dd/mm/yyyy

Trồng xoài GL4, giá trị kinh tế gấp 3 lần so với ngô, sắn

Từ trồng xoài GL4, một hộ dân ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La có nguồn thu nhập ổn định. Nhờ được chăm sóc theo quy trình bài bản, quả xoài GL4 của hộ dân này được xuất khẩu sang thị trường Campuchia.

Từng loay hoay không biết trồng cây gì, nuôi còn gì để phát triển kinh tế, sau khi được cấp uỷ, chính quyền địa phương định hướng, anh Lừ Văn Inh, bản Pót, xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng giống xoài GL4. Với cách làm này, anh Inh có nguồn thu nhập ổn định hơn so với thời "làm bạn" với cây ngô, cây sắn.

Trồng xoài GL4, giá trị kinh tế gấp 3 lần so với ngô, sắn - Ảnh 1.

Nhờ trồng xoài GL4, gia đình anh Inh có thu nhập ổn định.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Lừ Văn Inh chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác ở bản Pót này chỉ biết trồng cây ngô, cây sắn. Ngoài ra, một số hộ có trồng thêm cây xoài, nhãn để phục vụ gia đình, chưa biết sản xuất theo hướng hàng hoá như bây giờ nên thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn.

Theo anh Inh, khi tỉnh Sơn La có chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, một số cơ quan chuyên môn của huyện như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Hội Nông dân huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật ghép mắt cây ăn quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho bà con, trong đó có người dân Bản Pót; đưa người dân đi thăm quan một số mô hình trồng cây ăn quả điển hình ở địa phương khác. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích cây lượng thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên đất dốc.

Trồng xoài GL4, giá trị kinh tế gấp 3 lần so với ngô, sắn - Ảnh 2.

Để cung cấp sản phẩm đảm bảo an toàn ra thị trường, anh Inh áp dụng biện pháp bao trái cho quả xoài GL4.

Nhận thấy chủ trương hợp lòng dân nên gia đình anh Inh đi tiên phong trong việc cải tạo vườn tạp và chuyển đổi đất trồng cây lương thực sang trồng cây ăn quả. Anh Inh cho biết: Vườn xoài địa phương gia đình trồng từ nhiều năm trước được ghép cải tạo hoàn toàn bằng giống xoài GL4. Mặt khác, đuợc Nhà nước hỗ trợ giống xoài GL4 nên gia đình tôi đã chuyển 7.000m2 đất trồng ngô, sắn sang trồng xoài GL4 và nhãn ghép.

Đến nay, anh Inh có 100 gốc xoài GL4 và 200 gốc nhãn ghép. Sau nhiều năm chăm sóc, vườn xoài GL4 và nhãn ghép của anh Inh đã cho "trái ngọt". Năm 2020, anh xuất bán ra thị trường khoảng 5 tấn xoài, nhãn, với giá bán 10 nghìn đồng/kg, thu nhập khoảng 50 triệu đồng. 

Trồng xoài GL4, giá trị kinh tế gấp 3 lần so với ngô, sắn - Ảnh 3.

Với quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ, xoài GL4 của gia đình anh Inh từng bước tạo được uy tín trên thị trường.

"Tuy so với nhiều hộ khác thì mức thu nhập này không đáng là bao, nhưng đối với người nông dân vùng cao như chúng tôi đây là mức thu nhập khá rồi. Trước trồng ngô, sắn, làm bạc mặt cả năm trời mới thu được 15 đến 20 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí chẳng còn được bao nhiêu. Nếu so với cây ngô, cây sắn thì xoài GL4 đem lại giá trị kinh tế cao cấp 3 lần", anh Inh phấn khởi cho biết.

Trồng xoài GL4, giá trị kinh tế gấp 3 lần so với ngô, sắn - Ảnh 4.

Theo anh Inh: Xoài GL4 đem lại nguồn thu nhập ổn định nhưng khi được mùa lại mất giá. Người dân chúng tôi kiến nghị các cấp, các ngành tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Có như vậy, người dân mới yên tâm sản xuất và mở rộng quy mô.

Chia sẻ thêm về kỹ thuật chăm sóc xoài GL4, anh Inh cho biết: Hố trồng xoài sâu khoảng 40 cm, rộng 30cm. Trước khi trồng, bón lót bằng phân chuồng. Sau khi cây đã phát triển, 1 năm gia đình bón phân 3 lần. Lần thứ nhất, bón sau khi thu hoạch quả, thường vào cuối tháng 9. Lần thứ hai, bón phân khi cây ra hoa, khoảng vào đầu tháng 12. Lần thứ ba, bón vào cuối tháng 2 khi cây đã đậu trái để nuôi quả.

Trung bình 1 gốc xoài bón 1 kg phân NPK và 15 kg phân chuồng. Để phòng trừ sâu bệnh, gia đình tôi áp dụng phương pháp dùng chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ hữu cơ và bao trái. 

Trồng xoài GL4, giá trị kinh tế gấp 3 lần so với ngô, sắn - Ảnh 5.

Diện tích xoài GL4, nhãn ghép được gia đình anh Inh bón chủ yếu bằng phân chuồng.

Nhằm giúp các hộ dân bản Pót liên kết lại với nhau trong sản xuất, năm 2018, anh Inh cùng với 18 hộ khác thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Anh Tú do anh Inh làm giám đốc. Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, năm 2019, HTX đã được cấp chứng nhận VietGAP cho 3 ha xoài GL4 và 12 ha nhãn ghép. 

Để đảm bảo đầu ra ổn định cho trái xoài, HTX đã ký hợp đồng liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp thương mại Thanh Sơn. Nhờ mối liên kết này, năm 2020 1,5 tấn xoài GL4 của HTX được xuất khẩu sang thị trường Campuchia. Riêng gia đình anh Inh xuất khẩu được 6 tạ xoài.

Trồng xoài GL4, giá trị kinh tế gấp 3 lần so với ngô, sắn - Ảnh 6.

Bên cạnh trồng xoài, gia đình anh Inh trồng thêm nhãn ghép.

Theo đó, các thành viên trong HTX nói không với thuốc trừ cỏ và thuốc bảo vệ thực vật trong khâu chăm sóc. Toàn bộ diện tích cây ăn quả của HTX chỉ được làm cỏ bằng máy, hoặc bằng tay.

"Trước đây, người dân bản Pót làm nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai người nấy làm nên năng suất, hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi tham gia HTX trồng xoài GL4 và nhãn ghép theo quy trình bài bản, gia đình tôi cũng như các thành viên khác trong HTX đã có nguồn thu nhập ổn định, đời sống kinh tế ngày một khá giả", anh Inh phấn khởi.

PV Tây Bắc