dd/mm/yyyy

Vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, một bác sỹ bị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phạt 35 triệu đồng

Mới đây, một lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một bác sĩ điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn vượt mức 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Mạng xã hội Facebook đang lan truyền hình ảnh 2 văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ký xử phạt lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn. Cộng đồng mạngtò mò về tính xác thực của văn bản này, đồng thời thắc mắc việc UBND tỉnh có được phép ra quyết định xử phạt đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn.

Vi phạm nồng độ cồn một lái xe bị Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phạt 35 triệu đồng - Ảnh 1.

Quyết định xử phạt hành chính đối với lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn.

Văn bản đăng tải trên mạng xã hội cho thấy đây là quyết định số 04 do ông Nguyễn Khắc Thận- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ký ngày 10/1, xử phạt ông Trần Văn Khương (SN 1983) hiện đang là Phó giám đốc Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh Thái Bình.

Ông Khương điều khiển xe ô tô 17A -15145 trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Theo đó, ông Khương bị xử phạt mức phạt 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ ô tô 7 ngày theo quy định. Việc ra quyết định xử phạt ông K. căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính số 0004709 ngày 7/1/2020 của Phòng CSGT công an tỉnh; Căn cứ điều 63, điều 68 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012; Căn cứ Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Xét đề nghị của Công an tỉnh tại tờ trình số 51 ngày 9/1/2020.

Xác nhận với PV, ông Nguyễn Khắc Thận- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình xác nhận văn bản trên là chính xác và do chính ông ký quyết định xử phạt hành chính đối với người vi phạm là ông Trần Văn Khương.

Theo luật sư Trần Tuấn Anh- Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết thêm, theo quy định pháp luật thì Phó Chủ tịch tỉnh là người giúp việc cho Chủ tịch tỉnh và thực hiện các công việc khác do Chủ tịch tỉnh ủy quyền, trong đó bao gồm cả việc ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy, trong trường hợp nêu trên, Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình ký thay Chủ tịch tỉnh trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính là phù hợp với quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền.

Theo khoản 3, điều 75 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 75.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt.

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị.

Thành Nam