Thuần hoá "lộc rừng"
Mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo NTNN/điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt về những ngày đầu người dân trong bản thuần hoá ong rừng mà bà con vẫn gọi vui là "lộc rừng", anh Khoàng Văn Van, Bí thư xã Chà Nưa chia sẻ: Nói thuần hoá thì hơi quá, những đàn ong mật đã là bạn với người Thái chúng tôi từ nhiều đời nay. Mật ong là một trong những vị thuốc quý mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Từ thời cha ông chúng tôi đã vào rừng bắt ong lấy mật, nhưng ít ai nghĩ ra cách thuần hoá, nuôi đàn ong mật tại nhà".
Theo lời anh Van thì vào tháng 4 – 5 hàng năm, người dân trong bản lại rủ nhau vào rừng tìm mật ong. Theo kinh nghiệm của bà con thì thời điểm này là thích hợp nhất để lấy mật. Vì sau tết rất nhiều loại hoa nở, đây là thời điểm mật ong ngon nhất trong năm. Trước đây mật ong rừng được bà con lấy về để sử dụng, không đem bán, vì tìm kiếm ong rừng rất khó. Người lấy mật ong phải có kinh nghiệm và sự dũng cảm để đu người trên những cây cổ thụ, chịu đau đớn bị ong đốt để lấy mật ong.
Trong xã có vài người đưa ra sáng kiến để thuần hoá đàn ong, nuôi tại nhà. Người tiên phong, thuần hoá "lộc rừng" chính là ông Thùng Văn Lay, bản Cấu. Ông Lay là người đầu tiên của xã thực hiện thành công việc tìm kiếm những đàn ong mật từ trong rừng về nhà để thuần nuôi. Hiện gia đình ông đã thuần nuôi được 30 tổ ong rừng để lấy mật.
Chia sẻ kinh nghiệm về thuần hoá đàn ong rừng, cách chăm sóc đàn ong để có chất lượng mật tốt nhất, ông Lay cho biết: Thuần hoá đàn ong rừng rất đơn giản, nhưng để thuần hoá được chúng phải biết tập tính, thời điểm ong tìm về vùng nắng ấm, tránh rét. Ngoài ra phải biết chăm sóc đàn ong, khi nào thì phải cho ong ăn thêm mật, đường, để duy trì đàn. Thời điểm nào vắt mật để có chất lượng mật chất lượng nhất. Đặc biệt tuỳ từng mùa hoa để di chuyển đàn ong đến lấy mật đúng thời điểm".
Theo kinh nghiệm của ông Lay thì không phải lúc nào cũng kiếm được ong rừng về nuôi. Vì có khi bắt được cả tổ ong về, nuôi trong thùng tại nhà một thời gian, ong lại bay đi hết.
Nhấp chén nước chè, ông Lay chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong: Đầu tiên để đàn ong không bay đi khi đã thuần hoá được chính là hòm ong. Không phải loại gỗ nào cũng đóng được hòm ong, vì có loại gỗ mùi không thích hợp, thì đàn ong ở được một thời gian cũng chết hoặc bay đi. Loại gỗ tốt nhất để đóng hòm ong là gỗ cây Gạo trên rừng. Người nuôi ong rừng cũng phải biết thời điểm thích hợp để dụ ong về.
Thông thường thời điểm tháng 9 – 10, thời tiết chuẩn bị sang đông, đàn ong sẽ tìm về vùng nắng ấm để tránh rét. Khi ấy thấy con ong mật bay lượn quanh nhà mãi không đi, chúng tôi gọi là ong soi, thì chuẩn bị vợt, bắt lấy con ong này nhốt vào hòm, bịt các lỗ lại. Sau khoảng 1 tiếng thì mở các lỗ để ong bay ra. Chỉ khoảng 1 tiếng sau sẽ có vài chục con bay về kiểm tra hòm, nếu đàn ong ưng thì chỉ khoảng vài tiếng sau sẽ kéo về làm tổ trong hòm.
Ông Lay chia sẻ: Những năm đầu nuôi đàn ong, cứ ăn tết xong quay được 1 lần mật là ong lại bay đi. Khi bay đi chúng chia thành 2 đàn, bay hai hướng khác nhau. Tôi tìm hiểu mãi mà không biết lý do. Khi được những người lớn tuổi nói ong bay hai đàn là có hai con ong chúa. Mỗi con ong chúa sẽ dẫn ong thợ của mình bay đi lầm tổ mới. Nếu người nuôi muốn tách đàn thì bắt một trong hai con ong chúa, buộc sang hòm khác, đàn ong sẽ tự tách thành hai đàn. Nếu không muốn tách đàn thì phải giết một trong hai con ong chúa.
