dd/mm/yyyy

Trung Quốc mở cửa, giá nguyên vật liệu và năng lượng sẽ tăng vọt

Việc Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại sau hơn ba năm áp dụng chính sách zero Covid được dự báo sẽ tạo ra những ảnh hưởng lớn đối với nền kinh

Bùng nổ xuất khẩu sầu riêng sau khi được Trung Quốc ‘mở cửa’ Trung Quốc tái mở cửa và lãi suất của Mỹ sẽ khuấy đảo thị trường hàng hóa toàn cầu

Trung Quốc mở cửa, giá nguyên vật liệu và năng lượng sẽ tăng vọt - Ảnh 1.

Hồng Kông, Thái Lan, Việt Nam và Singapore sẽ là những nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất nếu lượng du khách Trung Quốc quay trở lại mức của năm 2019.

Sau 1.016 ngày đóng cửa với thế giới bên ngoài để thực hiện chiến lược chống dịch nghiêm ngặt, Trung Quốc đã chính thức mở cửa biên giới trở lại hôm 8-1 vừa qua.

J.P. Morgan Asset Management và Morgan Stanley đều dự báo, GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 5,4% trong cả năm 2023, trong khi BNP Paribas kỳ vọng, mức tiêu dùng hộ gia đình ở Trung Quốc sẽ tăng khoảng 9%.

Và không chỉ tác động tới nền kinh tế trong nước, sự mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng lớn lên kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các thị trường du lịch và hàng hóa.

Cú hích đối với du lịch quốc tế

Trong những năm trước đại dịch, Trung Quốc là nguồn khách du lịch quốc tế quan trọng nhất thế giới. 155 triệu khách du lịch Trung Quốc đã chi ra hơn 250 tỉ đô la ở nước ngoài trong năm 2019.

Việc hàng triệu du khách Trung Quốc sẵn sàng đi du lịch nước ngoài trở lại đã làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi của ngành du lịch – khách sạn toàn cầu.

Theo các nhà phân tích, mặc dù du lịch quốc tế có thể không ngay lập tức trở lại mức trước đại dịch, nhưng các công ty, ngành công nghiệp và quốc gia phụ thuộc vào khách du lịch Trung Quốc sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2023.

Theo ông Steve Saxon, một đối tác tại văn phòng Thâm Quyến của McKinsey, Trung Quốc có trung bình khoảng 12 triệu hành khách đi máy bay mỗi tháng vào năm 2019, nhưng con số đó đã giảm 95% trong những năm đại dịch. Giờ đây, ông dự đoán con số này sẽ phục hồi lên khoảng 6 triệu mỗi tháng vào mùa hè tới.

Các dữ liệu từ trang web du lịch Trip.com cho thấy, ngay sau khi có thông tin về việc mở cửa từ ngày 8-1, số lượt tìm kiếm các chuyến bay quốc tế và khách sạn đã ngay lập tức đạt mức cao nhất trong vòng ba năm qua.

“Sự tích tụ nhanh chóng của các khoản tiền gửi ngân hàng trong năm qua cho thấy các hộ gia đình ở Trung Quốc đã tích lũy được một lượng tiền mặt đáng kể nhờ việc hạn chế chi tiêu trong thời gian phong tỏa”, Alex Loo, chiến lược gia vĩ mô của TD Securities, cho biết.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs nhận định “Hồng Kông, Thái Lan, Việt Nam và Singapore sẽ là những nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất nếu lượng du khách Trung Quốc quay trở lại mức của năm 2019”.

Ngay cả khi một số nền kinh tế như Mỹ và châu Âu đang tỏ ra lo ngại về nguy cơ dịch bệnh từ du khách Trung Quốc, chuyên gia Saxon vẫn tin rằng hoạt động du lịch quốc tế của nước này sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm nay. “Các quốc gia đều rất thực tế và sẽ nhanh chóng chào đón du khách từ Trung Quốc – những người có khả năng chi tiêu ấn tượng”.

Tác động lên thị trường hàng hóa

Thị trường hàng hóa cũng được dự báo sẽ chịu nhiều tác động khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa trở lại. Theo The Economist, nhu cầu dầu mỏ ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ bù đắp cho mức tiêu thụ đang chững lại ở châu Âu và châu Mỹ – nơi kinh tế đang giảm tốc. Goldman Sachs dự báo, sự phục hồi của Trung Quốc – nền kinh tế nhập khẩu tới một phần năm lượng dầu của thế giới, có thể đẩy giá dầu thô Brent lên 100 đô la/thùng, tăng 25% so với mức giá hiện nay.

Đối với châu Âu, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ làm gia tăng những lo ngại về khả năng đảm bảo nguồn cung khí đốt trong giai đoạn cuối năm. Trong năm ngoái, việc nhu cầu khí đốt của Trung Quốc giảm khoảng 20% trong 11 tháng đầu năm đã khiến châu Âu gặp nhiều thuận lợi hơn trong việc lấp đầy các kho dự trữ. Tuy nhiên, giờ đây, với sự cạnh tranh gia tăng từ Bắc Kinh và khả năng Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt, các nước châu Âu có thể đối mặt với nguy cơ thiếu hụt 7% mức nhiên liệu tiêu thụ hàng năm.

