trà mây), 07 sản phẩm đạt 3 sao (măng trúc muối ớt, táo sơn tra khô, thảo quả sấy khô, trà sương tuyết cổ thụ - truyền thống, khoai sọ núi, miến dong tươi, miến dong khô); đồng thời tiến hành khảo sát đánh giá đối với 2 sản phẩm mới cá nến Sông Đà và trà shan tuyết Thác Rồng".

Xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào Dân tộc thiểu số vùng cao Bắc Yên - Ảnh 4.

"Rượu Hang Chú" sản phẩm OCOP 4 sao được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Ảnh: Nguyễn Vinh

Đến hết năm 2023, huyện Bắc Yên (Sơn La) có tỉ lệ hộ nghèo là 28,81%, hộ cận nghèo là 16,69%. Để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, huyện Bắc Yên đã tổ chức rà soát, triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng theo chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Giao UBND các xã thực hiện hỗ trợ giống gia súc, đây là dự án nhằm tạo việc làm, phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập, tạo sinh kế vươn lên thoát nghèo cho người dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt/Điện tử Trang Trại Việt, ông Nguyễn Đăng Thức, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bắc Yên (Sơn La), cho biết: "Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển Kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Bắc Yên thực hiện rà soát, xét hỗ trợ bò giống sinh sản, ngựa giống sinh sản cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Năm 2024, dự kiến huyện sẽ trao cho 1.162 hộ. Đến thời điểm hiện tại, huyện đã trao 74 con bò giống sinh sản cho 74 hộ tại xã Tạ Khoa. Đây là một trong chương trình nhằm nâng cao sinh kế, cải thiện đời sống cho bà con vùng khó khăn. Các hộ gia đình được nhận bò giống sinh sản, ngựa giống sinh sản đều được hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh và tận dụng nguồn lợi từ chăn nuôi".

Xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào Dân tộc thiểu số vùng cao Bắc Yên - Ảnh 5.

Hỗ trợ bò giống sinh sản theo Chương trình 1719 tại huyện Bắc Yên (Sơn La) nhằm tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho bà con vùng khó khăn, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ảnh: M.Lâu

Với những giải pháp đồng bộ, cách làm sáng tạo, huyện Bắc Yên (Sơn La) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc xóa đói giảm nghèo. Các chương trình hỗ trợ như cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn… đã mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp người dân nâng cao năng suất, tạo ra giá trị kinh tế bền vững. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên địa bàn huyện. Dự kiến đến hết năm 2024, huyện Bắc Yên (Sơn La) giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 24,75%, hộ cận nghèo giảm xuống còn 15,96%.

Nguyễn Vinh
Cổ phiếu tiêu điểm hôm nay (23/10): Lợi nhuận quý III tăng gần 22%, cổ phiếu SSI được khuyến nghị mua

Cổ phiếu tiêu điểm hôm nay (23/10): Lợi nhuận quý III tăng gần 22%, cổ phiếu SSI được khuyến nghị mua

Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất trong 9 tháng đầu năm 2023 với lợi nhuận ròng đạt 1,8 nghìn tỷ đồng (tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái), nên một số công ty chứng khoán nhận định khả năng điều chỉnh tăng đối với dự báo lợi nhuận cho SSI.