Được nuôi thả tự nhiên giữa môi trường núi rừng, vịt cổ xanh Mường Lạn không chỉ đem đến giá trị về mặt ẩm thực mà còn chứa đựng tiềm năng kinh tế to lớn cho người dân địa phương. Hiện tại, huyện Mường Ảng đang nỗ lực xây dựng và phát triển sản phẩm vịt cổ xanh theo hướng OCOP, với kỳ vọng biến nó thành một sản phẩm thương hiệu mạnh, góp phần cải thiện kinh tế và đời sống người dân.
Điểm nổi bật của giống vịt cổ xanh nằm ở giống vịt bản địa, phần cổ màu xanh lá đặc trưng, thân hình săn chắc và sức đề kháng cao, giúp chúng thích nghi tốt với khí hậu miền núi. Với phương pháp chăn thả tự nhiên trên những dòng suối, ao nhỏ và các ruộng lúa của bà con ở Mường Lạn khiến chất lượng thịt vịt thơm ngon, có độ ngọt và dai vừa phải, ít béo hơn các loại vịt khác. Khác với các giống vịt khác, vịt cổ xanh chủ yếu được nuôi theo phương pháp chăn thả, nhờ đó chất lượng thịt thơm ngon tự nhiên, không lẫn với các loại vịt nuôi công nghiệp. Thực khách ưa chuộng vịt cổ xanh Mường Lạn vì thịt của chúng không chỉ ngon mà còn mang đậm vị tự nhiên, hấp dẫn đối với cả khách du lịch và các nhà hàng ở khu vực Tây Bắc.
Chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Tiến Thặng, Chủ tịch UBND xã Mường Lạn cho biết: "Trong những năm gần đây, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được triển khai mạnh mẽ tại huyện Mường Ảng. Với chất lượng độc đáo và tính đặc sản, vịt cổ xanh Mường Lạn là một ứng viên sáng giá để tham gia chương trình này. Hiện nay, huyện đã đưa ra kế hoạch hỗ trợ người chăn nuôi trong việc đăng ký nhãn hiệu, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ. Nếu được công nhận là sản phẩm OCOP, vịt cổ xanh sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, không chỉ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu".
Để nâng cao giá trị kinh tế của vịt cổ xanh Mường Lạn, đầu năm 2024, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ giống nông nghiệp huyện triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng chăn nuôi vịt biển thương phẩm trên địa bàn xã Mường Lạn thuộc tiểu dự án 2,3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023. Theo đó 30 hộ dân thực hiện dự án được hỗ trợ 95% về con giống, thức ăn, thuốc thú y và được tập huấn các kiến thức về chăn nuôi, phát triển vịt. Tổng chi phí do Nhà nước hỗ trợ 95% là trên 331 triệu đồng, người dân đóng ghóp 5% tiền mua thức ăn giai đoạn 2 là gần 19 triệu đồng. Sau 4 tháng thực hiện dự án, 3.000 con vịt đã được người dân chăm sóc đạt kết quả cao, trong đó tỷ lệ sống đạt gần 93%; cân nặng đạt trên 2kg/con.
Qua đánh giá tiến độ thực hiện theo kế hoạch, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của dự án đạt vượt mức kế hoạch đề ra. Đáp ứng theo yêu cầu quy định về định mức kinh tế kỹ thuật. Đánh giá về hiệu quả của dự án, ông Lù Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: "Dự án đã mang lại hiệu quả về kinh tế, bước đầu nâng cao thu nhập cho các hộ tham gia dự án. Đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân tiến hành nhân rộng mô hình nuôi vịt biển thương phẩm hướng tới đưa sản phẩm vịt cổ xanh Mường Lạn trở thành sản phẩm OCOP của xã, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân giúp người dân trên địa bàn vươn lên làm giàu chính đáng".
Theo đánh giá của lãnh đạo UBND xã Mường Lạn sự phát triển của mô hình chăn nuôi vịt cổ xanh theo hướng OCOP không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm mà còn cải thiện đời sống của người dân địa phương. Huyện Mường Ảng đã và đang hỗ trợ các hộ chăn nuôi tiếp cận các kỹ thuật nuôi hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng vịt để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường. Bà con chăn nuôi sẽ được hướng dẫn cách quản lý đàn vịt hiệu quả hơn, đảm bảo cung cấp sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Việc đưa vịt cổ xanh xã Mường Lạn vào danh mục sản phẩm OCOP sẽ là một bước tiến quan trọng, mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi vịt của huyện Mường Ảng. Đây không chỉ là niềm tự hào về một sản vật đặc trưng mà còn là cơ hội nâng cao thương hiệu nông sản địa phương, góp phần cải thiện đời sống và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.