dd/mm/yyyy

Ùn ứ nông sản tại cửa khẩu: Đừng đổ tại người

Những ngày qua, cùng trên con đường đưa nông sản sang Trung Quốc xuất hiện hai hình ảnh trái chiều, một là từng đoàn dài container nhích từng mét đợi được thông quan, một là hình ảnh tưng bừng công bố một doanh nghiệp sữa Việt được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư đã ký giữa hai nước.

Thực tế này cho thấy, nếu không chủ động gỡ khó, đáp ứng đúng yêu cầu thì rất có thể hình ảnh những đoàn xe ùn ứ nơi cửa khẩu sẽ còn lặp lại.

Đến hẹn lại… ùn ứ

Thực tế, hiện tượng những đoàn xe container ùn ứ ở các cửa khẩu trên hành trình đợi thông quan xuất hàng nông sản sang Trung Quốc không còn hiếm gặp. Theo ông Hoàng Khánh Duy - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, 9 tháng năm 2019, thông qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam xuất khẩu gần 2 triệu tấn nông sản sang thị trường Trung Quốc, chủ yếu là các loại trái cây đã nằm trong danh mục được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: thanh long, dưa hấu, xoài, mít, nhãn, chuối quả tươi... Trong quý III/2019, lượng hàng hoá nông sản, trái cây xuất khẩu giảm nhiều so với cùng kỳ, số lượng phương tiện chở hàng xuất nhập khẩu thông quan trung bình khoảng 80-150 xe/ngày.

Ùn ứ nông sản tại cửa khẩu: Đừng đổ tại người - Ảnh 1.

Tuy nhiên, do các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang,… đang vào vụ thu hoạch chính thanh long nên từ ngày 15/10/2019 đến nay, lượng hàng hoá dồn về cửa khẩu Tân Thanh tăng đột biến, khoảng 250 xe/ngày, trong khi đó, từ ngày 12/10 lực lượng Hải quan Trung Quốc bắt đầu áp dụng hệ thống kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình hàng hóa nhập khẩu.

Điều đáng nói là, những thay đổi trong chính sách kiểm soát nhập khẩu đã được phía Trung Quốc thông báo từ trước. Ví dụ, từ cuối tháng 8/2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có Thông báo số 70/2019 về quy định quản lý, giám sát việc ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói sẵn xuất nhập khẩu của Trung Quốc, thời gian bắt đầu áp dụng từ ngày 1/10/2019 nhưng dường như các doanh nghiệp Việt Nam còn đang lúng túng trong việc bắt kịp được những yêu cầu này.

Nhiều thương nhân, hộ kinh doanh ở Lạng Sơn cho biết, họ đang gặp khó khăn về các quy định liên quan đến đóng hộp, bảo quản hàng hóa theo tiêu chuẩn mới của phía Trung Quốc. Đến mùa dưa hấu, việc kiểm soát sẽ chặt hơn do phía Trung Quốc đòi hỏi những quy định mới về đóng gói như dưa phải đóng hộp, có truy xuất tem mác, không cho rơm vào thùng,… Theo nhiều thương nhân, việc này sẽ gây khó khăn trong quá trình vận chuyển dưa vì hiện nay vẫn chưa tìm ra loại vật liệu thay thế rơm.

Ùn ứ nông sản tại cửa khẩu: Đừng đổ tại người - Ảnh 2.

Nhưng phía Hải quan Trung Quốc thì không chờ chúng ta thay đổi, họ đã áp dụng những quy định kiểm soát, truy xuất nguồn gốc ngày càng khắt khe theo tiêu chuẩn của những thị trường khó tính để đảm bảo sản phẩm phải an toàn. Đại diện Chi cục Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn) cũng thừa nhận, việc kiểm soát hàng nông sản đang được thực hiện rất chặt chẽ. Phía Hải quan Trung Quốc yêu cầu chủ xe mở container, cabin, nếu phát hiện các loại rau củ khác trên xe là yêu cầu bỏ đi ngay vì đó là hàng chưa qua kiểm dịch.

Để chấm dứt tình trạng ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các tỉnh, thành phố có nông sản xuất khẩu, các hiệp hội ngành hàng cần phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền cho các hộ nông dân, doanh nghiệp về cách phân loại, đóng gói, bảo quản, bao bì nhãn mác phù hợp với yêu cầu của phía đối tác ngay tại nơi sản xuất để quá trình giao nhận thực hiện nhanh chóng; đồng thời hướng dẫn, triển khai tốt công tác truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng.

Chủ động gỡ khó sẽ thành công

Cùng tìm đường xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng bài học về sự chủ động đáp ứng yêu cầu của thị trường của các doanh nghiệp sữa Việt cho thấy, nếu bản thân mỗi thương nhân, hộ kinh doanh không tự thay đổi, tuân thủ đúng quy định thì con đường xuất khẩu có thể đóng lại bất cứ lúc nào.

Mọi người có thể thấy hành trình 6 tháng kể từ khi Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được ký kết (tháng 4/2019) cho đến khi công bố lô sữa đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc (tháng 10/2019) là quá ngắn nhưng trước đó lại là sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng của cơ quan chức năng và doanh nghiệp.

Theo đó, quá trình chuẩn bị cho việc xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa từ Việt Nam sang Trung Quốc được khởi động từ năm 2013. Cụ thể, từ năm 2013 đến 2018, Bộ NNPTNT đã tích cực phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Bộ Công Thương tổ chức đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc xuất khẩu sản phẩm sữa từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Và để đáp ứng được các yêu cầu trong Nghị định thư, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) phải chịu trách nhiệm tổ chức giám sát dịch bệnh tại các trang trại bò sữa xuất khẩu và các vùng xung quanh để bảo đảm đàn bò cung cấp sữa nguyên liệu sản xuất các sản phẩm sữa xuất khẩu sang Trung Quốc không bị nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh lở mồm long móng; không có dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhiệt thán; không bị nhiễm bệnh lao bò; không có bệnh khác theo quy định của OIE và quy định về thú y của Việt Nam; không cho ăn thức ăn có bổ sung chất cấm theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc. Những yêu cầu về giám sát chất tồn dư độc hại trong sữa nguyên liệu, sản phẩm sữa xuất khẩu sang Trung Quốc; quy cách đóng gói cũng được quy định cực kỳ cụ thể. Nếu phát hiện vi phạm, sẽ thông báo ngay cho Hải quan Trung Quốc và tạm ngừng xuất khẩu sản phẩm sữa của cơ sở sản xuất vi phạm.

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), hiện nay, 100% các trang trại chăn nuôi bò sữa của các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc đều được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, lấy mẫu giám sát các bệnh theo quy định tại Nghị định thư, quy định của OIE và của Việt Nam. Sự chuẩn bị tích cực, chu đáo đó ngay lập tức đã cho kết quả. Ngày 16/10/2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có Thông báo số 156/2019 chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm sữa từ Việt Nam, theo đó Công ty Cổ phần sữa TH là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đủ điều kiện được TCHQ Trung Quốc cấp mã số để xuất khẩu 02 nhóm sản phẩm sữa (gồm có: sữa tiệt trùng và sữa bổ sung hương liệu tự nhiên - Sterilized milk và Modified milk) sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư.

Năm 2018, xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Trung Quốc đạt 8,65 tỷ USD, giảm 4,26% so với năm 2017. Tính đến hết tháng 7 năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,64 tỷ USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Bài, ảnh: Anh Thơ