Tuyên Quang phát huy sức trẻ là "cầu nối số", hỗ trợ người dân tại cơ sở khi chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động

Mùa Xuân

10/07/2025 20:39 GMT +7

Đi từng ngõ, gõ từng nhà dân, giúp bà con khai báo thủ tục hành chính; từ "cắm bản" tuyên truyền đến đứng trực tiếp tại các điểm tiếp dân… các đoàn viên, thanh niên tỉnh Tuyên Quang đang trở thành cầu nối quan trọng, đưa công nghệ số len lỏi vào từng nếp nhà trong bối cảnh các đơn vị hành chính 2 cấp mới đi vào hoạt động.

Cán bộ Đoàn xã Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ người dân về thủ tục hành chính khi chính quyền mới 2 cấp đi vào hoạt động. Ảnh: Mùa Xuân.

Những chuyến đi của tuổi trẻ

Giữa buổi chiều hè nắng oi ả, chúng tôi theo chân chị Hoàng Thị Thùy, chuyên viên Đoàn xã Lực Hành (Tuyên Quang), cùng Bí thư Chi đoàn thôn 2 Nguyễn Kim Hậu, ghé vào căn nhà của anh Nguyễn Duy Kính (45 tuổi), thôn 2, xã Lực Hành, tỉnh Tuyên Quang.

Trong căn nhà xây bằng bê tông thô, tường còn chưa sơn, anh Kính cho chúng tôi biết, năm 2018, mẹ con anh được hỗ trợ 50 triệu đồng theo chính sách hộ nghèo để dựng nhà. Gom góp thêm tiền vay mượn, mẹ con anh Kính làm được căn nhà nhỏ hai phòng. Hai tuần trước, mẹ anh mất vì tuổi già, bệnh nặng.

Đoàn viên, thanh niên xã Lực Hành, tỉnh Tuyên Quang giúp anh Nguyễn Duy Kính tiếp cận dịch vụ công qua điện thoại thông minh. Ảnh: Mùa Xuân.

Anh Kính kể: “Nhà có hai phòng mà chỉ còn mình tôi ở. Bố tôi từng là lính, bị phơi nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh nên di chứng truyền sang tôi.

Càng lớn, chân phải tôi càng yếu, bước đi khập khiễng. Mặc cảm, tôi vẫn ở vậy, sống cùng mẹ già dựa vào đồng áng bao năm qua để nương tựa vào nhau".

Theo anh Kính, sau đám tang mẹ, anh Kính nhờ anh trai chở đi làm giấy chứng tử, xin xác nhận nghỉ phép cho người cháu từ xa về chịu tang. Đoạn đường từ nhà ra trục chính gần chục cây số, đường bê tông cũ đã bong tróc, lở đất.

Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã Sơn Dương (mới), tỉnh Tuyên Quang đặt tại thôn An Kỳ, xã Sơn Dương. Ảnh: Mùa Xuân.

“Cả buổi sáng hôm đó mới làm xong. UBND xã Quý Quân (cũ) hẹn tôi quay lại hoàn tất thủ tục dừng trợ cấp cho mẹ và nộp hồ sơ mai táng phí. Giờ đang chuyển giao chức năng từ huyện về xã mới nên xã chưa thể hoàn thiện ngay”, anh Kính tâm sự.

Trước những khó khăn đó, chị Hoàng Thị Thùy, chuyên viên Đoàn xã Lực Hành đã đến gia đình anh Kính hỗ trợ anh làm thủ tục trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia qua chiếc điện thoại.

Với những thao tác như từ việc đăng nhập tài khoản VNeID đã được đoàn viên hỗ trợ lập từ trước, đến chụp ảnh giấy tờ, chuyển đổi định dạng PDF và tải lên hệ thống..., mọi thao tác được chị Thùy thực hiện cẩn thận.

Đồng thời, chi Thuỳ còn dặn dò anh Kính về mật khẩu, viết ra giấy để anh Kính cất, thuận tiện cho những lần giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia tiếp theo.

Đoàn viên, thanh niên xã Lực Hành, tỉnh Tuyên Quang giúp gia đình chị Nguyễn Thị Hà. Ảnh: Mùa Xuân.