Các hàng hóa khác cũng sẽ đối mặt với biến động giá mạnh, bởi ngoài năng lượng, Trung Quốc đang nhập khẩu hơn một nửa lượng đồng, niken và kẽm tinh chế, cùng với hơn ba phần năm lượng quặng sắt của thế giới.

Hôm 4-11-2022, ngay sau khi có tin đồn về việc Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại, giá đồng đã bật tăng 7%. Ước tính của Goldman Sachs về giá đồng trong vòng 12 tháng tới đã tăng từ mức 9.000 đô la/tấn hồi tháng 11-2022, lên 11.000 đô la/tấn.

Nhìn chung, nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc đối với kim loại, cây trồng và năng lượng sẽ giúp ích cho các nhà xuất khẩu hàng hóa, và cả những quốc gia có hoạt động xuất khẩu nguyên liệu thô mạnh mẽ như Úc, Chile, Brazil…

Ở chiều ngược lại, các nhà nhập khẩu được dự báo sẽ chịu nhiều tổn hại do giá cả hàng hóa tăng cao. Đối với Ấn Độ, giá nguyên liệu thô và năng lượng cao hơn sẽ khiến lợi nhuận từ việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc sụt giảm. Trong khi đó, các quốc gia nhập khẩu hàng hóa, bao gồm phần lớn các nước phương Tây sẽ đối mặt với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng.

Ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, bởi Trung Quốc là một phần quan trọng của nền kinh tế thế giới. HSBC dự báo, vào quí 1-2024 GDP của Trung Quốc có thể cao hơn 10% so với ba tháng khó khăn đầu tiên của năm 2023. Theo tính toán sơ bộ của The Economist, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc có thể chiếm hai phần ba tăng trưởng toàn cầu trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, sự phục hồi của Trung Quốc có thể dẫn tới những tác dụng phụ. Sự gia tăng giá cả hàng hóa do sự mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát.

Chắc chắn lạm phát toàn cầu sẽ tăng lên nếu Trung Quốc mở cửa trở lại”, bà Iris Pang, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc đại lục tại ING, nhận định. “Hoạt động đi lại quốc tế, cũng như sản xuất, bán hàng sẽ tăng lên”.

Đây sẽ là vấn đề làm đau đầu các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Sau khi đã tăng lãi suất với tốc độ chóng mặt trong năm ngoái để kiềm chế đà leo thang giá cả, giờ đây, giới hoạch định chính sách được dự báo sẽ phải duy trì mức lãi suất cao trong thời gian dài hơn, để ngăn chặn lạm phát gia tăng trở lại. Trong một kịch bản như vậy, tác động từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với phần còn lại của thế giới sẽ không phải là tăng trưởng cao hơn, mà là lạm phát và lãi suất cao hơn, dẫn tới kinh tế suy yếu hơn.

Những tác động tới dòng vốn đầu tư

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, bất chấp dịch Covid-19, các công ty nước ngoài vẫn nhiệt tình đầu tư vào nước này, với tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 10 tháng đầu năm ngoái tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước, lên 168,3 tỉ đô la. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại.

Ông Michael Hart, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc, dự báo các giám đốc điều hành nước ngoài sẽ bắt đầu thực hiện những chuyến đi đến Trung Quốc trong năm 2023, dù rằng việc nối lại hoạt động đầu tư sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Tuy nhiên, theo The Economist, Chính phủ Trung Quốc sẽ phải mất không ít thời gian và công sức để khôi phục lại hình ảnh của mình trong mắt nhà đầu tư sau khi đã áp dụng chính sách phòng dịch khắc nghiệt trong suốt ba năm qua, và rồi lại đảo ngược tất cả trong một thời gian ngắn. Những bất ổn về chính sách đã khiến nhiều nhà đầu tư điều chỉnh đánh giá rủi ro đối với Trung Quốc và có xu hướng phân bổ ít nguồn lực hơn cho quốc gia này trong vòng ba năm tới.

Các số liệu thống kê cho thấy, khoảng 18 tỉ đô la ngoại hối đã chảy ra khỏi Trung Quốc trong tháng 11 năm ngoái, tăng mạnh từ mức 11 tỉ đô la trong tháng 10, do những lo ngại về chính sách phòng dịch. Xu hướng này có thể đảo ngược khi nền kinh tế Trung Quốc ổn định hơn trong năm 2023, nhưng việc dòng vốn quay trở lại với tốc độ nhanh chóng như trước đại dịch là điều khó có thể xảy ra.

Đáng chú ý, sau ba năm zero Covid, các giám đốc điều hành đã cảm thấy thoải mái hơn với việc dịch chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc. Hoạt động đầu tư vào các nhà máy tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chậm lại đáng kể, và nhiều công ty hiện đã sẵn sàng trả chi phí cao hơn để sản xuất ở nơi khác.

Chuyên gia Alex Bryant của Công ty tư vấn chuỗi cung ứng East West Associates cho biết, số lượng các công ty quyết định chuyển hoạt động ra bên ngoài Trung Quốc đã tăng vọt. Hầu hết các hoạt động dịch chuyển nhà máy mà công ty của Bryant đã hỗ trợ trong năm qua đều diễn ra ở nước ngoài. Ông cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại khó có thể dẫn đến sự thay đổi ngay lập tức về luồng vốn đầu tư.



PV