dd/mm/yyyy

Từ một cậu bé hư đến người "chia" hàng nghìn "đầu cơ nghiệp" cho dân làm giàu

Từng một thời tuổi trẻ nông nổi sa đà vào các tại nạn xã hội khiến người thân phải xa lánh. Nhưng ông Oanh đã sớm tỉnh ngộ và khởi nghiệp thành công với nghề buôn gia súc, đến giờ ông đã thành danh trong nghề và là chỗ dựa, giúp hàng nghìn hộ dân ở quê hương mình vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
NGƯỜI SỞ HỮU NHIỀU TRÂU, BÒ NHẤT XỨ TUYÊN - Ảnh 1.

HTX Tiến Thành của ông Oanh đang liên kết với nhiều nông dân, htx trên địa bàn tỉnh để nuôi trâu vỗ béo.

 Ông là Hoàng Văn Oanh - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành ở xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Từ cậu bé hư...

Mới đây, khi dẫn chúng tôi đi thăm quan các hộ chăn nuôi trâu, bò tại các hợp tác xã liên kết với đơn vị mình ở các xã, huyện trên địa bàn tỉnh, đến trại nào ông Oanh cũng được bà con đón tiếp rất nhiệt tình. Mọi người ai cũng coi người đàn ông này như một ân nhân vì ông đã giúp họ và gia đình vươn lên thoát nghèo và làm giàu. 

Vừa gặp ông Oanh, lão nông Lương Hải Tuyên ở thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa) đã tay bắt, mặt mừng. Ông Tuyên gắn bó với con trâu kéo cày đã gần 30 năm nay, nhưng chưa bao giờ ông nghĩ sẽ làm giàu được từ vật nuôi này. 

Ông Tuyên bảo, trước đây gia đình chỉ chăn nuôi theo kiểu truyền thống, chăn thả tự nhiên, việc chăn nuôi cũng chủ yếu để lấy sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, đàn trâu trong gia đình không mấy khi vượt quá 3-4 con.

Đã có thời điểm, khi việc cày kéo được thay bằng máy móc, gia đình ông bỏ việc chăn nuôi, phần vì diện tích đồng cỏ bị thu hẹp phần vì có năm mùa đông khắc nghiệt, đàn trâu không có thức ăn xanh, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tăng trưởng của đàn.

Từ khi được địa phương định hướng kết nối với HTX Tiến Thành tham gia chuỗi liên kết, ông Tuyên đã mạnh dạn nhận nuôi thử 5 con. Từ việc chỉ quen tận dụng đồng cỏ tự nhiên, ông đã được ông Oanh hướng dẫn cách ủ rơm rạ, trồng cây vụ đông, tận dụng cây ngô, lá mía để làm thức ăn cho đàn trâu. Chỉ sau hơn 2 tháng chăn nuôi theo hình thức này, mỗi con trâu của gia đình ông Tuyên khi xuất bán lãi hơn 5 triệu đồng.

Thừa thắng xông lên, đầu năm 2018, lão nông Lương Hải Tuyên nhân đàn, từ 5 con nuôi thử nghiệm, lứa thứ 2 ông Tuyên nuôi 7 con, lứa thứ 3 tăng lên 14 con. Để có vốn chăn nuôi quy mô lớn, ông Tuyên thành lập trang trại chăn nuôi và được ngân hàng cho vay 200 triệu đồng. "Nhờ có ông Oanh giúp sức đến nay chúng tôi đã tự tin chăn nuôi trâu, bò, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm" - ông Tuyên khoe.

Ông Tuyên là một trong số hàng trăm hộ dân ở Tuyên Quang được ông Oanh và HTX Tiến Thành giúp sức chăn nuôi trâu, bò thành công để làm giàu. Trong số đó, có nhiều hộ đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Từ một cậu bé hư đến người "chia" hàng nghìn "đầu cơ nghiệp" cho dân làm giàu - Ảnh 2.

Ông Tuyên đổ thức ăn chăm sóc đàn trâu tại trại chăn nuôi của gia đình.