Ngoài gia đình anh Kính, chị Thùy còn đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Hà (25 tuổi), cách UBND xã mới khoảng 6km. Chị Hà mở quán nước nhỏ ven đường, sống cùng chồng và con nhỏ. Gần tháng nay, quán đóng cửa. Chị Hà bị liệt dây thần kinh số 7, một bên mặt cười gượng gạo.

Chị Nguyễn Thị Hà chia sẻ: Đợt đi viện, đến lúc thanh toán mới biết tài khoản ngân hàng không dùng được vì căn cước đã hết hạn. Làm thủ tục trực tuyến thì VNeID không xác thực được vì mất hiệu lực. Tôi phải nhờ chồng mang tiền mặt xuống viện để thanh toán.

Đoàn viên, thanh niên xã chỉnh trang, dọn dẹp trụ sở UBND xã Lực Hành mới. Ảnh: Mùa Xuân.

Chị Hoàng Thị Thùy chuyên viên Đoàn xã Lực Hành, tỉnh Tuyên Quang bảo: Để giúp gia đình chị Hà, tôi đã liên hệ với Công an xã hỗ trợ chị Hà cập nhật lại dữ liệu định danh. Đồng thời, căn dặn khi nào có lịch cấp đổi, gia đình chỉ cần mang thẻ cũ đến Công an xã đổi là xong.

Xã Lực Hành mới được thành lập trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 3 xã gồm: Quý Quân, Lực Hành, Chiêu Yên (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cũ).

Những câu chuyện như của anh Kính, chị Hà không phải là hiếm tại xã Lực Hành mới – nơi sáp nhập từ ba xã Quý Quân, Chiêu Yên và Lực Hành (cũ). Từ điểm xa nhất đến trụ sở xã mới có thể mất gần một giờ di chuyển trên những con đường khó khăn. Tại đây, những chiếc áo xanh của đoàn viên, thanh niên luôn có mặt để hỗ trợ kịp thời người dân khi cần thiết.

Đoàn viên, thanh niên xã Sơn Dương hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã. Ảnh: Mùa Xuân.

Trung tá Trần Anh Dũng, Trưởng Công an xã Lực Hành, tỉnh Tuyên Quang nhận định: Đoàn viên, thanh niên tham gia trực tiếp tại các điểm tiếp dân, phối hợp trong tổ công tác Đề án 06, là thành viên các nhóm Zalo kết nối đến các thôn bản.

Mặc dù đây là một việc rất nhỏ với cán bộ chuyên môn, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn với người dân. Nếu đoàn viên trong thôn nắm được thông tin, biết kết nối, thì người dân sẽ không phải đi lại nhiều lần.

Không chỉ tuyên truyền, đoàn viên còn tham gia họp thôn, sinh hoạt chi đoàn, giúp người dân biết rõ cần làm gì, gặp ai, ở đâu. Trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, vai trò trung gian của lực lượng đoàn được xem là điểm tựa trong giai đoạn chuyển tiếp chính quyền mới 2 cấp ở Tuyên Quang đi vào hoạt động.

Phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên làm nòng cốt trong chuyển đổi số cơ sở

Tại thôn Măng Ngọt, xã Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, hình ảnh đoàn viên hỗ trợ người dân gặp khó khăn về thủ tục hành chính cũng trở nên quen thuộc khi chính quyền 2 cấp mới ở Tuyên Quang đi vào hoạt động.

Tiếp chúng tôi, ông Trần Văn Lâm (65 tuổi), thôn Măng Ngọt, xã Sơn Dương cố gắng nhấc đôi tay run bật ra rót chén trà mời khách. Thỉnh thoảng, ông lại thở dốc, ngắt quãng vì những cơn đau nhói như kiến cắn trong xương.

Năm 2015, ông Lâm đi viên khám được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh ngày một nặng, kèm theo đau thần kinh sau Zona ở tay trái và chân phải.

Để làm hồ sơ xin trợ cấp người khuyết tật, hai vợ chồng ông Lâm phải 3 lần đi từ xã xuống bệnh viện, rồi lên Sở của tỉnh Tuyên Quang hoàn tất các thủ tục. Có giấy tờ cần ký tay, bà Hanh (vợ ông Lâm) phải giữ chặt tay chồng để nét chữ khỏi run.

