dd/mm/yyyy

Trung Quốc, Mỹ mua nhiều tôm nhất của Việt Nam, xuất khẩu thủy sản "bứt tốc" cuối năm

Tháng 7/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt hơn 320 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức sụt giảm 16% trong tháng 7 là mức giảm thấp nhất kể từ đầu năm nay. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 1,9 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ.

Trung Quốc, Mỹ mua tôm nhiều nhất của Việt Nam

Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị xuất khẩu các sản phẩm tôm chân trắng và tôm sú chế biến giảm mạnh hơn so với các sản phẩm tươi/đông lạnh. Chỉ xuất khẩu tôm loại khác đóng hộp và tôm khác khô ghi nhận tăng; giá trị xuất khẩu các sản phẩm tôm còn lại đều giảm ở mức 2 con số.

Trong tháng 7, xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Anh, Australia tiếp tục ghi nhận tăng trưởng âm từ 15%-46%, trong khi tăng trưởng dương từ 18%-63% trong xuất khẩu sang một số thị trường nhỏ vẫn được duy trì như thị trường Singapore, Đài Loan, Thụy Sỹ. Điểm nổi bật trong tháng 7 năm nay đó là tăng trưởng dương trong kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ và Trung Quốc.

VASEP cho hay, sau khi tăng trưởng âm liên tục trong suốt 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 7 đã ghi nhận mốc tăng trưởng dương đầu tiên với mức tăng 14%. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong tháng 7 ghi nhận tháng tăng trưởng dương thứ hai kể từ đầu năm với mức tăng 49%.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 7/2023 đạt 57 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2022. 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 338 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ.

Trung Quốc, Mỹ mua nhiều tôm nhất của Việt Nam, xuất khẩu thủy sản "bứt tốc" cuối năm - Ảnh 1.

Theo VASEP, tháng 7/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt hơn 320 triệu USD.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, lượng nhập khẩu tôm nước ấm của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái lên 502.669 tấn. Tổng giá trị nhập khẩu tăng 29% lên 2,84 tỷ USD. Điều này cho thấy nhu cầu tôm của Trung Quốc mạnh mẽ bất chấp kinh tế phục hồi chậm chạp sau dịch Covid-19.

Nửa đầu năm nay, Ecuador tiếp tục tăng mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Sau khi Ecuador đẩy mạnh xuất hàng tồn kho giá rẻ kèm với việc thu hoạch bị hạn chế bởi thời thời tiết thì nguồn hàng của nước này trong những tháng cuối năm sang Trung Quốc sẽ giảm bớt. Nhu cầu thị trường Trung Quốc nửa cuối năm nay dự kiến vẫn tốt nên dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc những tháng cuối năm nay vẫn sẽ khả quan hơn nửa đầu năm.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 7 năm nay đạt 76 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 375 triệu USD, giảm 32%.

Mỹ nhập khẩu tổng cộng 361.693 tấn tôm, trị giá 3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023, giảm 18% về sản lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tôm trung bình trong nửa đầu năm 2023 đạt 8,29 USD/kg, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái (9,52 USD/kg).

Ấn Độ là nhà cung cấp tôm lớn nhất của Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2023, với tổng 129.260 tấn tôm xuất sang thị trường này, trị giá 1 tỷ USD, giảm 15% về sản lượng và 27% về giá trị so với cùng kỳ. Tháng 6, Mỹ chỉ nhập khẩu 23.274 tấn tôm Ấn Độ, trị giá 183,5 triệu USD, sụt giảm 26% về sản lượng và 37% về giá trị. Giá trung bình vào khoảng 7,88 USD/kg, thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu thủy sản "bứt tốc" cuối năm

Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng từ thị trường Mỹ và Trung Quốc trong tháng 7 cho thấy nhu cầu từ thị trường tiêu thụ lớn đang có dấu hiệu “ấm dần”.

Giai đoạn nửa cuối năm nay, qua cao điểm mùa vụ, sức cung giảm, giá tôm cũng gần chạm đáy, nhà nhập khẩu có động lực mua tích trữ. Mùa lễ hội, hàng chế biến sâu dễ tiêu thụ hơn cũng là lợi thế cho tôm Việt Nam.

"Tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ và Trung Quốc, các doanh nghiệp cũng đã có sự chuẩn bị cho đợt tăng tốc cuối năm dự kiến mức sụt giảm trong kim ngạch xuất khẩu tôm trong các tháng của quý III/2023 sẽ thu hẹp dần so với cùng kỳ và có thể phục hồi trở lại trong quý cuối năm", VASEP nhận định.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, năm 2023 ngành xuất khẩu thủy sản đặt ra mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, hiện Bộ cũng chưa điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu của năm nay.

"Báo cáo của VASEP cho biết đã có những tín hiệu tích cực về thị trường cả với tôm và cá tra. Dự trữ và tồn kho nhiều quốc gia nhập khẩu giảm, trong khi nhu cầu có xu hướng tăng vào cuối năm. Về phía các doanh nghiệp và nông dân sản xuất: Hiện gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đang được triển khai sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nông dân đẩy mạnh nuôi trồng, chế biến dự trữ nguồn hàng nhằm tận dụng thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm", ông Tiến nói.

"Cơ hội sản xuất, xuất khẩu trong những tháng cuối năm đang mở ra, nếu chúng ta chớp được thời cơ để tăng tốc xuất khẩu thì mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD của ngành thủy sản hoàn toàn có thể đạt được", Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Bình Minh