Chia sẻ với PV Trang trại Việt, ông Oanh cho biết, trước khi "bén duyên" với nghề chăn nuôi và kinh doanh sản phẩm thị trâu, bò, ông từng có một thời tuổi trẻ nông nổi, ăn chơi quá đà, sa ngã vào các tại nạn xã hội.

"Tôi cũng từng chơi, làm đủ thứ trò từ ăn cắp vặt, chơi cờ bạc, ma túy, phá phách đủ kiểu khiến ai cũng phải ngán nhưng may mình tỉnh ngộ sớm và quay vào bờ kịp", ông Oanh vui vẻ kể.

Khi đã "rửa tay, gác kiếm giang hồ", ông Oanh về quê với hai "tay trắng" và một món nợ "khủng" nhưng ông không nản mà quyết làm lại cuộc đời. Thời điểm năm 1995, ở quê ông đang rộ lên phong trào buôn trâu Bắc - Nam, ông Oanh đã thăm dò tình hình và tìm cơ hội học nghề ngay.

Ban đầu không có vốn, ông Oanh đã xin đi dắt trâu cho các chủ buôn. Do tư chất thông minh, lanh lợi nên ông sớm học được các bí quyết buôn bán. Sau một thời gian làm thuê, tích góp được số vốn ông đã quyết định tách ra để làm ông chủ.

Vừa làm, ông Oanh vừa kêu gọi bạn bè góp vốn để kinh doanh lớn. Thậm chí, ông Oanh còn tìm đường sang cả Campuchia, Thái Lan mua các con trâu "khủng" đưa về nhân giống, bán, cung cấp trâu chọi cho các sới chọi trâu ở các tình, thành trong cả nước. Đối với nhưng con trâu xấu, được thịt ông cung, bán cho các đầu mối thực phẩm tại các tỉnh, thành.

"Ngày đấy cũng may mắn, làm ăn thuận lợi nên tôi không chỉ trả được nợ sớm mà còn có nhiều tiền vốn để mở rộng làm ăn", ông Oanh nhớ lại.

Từ một cậu bé hư đến người "chia" hàng nghìn "đầu cơ nghiệp" cho dân làm giàu - Ảnh 3.

Công nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi tại một cơ sở của HTX Tiến Thành.

... giúp bà con cùng làm giàu

Từ "hai bàn tay trắng", ông Oanh đã tạo dựng được sự nghiệp vững vàng từ nghề kinh doanh trâu, bò. Đến năm 2017, vị đại gia buôn gia súc quyết định thành lập HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành. Từ đây, ông chủ động bắt mối và liên kết với các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh để chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, sinh sản.

"Có thể, do bản tính liều lĩnh và sự quyết đoán từ thời tuổi trẻ nông nổi đã giúp tôi đưa ra được những quyết định quan trọng làm nên thành công của bản thân như ngày hôm nay"

(Ông Hoàng Văn Oanh)

Từ năm 2017 đến nay, HTX Tiến Thành đã ký hợp đồng cung ứng thức ăn và gần 2.000 con trâu, bò thịt cho 20 HTX thuộc huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn, Hàm Yên, Lâm Bình nuôi vỗ béo theo hình thức hợp đồng thỏa thuận và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Với mục đích xây dựng mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị, HTX Tiến Thành đã ký hợp đồng với một số HTX và tổ hợp tác để liên kết chăn nuôi, đồng thời xây dựng cơ sở tự phối trộn thức ăn chăn nuôi an toàn sinh học, nguồn nguyên liệu địa phương tại phường Nông Tiến, TP.Tuyên Quang cung cấp thức ăn chăn nuôi theo công thức riêng phân phối nội bộ cho các hộ dân tham gia chuỗi.

Từ một cậu bé hư đến người "chia" hàng nghìn "đầu cơ nghiệp" cho dân làm giàu - Ảnh 5.

Ông Oanh (trái) kiểm tra quá trình đóng gói sản phẩm trâu, bò chế biến tại HTX Tiến Thành.