Khi chính quyền cơ sở mới đi vào hoạt động, bà Hanh tiếp tục xuống Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Sơn Dương nộp hồ sơ. Tuy nhiên, hệ thống số gặp lỗi nên đành quay về.

Phát huy sức trẻ của đoàn viên, thanh niên trong việc hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính khi chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động. Ảnh: Mùa Xuân.

“Mỗi lần ra khỏi nhà là tôi lo lắng. Hai vợ chồng tôi đang sống cùng người con trai hơn 40 tuổi, chậm chạp, không vợ con. Cả nhà chỉ trông vào tôi đi gặt, làm công nhật thuê kiếm sống”, bà Hoàng Thị Hanh tâm sự.

Hiểu được nỗi lo ấy, chị Lê Thị Thu, Bí thư Đoàn xã Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cùng anh Bùi Văn Huân, Bí thư Chi đoàn thôn Măng Ngọt đã đến tận nhà thăm hỏi. Sau khi trao đổi với bộ phận hành chính xã, chị Thu giúp ông Lâm hoàn tất hồ sơ trên giấy, hứa sẽ cập nhật lên hệ thống khi có thể.

Những ngày qua, tại nhiều xã, phường trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, lực lượng áo xanh đã có mặt tại trụ sở hành chính công để hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính.

Không chỉ tham gia hướng dẫn, hỗ trợ người dân tra cứu, kê khai hồ sơ trên hệ thống số, lực lượng Đoàn thanh niên tại cơ sở còn phối hợp cùng các lực lượng khác ổn định nơi làm việc mới.

Điển hình là đoàn viên, thanh niên đã hỗ trợ chính quyền cấp xã mới vận chuyển tài liệu, thiết bị, chỉnh trang cảnh quan, phát quang cây cỏ, trồng cây xanh... để tạo không gian làm việc sạch sẽ, khang trang, sẵn sàng đón tiếp người dân khi chính quyền 2 cấp ở Tuyên Quang đi vào hoạt động.

Đoàn viên, thanh niên hỗ trợ chính quyền xã vệ sinh khuôn viên trụ sở mới. Ảnh: Mùa Xuân.

Bà Dương Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Bí thư Tỉnh Đoàn Tuyên Quang cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tỉnh Đoàn Tuyên Quang đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn linh hoạt điều chỉnh nội dung, quy mô và thời gian triển khai "Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2025", phù hợp với tình hình sau sáp nhập.

Tỉnh Đoàn cũng yêu cầu thành lập Đội thanh niên tình nguyện tại 100% xã, phường để hỗ trợ vận hành chính quyền hai cấp. Tập trung vào các nhiệm vụ như tiếp công dân, hướng dẫn thủ tục hành chính, phân loại hồ sơ, hỗ trợ chuyển đổi số...

Đặc biệt, ưu tiên huy động đoàn viên có chuyên môn phù hợp, tránh làm hình thức. Các tổ chuyển đổi số cộng đồng, đội hình “Bình dân học vụ số” cũng được củng cố để hướng dẫn người dân thao tác dịch vụ công trực tuyến, phổ cập công cụ số và trí tuệ nhân tạo.

“Phổ cập số cho từng đoàn viên là then chốt. Mỗi người cần trở thành hạt nhân giúp gia đình, người thân, chi đoàn, thanh niên sớm thích ứng với chính quyền số” -Bà Dương Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Bí thư Tỉnh Đoàn Tuyên Quang nhấn mạnh.

Những câu chuyện thực tế trên cho thấy, với sự nhiệt huyết và tinh thần xung kích của đoàn viên, thanh niên đang thực sự là "cầu nối số" giúp đưa chính sách, công nghệ đến gần hơn với người dân, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng chính quyền số tại cơ sở.

Xã Sơn Dương mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Sơn Dương và các xã Hợp Thành, Phúc Ứng, Tú Thịnh thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (cũ). Trụ sở đặt tại UBND huyện Sơn Dương cũ.