dd/mm/yyyy

Tuần Giáo: Các giải pháp để có thêm nhiều sản phẩm OCOP

Triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến hết năm 2020 huyện Tuần Giáo (Điện Biên) có 1 sản phẩm đạt 3 sao được UBND tỉnh quyết định công nhận. Trong giai đoạn tới, UBND huyện Tuần Giáo sẽ chỉ đạo để các sản phẩm nông nghiệp của bà con được công nhận, có chỗ đứng trên thị trường.

Thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, huyện Tuần Giáo đã tập trung xây dựng, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gắn với đẩy mạnh phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn. Tuy nhiên, năm 2019 dù đã rất nỗ lực, quy hoạch các sản phẩm OCOP: Táo mèo khô, dưa mèo... (1 sản phẩm đề xuất đánh giá cấp tỉnh là cà phê bột Hồng Kỳ HK13) nhưng do các sản phẩm được sản xuất thủ công, chưa có bao bì, nhãn mác riêng, nhiều sản phẩm chưa có chỉ dẫn địa lý, chưa xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng; một số nguồn nguyên liệu chưa ổn định nên huyện Tuần Giáo không có sản phẩm nào được công nhận sản phẩm OCOP.

Tuần Giáo: Để sản phẩm OCOP đem lại nguồn thu nhập cao - Ảnh 1.

Với rất nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, nhưng đến nay huyện Tuần Giáo mới chỉ có 1 sản phẩm của Công ty Cổ phần Cà phê Hồng Kỳ Quốc Tế được công nhận là sản phẩm OCOP.

Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song bước vào năm 2020 với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huyện Tuần Giáo đã chú trọng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhằm thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh vào huyện nhằm góp phần xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết sản phẩm đặc trưng. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo tính bền vững, góp phần xây dựng sản phẩm OCOP. Ðến nay, huyện Tuần Giáo có 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh là Cà phê bột Hồng Kỳ HK13 (xếp hạng 3 sao) của Công ty Cổ phần Cà phê Hồng Kỳ Quốc Tế.

Ông Nguyễn Quốc Tế, Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Hồng Kỳ Quốc Tế chia sẻ: Xác định sau khi được gắn sao OCOP thì phải tính toán đến việc tìm thị trường tiêu thụ ổn định. Vì thế, thời gian qua ngoài giới thiệu quảng bá sản phẩm qua zalo, facebook... Công ty đã trực tiếp đưa sản phẩm đi quảng bá, giới thiệu ở các gian hàng, hội chợ ở các tỉnh miền xuôi (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ...). Ðặc biệt, hiện nay Công ty đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ để đưa sản phẩm vào hệ thống Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Hapro (Riêng năm 2020, Công ty đã tiêu thụ được hơn 10 tấn cá phê bột, trung bình mỗi tháng hơn 1 tấn).

Tuần Giáo: Để sản phẩm OCOP đem lại nguồn thu nhập cao - Ảnh 2.

Táo mèo, một loại đặc sản, được trồng rất nhiều tại huyện Tuần Giáo, nhưng đến nay, các sản phẩm từ Táo mèo vẫn chưa được công nhận sản phẩm OCOP.

Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Ðể chương trình OCOP đạt hiệu quả, tạo sự thu hút và lan tỏa, huyện Tuần Giáo tăng cường việc điều tra, khuyến khích, đăng ký ý tưởng sản phẩm, triển khai phương án kinh doanh, coi đó là giải pháp đột phá, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; giúp người dân nâng tầm giá trị hàng hóa nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

 Ðồng thời, chỉ đạo các xã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương xây dựng sản phẩm đảm bảo các tiêu chí về nguồn gốc, đặc trưng và tính bền vững. Tăng cường tập huấn, tư vấn, hướng dẫn xây dựng sản phẩm OCOP theo đúng quy định; đẩy nhanh tiến độ xây dựng tem, nhãn mác sản phẩm, bảo đảm sản phẩm đưa ra thị trường có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng... 

Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ các sản phẩm OCOP tham gia xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thị trường để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa sản phẩm OCOP đã được công nhận để nâng cấp sản phẩm đạt thứ hạng cao hơn.

Tuần Giáo: Để sản phẩm OCOP đem lại nguồn thu nhập cao - Ảnh 3.

Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng do mẫu mã, bao bì đóng gói chưa đạt tiêu chuẩn. Vì thế các sản phẩm từ táo mèo vẫn chưa được công nhận là sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, những năm tiếp theo huyện Tuần Giáo chủ động lồng ghép các chính sách, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung theo xu hướng an toàn. Tiêu biểu như: Phát triển vùng trồng xoài Ðài Loan tại Rạng Ðông, Pú Nhung, Quài Nưa; trồng mắc ca tại Quài Cang, Quài Tở... Việc phát triển sản phẩm, dịch vụ phải đi liền với các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp (hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã). 

Ðối với phát triển sản phẩm phải gắn chặt với công tác đánh giá, xếp hạng của OCOP. Ðặc biệt, huyện tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn khác để hỗ trợ đầu tư, bổ sung máy móc, trang thiết bị sơ chế, chế biến, đóng gói nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm,

Việc xây dựng các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã góp phần mở ra cơ hội để người dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Ðồng thời, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi cơ sở, phát triển các sản phẩm OCOP có chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong xu thế hội nhập và phát triển.

Thanh Phong