Hiện nay, tổng đàn gia súc toàn tỉnh Điện Biên ước đạt 595.000 con. Trong đó, đàn trâu 136.496 con; đàn bò 80.743 con; đàn lợn 308.017 con; đàn dê 68.867 con. Ðàn gia cầm 4.445.120 con. Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó phòng Chăn nuôi - Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Điện Biên có tiềm năng lớn để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tuy nhiên, hiện nay phát triển chăn nuôi vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; số lượng trang trại chăn nuôi quy mô lớn chưa nhiều, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi mà chủ yếu là chăn nuôi hộ gia đình. Do đó, để phát triển chăn nuôi bền vững gắn với bảo vệ môi trường là thách thức rất lớn đối với ngành nông nghiệp của tỉnh và chính quyền địa phương.
Hiện nay, đối với công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi có thể chia thành 2 nhóm: Nhóm chăn nuôi trang trại và nhóm chăn nuôi hộ gia đình. Ðối với nhóm chăn nuôi trang trại, các chủ trang trại đã chú trọng đầu tư khá toàn diện để phục vụ phát triển chăn nuôi, đặc biệt đã áp dụng những công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải như: Công nghệ ép tách phân; sử dụng bể chứa biogas; đệm lót sinh học...
Qua đánh giá tác động môi trường tại các trang trại này đều cho kết quả tốt. Ðối với chăn nuôi hộ gia đình, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đầu tư xây dựng chuồng trại xa khu dân cư; hướng dẫn xử lý chất thải đúng cách và tận dụng chất thải làm phân bón cho cây trồng nên tình trạng ô nhiễm môi trường đang từng bước được hạn chế.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với cảnh sát môi trường, chính quyền địa cơ sở kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm những cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Nhờ đó ý thức, trách nhiệm của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi dần được nâng cao.
Công ty TNHH thương mại Quang Lành là một trong những trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn gắn với bảo vệ môi trường tốt nhất Điện Biên. Trang trại có quy mô 4.000 con lợn thịt, sản phẩm chăn nuôi xuất bán cho Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam.
Trang trại Quang Lành đang áp dụng công nghệ ép tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi lợn. Hỗn hợp chất thải đi vào máy ép qua lưới lọc, các chất rắn được giữ lại ép khô, nước theo đường riêng chảy vào bể biogas xử lý tiếp. Phân khô được sử dụng để bón cho cây trồng và khí từ bể biogas có thể sử dụng để đun nấu vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường.
Do chăn nuôi quy mô lớn nên công tác đảm bảo vệ sinh môi trường được công ty quan tâm. Trang trại đảm bảo vị trí xa khu dân cư, chăn nuôi hoàn toàn khép kín và công tác xử lý chất thải đặc biệt được chú trọng bởi môi trường đảm bảo sẽ hạn chế các nguồn dịch bệnh, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả. Quá trình xử lý chất thải bằng công nghệ ép tách phân tuy đầu tư ban đầu tốn kém nhưng hiện đại, nhanh, gọn, ít tốn diện tích và đang là một trong những biện pháp hiệu quả nhất đối với các trang trại chăn nuôi lợn, trâu bò theo hướng công nghiệp hiện nay.
Gia đình ông Lê Minh Hùng, bản Nà Lơi, xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ) đã phát triển mô hình chăn nuôi gà thịt khoảng 10 năm nay. Với quy mô 1.500 con, mỗi năm ông Hùng xuất bán ra thị trường hàng chục tấn gà thịt. Chăn nuôi quy mô lớn song công tác đảm bảo môi trường trong chăn nuôi được ông Hùng chú trọng. Phương pháp xử lý chất thải ông Hùng đang áp dụng là sử dụng đệm lót sinh học.
Ông Lê Minh Hùng cho biết: Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học là một hình thức nuôi nhốt gia súc, gia cầm trên một nền đệm lót được làm bằng nguyên liệu như: Trấu, mùn cưa, rơm, rạ... trộn với men vi sinh để phân hủy chất thải, giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi tạo môi trường trong sạch không ô nhiễm. Phương pháp này tôi đã áp dụng được khoảng 3 năm nay, thấy rất hiệu quả, khu vực chuồng nuôi gà không còn mùi hôi.
Nếu như trước đây, phát triển chăn nuôi người dân chưa chú ý đến bảo vệ môi trường. Chất thải từ chăn nuôi, xả thẳng ra môi trường, gây ôi nhiệm. Hiện nay một số chủ trang trại đã tận dụng chất thải trong chăn nuôi để sản xuất các loại phân hữu cơ, xuất bản ra thị trường.
Ông Chang Váng Sinh, bản Tá Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, người được mệnh danh là vua bò chia sẻ: Tôi nuôi hơn 200 con bò, trước đây chỉ thả trên rừng, đến mùa mới gọi về. Chăn nuôi như thế dễ dịch bệnh, hơn nữa phân bò còn làm ôi nhiễm nguồn nước. Hiện nay tôi nuôi nhốt, phân bò cũng bán được cho một số hộ ép phân hữu cơ. Cứ 2 ngày lại có xe đến mua phân bò, thu nhập cũng khá, trung bình mỗi tháng cũng được trên 40 triệu đồng từ bán phân bò.
Để tiếp tục đảm bảo việc chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo các tiêu chí trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Điện Biên đã triển khai hỗ trợ xây dựng các công trình xử lý chất thải tại các cơ sở; hỗ trợ chế phẩm sinh học xử lý môi trường trong chăn nuôi. Đồng thời, tiến hành khảo sát, xây dựng để triển khai các phương án chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư kết hợp biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi tại các cơ sở, nhằm góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi trong khu dân cư tại một số cơ sở, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững.