Trầm mặc nón lá cổ làng Chuông

Bùi Việt Trinh

17/02/2017 09:38 GMT +7

Mặc cho thời gian và sự lấn lướt của ngành công nghiệp thời trang, nón cổ làng Chuông, xã Phương Trung (Thanh Oai, Hà Nội) vẫn lặng lẽ tồn tại và phát triển. Sự nổi tiếng, nét đẹp cổ kính của làng nghề bên bờ sông Đáy đã đi vào thi ca: “Muốn ăn cơm trắng cá trê/Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”…

Nghề làm nón ở làng Chuông đã có truyền thống hơn 300 năm. Trước đây, làng Chuông sản xuất rất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp như: nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai... Nhưng hiện nay, ở làng Chuông chủ yến sản xuất 3 loại chính là nón chóp, nón quai thao và nón lụa. Chợ làng Chuông họp mỗi tháng 6 phiên vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch. Tại đây chỉ bày bán một thứ hàng duy nhất là nón và nguyên liệu làm nón.

Không quá nhộn nhịp như các làng nghề khác, cảnh sắc ở làng Chuông rất yên bình, trầm mặc. Theo những người thợ cao niên ở đây, thợ làm nón phải có đức tính cẩn thận, chịu khó và khéo léo từ khâu chọn nguyên liệu đến việc khâu nón.

Lá làm nón là lá cọ non được lấy từ Quảng Bình, Phú Thọ... về phơi nắng. Phơi làm sao cho lá chuyển màu trắng bạc, mỏng nhưng vẫn bền, dai, phẳng mà không giòn, không rách. Lá sẽ được là phẳng trước khi đưa vào khuôn nón bằng cách miết trên chiếc lưỡi cày được hơ nóng. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải rất cẩn thận, căn sao cho nhiệt độ vừa phải để lá không bị cháy, hoặc bị “sống” vì không đủ độ nóng. Vòng nón làm bằng tre vót nhỏ, đều, không cong vênh. Tiếp đó đến công đoạn quay nón và khâu nón.

Người khâu nón cũng được ví như người thợ thêu. Bàn tay người thợ cầm kim đưa nhanh thoăn thoắt, mềm mại từng mũi khâu thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài. Khi sợi móc len theo từng mũi kim qua 16 lớp vòng thì chiếc nón duyên dáng đã hình thành. Điểm khác biệt của nón làng Chuông với các loại nón ở các vùng miền khác là nón có 8 gọng, 16 lớp vòng, vừa giúp nón có độ bền chắc mà vẫn mềm mại, thanh thoát.

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, những năm gần đây, người thợ nón ở làng Chuông đã tạo ra những mẫu nón mới. Đặc biệt phải kể đến nón lụa, một sản phẩm kết hợp giữa nón làng Chuông và lụa Hà Đông.

Năm 2012, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KHCN) đã cấp nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm "Nón Chuông". Theo lãnh đạo UBND xã Phương Trung, mỗi năm, làng Chuông cung cấp ra thị trường khoảng 3 triệu chiếc nón. Sản phẩm đã có mặt ở nhiều nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản… Nghề làm nón đang tạo việc làm cho khoảng 2.700 hộ dân, với 8.000 lao động tại địa phương và 2.000 lao động vệ tinh, thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng.

Vào phiên chợ, khách thập phương đổ về mua nón rất đông.
Các nguyên liệu làm nón được người thợ tuyển chọn rất kỹ lưỡng, từ khâu chọn tre cho đến khâu vót từng chiếc vành, cái gọng.
Một chiếc nón lá chóp 8 gọng, 16 vành vừa hoàn thành phần khung vành.
Gọng sau khi được vót tròn, ngắn, được uốn thành vòng tròn theo các kích cỡ của từng loại nón khác nhau.
Phơi là cũng là một nghệ thuật, bởi lá phơi non sẽ bị mốc, phơi già thì giòn, dễ rách, gãy.
Mỗi loại nón khác nhau thì có một loại khung khuân khác nhau.
 
Nón làng Chuông thường có 3 lớp, 2 lớp lá cọ và một lớp bẹ luồn ở giữa. Khâu ghép lá đòi hỏi người thợ phải rất tỷ mỷ, xếp sao cho lá kín, đẹp.
 
Ở làng Chuông từ người già, đến các em nhỏ đều có thể khâu nón thành thạo.
Nón lụa, là sự kết hợp giữa phong cách nón cổ làng Chuông và lụa Hà Đông đã được thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á đón nhận.
Những thiếu nữ khéo tay, khâu ra những chiếc nón đẹp luôn được yêu quý và…. đắt chồng.