Hiện nay mỗi năm gia đình ông Lay thu được hơn 100 lít mật. Số mật trên không đủ cung cấp ra thị trường mà chủ yếu bán cho những người thân quen. Hiện giá bán là 400 nghìn đồng/lít, nếu thuận lợi cũng thu khoảng từ trên 50 triệu đồng/ năm.
Xây dựng "lộc rừng" thành sản phẩm OCOP
Mật ong Chà Nưa nổi tiếng, vì vậy huyện Nậm Pồ quyết định lựa chọn mật ong Chà Nưa để xây dựng sản phẩm OCOP.
Ông Phạm Trần Trường, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ cho biết: Từ cuối năm 2019, chương trình phát triển sản phẩm OCOP của huyện đã rục rịch triển khai với những bước đi đầu tiên là rà soát các xã để lựa chọn sản phẩm. Trong đó tập trung vào một số sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương, như: Mật ong Chà Nưa, mây tre đan Chà Cang, sa nhân Chà Tở, Nậm Khăn... Ðến đầu 2020, huyện chính thức triển khai việc xây dựng sản phẩm mật ong Chà Nưa thành sản phẩm OCOP. Huyện lập dự án hỗ trợ thành lập Hợp tác xã (HTX) Nuôi ong rừng Chà Nưa; hỗ trợ con giống, vật tư để phát triển sản phẩm.
Bà con vốn quen nuôi trồng tự phát nên chưa thích ứng ngay với việc nuôi ong theo quy trình kỹ thuật. Cán bộ của Trung tâm phải xuống tận nơi "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn bà con. Ngoài ra, huyện hỗ trợ chi phí xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác và hỗ trợ thực hiện các quy trình kiểm định chất lượng. Huyện còn kết nối với các cơ quan như Chi cục An toàn nông lâm thủy sản, Sở Công Thương… để đưa sản phẩm đi giới thiệu tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm bước đầu của HTX đều được huyện tạo điều kiện tiêu thụ, vừa quảng bá thương hiệu vừa giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn ban đầu…
Ông Tao Văn Vin, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi ong rừng Chà Nưa cho biết: Trước khi tham gia vào chương trình phát triển sản phẩm OCOP, mật ong Chà Nưa cũng đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, sản phẩm mới chỉ dừng lại ở mức khai thác thủ công, chủ yếu để sử dụng là chính và nếu có buôn bán cũng chỉ nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Ðến nay, được sự hỗ trợ của huyện, Chà Nưa đã thành lập HTX nuôi ong rừng với 30 hộ tham gia. HTX còn được đầu tư tổ ong để xã viên nuôi ong theo đúng quy trình kỹ thuật; đầu tư máy móc hiện đại để nâng tầm chất lượng. Sản phẩm được đóng gói và dán tem mác trên quy mô lớn và buộc phải tuân thủ quy trình kiểm định nghiêm ngặt.
Sản phẩm của HTX sau khi vắt xong được đưa vào máy để hạ thủy phần, tách bớt lượng nước ra giúp cho mật đặc và có thể bảo quản được lâu hơn. Nhờ đó mà vừa qua, HTX đưa sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng và được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ðây là cơ hội lớn, không chỉ khẳng định chất lượng mà còn góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh và vươn xa hơn nữa ra thị trường các tỉnh khác trong cả nước. Sản lượng mật ong của HTX năm vừa rồi được khoảng 300 lít, hầu như sản xuất, đóng hộp xong đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Hiện nay, ngoài 30 hộ tham gia dự án, có khoảng 60 hộ - 70 hộ nữa cũng đang nuôi ong để cung cấp mật cho HTX Nuôi ong rừng Chà Nưa. Từ khi sản phẩm được chứng nhận OCOP, lượng hàng tiêu thụ cũng nhiều hơn nên thu nhập của những hộ dân này đều tăng lên.
Chị Thùng Thị Nết, bản Nà Sự, xã Chà Nưa - thành viên HTX cho biết: Trước đây nhà tôi cũng đã nuôi ong nhưng theo kỹ thuật thủ công. Năm qua phát triển sản phẩm OCOP theo định hướng của huyện, nhà tôi được hỗ trợ 11 tổ ong, cho thu hoạch từ 45 lít - 50 lít mật/năm. Với giá như hiện tại thì mỗi năm gia đình tôi có thêm khoảng hơn gần 20 triệu đồng từ việc nuôi ong.