Tổng diện tích thả nuôi cá tra năm 2024 ước đạt 5.370 ha, tổng sản lượng cá tra thu hoạch khoảng 1,67 triệu tấn, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2023.
Cá tra nuôi chủ yếu tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long. Tính đến hết tháng 10, sản lượng giống cá bột ước đạt 25,95 tỷ con; cá giống ước đạt 3,9 tỷ con. Ước cả năm 2024, sản lượng cá bột thu hoạch đạt 30 tỷ con; cá giống đạt 40 tỷ con góp phần đắc lực phục vụ vùng nuôi.
Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nuôi để đảm bảo cung - cầu của thị trường. Các thủ tục trong thực hiện quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản cần kịp thời hơn. Hỗ trợ tháo gỡ các rào cản quốc tế trong xuất khẩu cá tra, quản lý điều kiện sản xuất đối với cơ sở giống thủy sản, cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường. Hình thành các vùng nuôi cá tra bền vững, ứng dụng các giải pháp khoa học tiên tiến, công nghệ trong quản lý và sản xuất cá tra giống, thương phẩm.
Để ngành hàng cá tra phát triển và tận dụng được cơ hội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, các Bộ, ngành, địa phương cần phát triển giống cá tra theo hướng công nghiệp, với quy mô sản xuất lớn, đảm bảo an toàn sinh học, kiểm soát chặt chẽ trong quản lý, giảm sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống cá tra, đảm bảo chất lượng nguồn giống, sản xuất, chế biến cá tra phải hướng đến sản xuất xanh, giảm phát thải.
Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học trong nuôi trồng, sản xuất cá tra và hình thành chuối khép kín trong sản xuất, chế biến cũng như tiêu thụ cá tra. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng các phụ phẩm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.
Về xuất khẩu cá tra, ngoài các thị trường truyền thống, cần tìm kiếm và phát triển các thị trường mới tiềm năng xuất khẩu cá tra, trong đó lưu ý thị trường Halal.