Thông qua đó, các hộ gia đình tham gia chuỗi được cung ứng con giống, cung cấp các sản phẩm cám tổng hợp từ ngô, sắn, cám gạo, một số khoáng chất phục vụ chăn nuôi trâu, bò; ngoài ra các hộ dân còn được tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng bệnh theo quy trình, tiêu chuẩn để cung ứng thức ăn cho chuỗi liên kết chăn nuôi an toàn sinh học.

Theo tiết lộ của bà con chăn nuôi trâu trong mô hình liên kết này thì thông thường khi nuôi trâu thì sau 3 tháng nuôi nhốt, trung bình trọng lượng của mỗi con trâu tăng khoảng 80kg. Nếu đạt được trọng lượng này, ít nhất 1 con trâu sẽ cho thu lãi 5 triệu đồng; bò thịt vỗ béo lãi bình quân 4,8 triệu đồng/con/3 tháng.

Ông Oanh cho biết, thông qua mô hình liên kết, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường liên kết giữa các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Từ đó việc để áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi được thực hiện bài bản hơn.

Để đa dạng hóa sản phẩm cung cấp cho thị trường, từ năm 2019 đến nay, HTX Tiến Thành đã đầu tư và hỗ trợ cho một số cơ sở giết mổ và chế biến, đóng gói trâu, bò với công suất khoảng 5 tạ thịt/mẻ/24 giờ tại địa phương.

Được biết, năm 2019 tỉnh Tuyên Quang xuất chuồng 18.705 con trâu, tăng 7,8% so với năm 2018; sản lượng thịt hơi là trên 5.706 tấn, tăng 4,8% so năm 2018.

Từ một cậu bé hư đến người "chia" hàng nghìn "đầu cơ nghiệp" cho dân làm giàu - Ảnh 6.

Cận cảnh một sản phẩm đã được chế biến, đóng gói tại HTX Tiến Thành.

Nhận xét về ông Oanh và mô hình mà HTX Tiến Thành đang triển khai, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Đại Thành cho hay: Ông Oanh là người rất giỏi, dám nghĩ, dám làm và ông đã thành công trong việc phối hợp, xây dựng mô hình liên kết nuôi trâu, bò hàng hóa và xây dựng thương hiệu "Trâu ngố Tuyên Quang" giúp nhiều hộ dân trên địa bàn nâng cao được thu nhập.

 Ông Thành cho biết thêm, thực tế ở Tuyên Quang có tiềm năng rất lớn phát triển chăn nuôi trâu. Bởi nơi đây có những những giống trâu chất lượng tốt, diện tích đồng cỏ tự nhiên và điều kiện khí hậu khá lý tưởng cho con trâu phát triển. Đặc biệt tháng 5/2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu "Trâu ngố Tuyên Quang"

Cũng theo ông Thành, trong những năm gần đây tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều giải pháp, cơ chế chính sách để cải tạo nâng cao tầm vóc đàn trâu địa phương như: Hỗ trợ trâu đực giống nhảy trực tiếp; thực hiện thụ tinh nhân tạo, tổ chức các cuộc thi trâu khỏe, trâu đẹp thông qua qua đó nhằm động viên, khuyến khích người chăn nuôi quan tâm về công tác giống.

Năm 2019, tỉnh có khoảng trên 1.000 lượt trâu cái được phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Nghé được sinh ra có trọng lượng sơ sinh từ 35-42 kg, cao hơn nghé được sinh ra từ phối giống bằng trâu đực nhảy trực tiếp từ 15-20%.

Mơ ước để nông nghiệp tỉnh nhà tiếp tục vươn xa, ông Oanh và HTX Tiến Thành của ông đang tập trung đầu tư xây dựng gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang nhằm giới thiệu, quảng sản phẩm nông nghiệp địa phương. Mô hình này được xây dựng với quy mô diện tích khoảng 10ha, có điểm dừng chân, cây xăng, hệ thống vệ sinh sạch sẽ…


Hải Đăng