dd/mm/yyyy

An Giang: Ăn trái cây ở vùng đất này đã ngon, ngọt lại sạch khác hẳn so với những nơi khác

Mặc dù có màu sắc và kích cỡ không bắt mắt nhưng với sự ưu đãi của khí hậu, thổ nhưỡng nên trái cây ở vùng núi (huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, An Giang) có vị ngon, ngọt tự nhiên đặc trưng.

Cây ăn trái được trồng ở vùng núi (huyện Tri Tôn, Tịnh Biên) khi so sánh sẽ khác so với các loại cây trái ở khu vực đồng bằng về hình dáng, năng suất… Mặc dù có màu sắc và kích cỡ không bắt mắt nhưng với sự ưu đãi của khí hậu, thổ nhưỡng nên trái cây ở vùng núi có vị ngon, ngọt tự nhiên đặc trưng. Điểm nhấn nổi bật là sản phẩm sạch, do nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm bón nên giữ được hương vị tự nhiên vốn có.

Sầu riêng xứ núi

Những năm gần đây, nhiều nông dân 2 ở huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ làm rẫy sang canh tác vườn cây ăn trái. Một trong những loại cây ăn trái có giá trị kinh tế, đầu ra ổn định và được nông dân ưu tiên lựa chọn đó là cây sầu riêng.

Chúng tôi tìm đến vườn trái cây của ông Đào Văn Đua (Hai Đua) nằm trên triền núi Dài (thuộc ấp An Thạnh, xã Lê Trì, huyện Tri Tôn). Ông Đua cho biết: “Vợ chồng sinh sống trên núi Dài hơn 10 năm, ban đầu chủ yếu làm rẫy, như: trồng su su, đậu đũa, cải... Sau đó được Hội Nông dân huyện, xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi mô hình canh tác nên mạnh dạn thử nghiệm các loại cây trồng khác, trong đó có sầu riêng. Để trồng và phát triển cây sầu riêng ở vùng đất núi này là thử thách rất lớn đối với người nông dân do thiếu nước tưới, nhất là vào mùa khô. Tuy nhiên bù lại, với khí hậu, thổ nhưỡng của địa hình núi cao giúp cây sinh trưởng tốt, cho trái chất lượng”.

An Giang: Ăn trái cây ở vùng đất này đã ngon, ngọt lại sạch khác hẳn so với những nơi khác - Ảnh 1.

Anh Phước tuyển chọn từng trái mãng cầu ta

Nhìn những “múi” sầu riêng vàng óng, thơm ngào ngạt, chúng tôi cảm nhận được công sức, cũng như những giọt mồ hôi vất vả của những người nông dân xứ núi chăm bón để có được những loại trái cây thơm ngon nức tiếng vùng cao. Ông Hai Đua cho biết, trái sầu riêng xứ núi hầu như không sử dụng phân bón, thuốc hóa học để kích thích hay bảo vệ mà chỉ chọn trái đều để phát triển tự nhiên cho đến khi trái già, tự rụng. Ngoài ra, muốn sầu riêng ngon không để trọng lượng vượt quá 4kg/trái… Mỗi vụ mùa kéo dài 6 tháng, với hơn 100 gốc sầu riêng, ông Hai Đua thu hoạch hơn 1,5 tấn trái, bán với giá 80.000 đồng/kg, được đông đảo người dân trong và ngoài địa phương tìm đến tận vườn để thu mua.

Mãng cầu ta “sạch”

Anh Nguyễn Hữu Phước (nông dân sinh sống ở núi Dài, thuộc ấp Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) đang canh tác vườn cây ăn trái. Sau nhiều năm trồng rẫy, thu nhập không đảm bảo cuộc sống, anh trăn trở tìm hướng đi mới, thay đổi giống cây trồng phù hợp với vùng đất núi. Sau thời gian tìm hiểu, anh Phước chọn trồng cây mãng cầu ta, vì cây mãng cầu không cần nhiều nước tưới, rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng cao.

Anh Phước chia sẻ: “Do địa hình núi, nguồn nước khan hiếm, ngoài cây xoài, cây mãng cầu ta thích hợp để trồng ở vùng đất này nhất. Loài cây này dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư không nhiều so cây trồng khác. Khi cây đã phát triển có thể sinh trưởng tốt trong mùa khô hạn”. Để đảm bảo nguồn cây giống chất lượng, anh Phước chọn mua loại mãng cầu trái to rồi lấy hạt gieo trong bầu đất cho đến khi cây lên cao khoảng 4-5cm trồng xuống đất. Theo anh Phước, nếu gieo hạt mãng cầu thẳng xuống đất ngay từ đầu thì tỷ lệ nẩy mầm rất thấp do bị côn trùng làm hư hạt.

An Giang: Ăn trái cây ở vùng đất này đã ngon, ngọt lại sạch khác hẳn so với những nơi khác - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Hữu Phước chia sẻ: “Muốn trái mãng cầu ta có chất lượng thơm ngon, tạo uy tín cho người trồng, các chủ vườn không chạy theo lợi nhuận. Để trái mãng cầu ta được sạch, ngon, tránh khỏi bị côn trùng cắn phá hư hại, làm mất đi giá trị sản phẩm… từ khi trái phát triển được vài tuần thì sử dụng bao bằng vải để bảo vệ trái cho đến khi thu hoạch. Khi vào vụ, có nhiều khách ở thành thị tìm đến thăm vườn và thưởng thức những trái vừa chín còn trên cây”. Một trong những điểm nhấn của trái mãng cầu ta ở vùng đất núi Dài đó là trái cây sạch, do người nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để kích thích tăng trưởng, dùng các phương pháp thủ công để bảo vệ khi trái bắt đầu phát triển. Hiện nay, ngoài cây mãng cầu ta đang được trồng, anh Phước còn phát triển thêm cây mãng cầu giống Thái Lan.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn Trần Văn Mì cho biết: “Do điều kiện thổ nhưỡng ưu đãi nên trái cây khu vực núi Dài, như: bơ, sầu riêng, cam, mãng cầu… được nhiều người dân ưa thích, tìm đặt hàng mỗi mùa vụ. Qua đó, xác định được thế mạnh của một số loại cây ăn trái, nên thời gian tới, tận dụng hệ thống thủy lợi vùng cao (hồ chứa nước) địa phương tích cực hỗ trợ nông dân có điều kiện vay vốn mua cây giống mới thay thế một số loại cây trồng kém hiệu quả nhằm tạo nguồn thu nhập, giúp nông dân cải thiện đời sống. Hội Nông dân huyện Tri Tôn tiếp tục vận động nông dân thành lập các tổ hội nghề nghiệp để có điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất… Từ đó, hướng tới xây dựng thương hiệu cho nông sản sạch, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), dần hướng đến chứng nhận hữu cơ”.

Nguyễn Hưng