dd/mm/yyyy

Vì sao trái cây Trung Quốc hiện diện nhiều tại Việt Nam?

Mẫu mã đẹp, sản phẩm chất lượng, giá hợp lý… trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc được tiêu thụ ngày càng nhiều ở Việt Nam.

Việt Nam chi 1,1 tỷ USD nhập khẩu rau quả

Số liệu thống kê cho thấy, 7 tháng năm 2022, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 1,92 tỷ USD, giảm 16,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc đứng vị trí số 1 về thị trường nhập khẩu rau quả Việt Nam 6 tháng đầu năm nay, với 47,6% thị phần. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này lại giảm 34% so với cùng kỳ, chỉ đạt 799,7 triệu USD.

Vì sao trái cây Trung Quốc hiện diện nhiều tại Việt Nam?  - Ảnh 1.

Người tiêu dùng mua trái cây tại chợ đầu mối phía Nam, Hà Nội (ảnh minh hoạ)

Trong khi đó, chiều ngược lại, tính đến hết tháng 7 năm nay, Việt Nam chi tới 1,1 tỷ USD nhập khẩu rau quả, tăng 27,3% so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia là ba thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam trong nửa đầu năm 2022, lần lượt chiếm tỷ trọng 35,6%, 16,4% và 9,3%.

Tại thị trường trong nước, hiện đang là cao điểm mùa trái cây. Tuy nhiên, trái cây mùa hè như măng cụt, sầu riêng, mít, vải, bơ... đồng loạt giảm giá 10-15% so với cùng kỳ 2021. Nguyên nhân theo các thương lái là nguồn cung dồi dào, trong khi xuất khẩu giảm mạnh. Ngoài ra, việc trái cây nhập khẩu được bán phong phú, giá cả không đắt hơn nhiều so với hàng trong nước, hình thức lại bắt mắt nên chuyện thu hút người tiêu dùng cũng là dễ hiểu.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, thuế nhập khẩu nhiều loại trái cây về mức rất thấp, thậm chí 0% nên hàng về nhiều, giá ngày càng rẻ. Cùng với đó là chất lượng tốt, chủng loại đa dạng, lạ mắt… nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây cũng là lý do ở các thành phố lớn, trái cây ngoại chiếm thị phần áp đảo, bày bán ngày càng nhiều ở siêu thị và chợ.

Đáng chú ý, không còn 'núp bóng' hàng Việt Nam hay 'khoác mác' hàng Hoa Kỳ, Australia,... như trước. Nhiều loại trái cây Trung Quốc như đào, mận, dưa lưới, lựu, táo, nho,... được các xe tải lớn nhỏ ùn ùn chở về các chợ đầu mối ở Hà Nội. Ở các chợ đầu mối online, hoạt động mua bán trái cây Trung Quốc diễn ra càng nhộn nhịp hơn. Chủ hàng sau khi công khai thừa nhận nguồn gốc xuất xứ còn giới thiệu tường tận tới cả vùng trồng cũng như chất lượng sản phẩm của nước bạn. Theo thống kê, tính đến hết tháng 7/2022, giá trị nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc lên tới gần 400 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về việc này, theo ông Đặng Phúc Nguyên, trái cây Trung Quốc nhiều năm trước về Việt Nam đa phần đều xuất hiện với hình ảnh hàng đại trà và giá rất rẻ. Cùng với đó, nhiều lần cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện nhiều loại rau củ và trái cây Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ vượt ngưỡng cho phép. Vậy nên, người tiêu dùng Việt có tâm lý e ngại, không thích hàng Trung Quốc. Do vậy, một thời, rất nhiều loại quả Trung Quốc 'đội lốt' hàng ngoại nhập 'xịn'.

Vài năm trở lại đây, Trung Quốc bắt đầu nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các loại hàng hoá, nông dân của quốc gia này buộc phải thay đổi thói quen sản xuất, làm hàng chất lượng tốt hơn để đáp ứng tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh đó, họ chú trọng hơn vào dòng sản phẩm chất lượng cao để phục vụ phân khúc khách hàng cao cấp. Nhờ vậy, hình ảnh trái cây Trung Quốc trong mắt người tiêu dùng cũng tốt dần lên.

Doanh nghiệp Việt cần chú trọng thị trường nội địa

Theo các chuyên gia, hiện nay, những sản phẩm trái cây của Thái Lan xuất khẩu qua Việt Nam hay nhiều quốc gia khác đều có giấy chứng nhận đảm bảo, chất lượng với người tiêu dùng. Trong khi ở Việt Nam, trái cây trong nước được quảng cáo sản phẩm có chất lượng tốt nhưng thiếu chứng nhận. Nhiều đơn vị hiện chỉ chú trọng thị trường nước ngoài, đáp ứng đầy đủ yêu cầu chất lượng của nhà nhập khẩu và ít chú trọng nhu cầu từ thị trường trong nước.

Vì sao trái cây Trung Quốc hiện diện nhiều tại Việt Nam?  - Ảnh 2.

Đang vào mùa cao điểm trái cây mùa hè, nhiều loại được các tiểu thương bán khá rẻ, cam 25.000 đồng/kg. nhãn 20.000 - 25.000 đồng/kh (ảnh Nguyễn Hạnh)

Phải thừa nhận rằng, khi hội nhập quốc tế, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, hàng ngoại tràn vào Việt Nam là tất yếu. Thế nhưng, việc rau quả nhập khẩu tăng liên tục những năm gần đây, dần chiếm lĩnh thị trường là cảnh báo với hoa quả Việt - vốn có thế mạnh về trái cây nhiệt đới. Nếu vẫn giữ cách làm manh mún, không thay đổi chất lượng sản phẩm, không chăm chút thị trường nội địa thì chúng ta sẽ mất luôn 'sân nhà'.

Việt Nam là thị trường đáng để quan tâm, đầu tư và sinh lời với gần 100 triệu dân. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T (Vina T&T Group) – đặt vấn đề, các sản phẩm trái cây nhiệt đới như xoài, sầu riêng, nhãn... có nguồn cung tốt, bảo đảm được đúng chuẩn xuất khẩu thì tại sao lại nhường quá nhiều sân cho hàng ngoại?

Sau gần 10 năm trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản và trái cây sang các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Australia, Canada... Vina T&T Group quyết định về chinh phục thị trường nội địa. Những kế hoạch trong việc mở cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm tại miền Nam và miền Bắc cũng đã được doanh nghiệp này lên kế hoạch.

Cũng theo ông Tùng, với lợi thế hiểu thị trường, hiểu văn hóa tiêu dùng của người Việt hơn nên có nhiều cơ hội để cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài. Hơn nữa, 85% người Việt vẫn lựa chọn kênh phân phối truyền thống, trong khi các nhà phân phối nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu là phát triển kênh phân phối hiện đại. Đây là cơ hội để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường. “Trái cây chúng tôi xuất khẩu hàng đi Hoa Kỳ, Australia như thế nào thì sản phẩm cung cấp cho thị trường nội địa như vậy, hoàn toàn không có sự khác biệt về chất lượng, mẫu mã, bao bì với giá cả rất cạnh tranh để nhiều người có thể mua được”, ông Nguyễn Đình Tùng nói.


Nguyễn Hạnh