dd/mm/yyyy

Vượt khó xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao

Quyết tâm xây dựng NTM nâng cao, xã Mường Bú (huyện Mường La, Sơn La) đã có diện mạo mới, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp và chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên.

Clip: Vượt khó xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao

Nhân dân chung tay góp phần xây dựng NTM

Chúng tôi có chuyến công tác về xã Mường Bú (huyện Mường La, tỉnh Sơn La). Các tuyến đường chính của xã, đường nội bản giờ đã được trải cấp phối phong quang, sạch đẹp. Những ngôi nhà xây, nhà mái ngói mọc lên san sát... Cảm nhận được sự đổi thay mạnh mẽ của mảnh đất nơi đây. Có được điều đó là nhờ cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình dự án giảm nghèo. Góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, diện mạo nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc.

Ông Lường Văn Tâm, bản Hua Bó, xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) chia sẻ: Người dân xã Mường Bú ai nấy đều phấn khởi khi xã đạt chuẩn xã NTM và bây giờ là xây dựng NTM nâng cao. Bản thân tôi sẽ luôn chấp hành và tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt các nội dung xây dựng xã NTM nâng cao, để Mường Bú ngày càng phát triển giàu đẹp hơn nữa.

Vượt khó xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao - Ảnh 2.

Đường giao thông nông thôn được xây dựng khang trang, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, phát triển sản xuất. Ảnh: Văn Ngọc

Xã Mường Bú không những tập trung phát triển hạ tầng nông thôn mà còn tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân ứng dụng vào sản xuất. Nhờ đó, nhiều vườn tạp đã được cải tạo, chiết ghép những cây ăn quả có giá trị cao, xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Vượt khó xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao - Ảnh 3.

Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo giúp gia đình ông Lò Văn Toán, bản Mường Bú, xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Lò Văn Toán, bản Mường Bú, xã Mường Bú, huyện Mường La cho biết: Nhận thấy tiềm năng đất đai rộng của gia đình có thể trồng cỏ phát triển chăn nuôi, cùng với số vốn được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Năm 2015, gia đình đã đầu tư xây dựng chuồng trại và mua bò giống về nuôi. Với kỹ thuật nuôi bò vỗ béo khoa học, đàn bò của gia đình lớn nhanh, bán được giá, có con bán với giá trên 30 triệu đồng.

"Một năm, gia đình tôi bán bò thành 2 đợt, mỗi đợt bán từ 6-7 con bò đã vỗ béo, bình quân mỗi con bán được từ 20- 30 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi hơn 150 triệu đồng", ông Toán nói.

Vượt khó xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao - Ảnh 4.

Các hộ dân ở xã Mường Bú đã chuyển đổi những mảnh đất đồi trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng giống cỏ voi, VA06 để làm thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Văn Ngọc

NTM không có điểm kết thúc

Trao đổi với phóng viên, ông Cà Văn Dọn, Chủ tịch UBND xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) cho biết: Xác định rõ, trong xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, với phương châm "dân làm, Nhà nước hỗ trợ". Cấp ủy, chính quyền xã đã thống kê, rà soát các danh mục cơ sở hạ tầng cần đầu tư nâng cấp để có giải pháp phù hợp với điều kiện, đặc thù của xã, theo phương châm "dễ làm trước, khó làm sau"; huy động, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và các chính sách của Nhà nước, các tổ chức tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, như: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; chương trình giảm nghèo, hỗ trợ làm nhà ở, vay vốn lãi suất thấp.... Trong quá trình triển khai, xã đã làm tốt việc công khai minh bạch các nguồn kinh phí, tổ chức cho nhân dân tham gia giám sát, tạo sự đồng thuận trong xây dựng NTM.

Vượt khó xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao - Ảnh 5.

Ông Lèo Văn Ky, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nang Phai cùng với đảng viên Đèo Văn Thưởng đi vận động người dân vệ sinh đường giao thông nông thôn. Ảnh: Văn Ngọc

Để tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, hiểu sâu hơn về chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, như: Lồng ghép vào các hội nghị của xã, họp bản, tiểu khu, sinh hoạt chi bộ; phát tài liệu, treo băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, đến từng hộ gia đình để vận động... Triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" gắn với cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch".

Vượt khó xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao - Ảnh 6.

Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã Mường Bú vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ảnh: Văn Ngọc

Nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã đã vận động người dân chuyển đổi từ nương ngô, sắn sang trồng được gần 1.200 ha cây ăn quả các loại. Các hộ dân chú trọng liên kết xây dựng HTX để phát triển bền vững, hiện toàn xã có 8 HTX trồng cây ăn quả. Trên địa bàn xã còn có 4 doanh nghiệp xây dựng, 330 hộ sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương, đời sống người dân ngày càng được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 38 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,5%.

Đàn gia súc, gia cầm được duy trì với tốc độ tăng trưởng khá, với hơn 3.500 con trâu, bò; hơn 1.700 con dê; hơn 7.400 con lợn và 75.000 con gia cầm các loại; trồng hơn 52 ha cỏ voi VA06 làm nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Nhờ vậy, trên địa bàn xã hiện có 462 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 1 hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh, 6 hộ đạt danh hiệu cấp huyện và 455 hộ đạt danh hiệu cấp xã.

"Với những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, tin rằng xã Mường Bú sẽ đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, góp phần làm cho đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, văn minh", ông Dọn nói.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh