dd/mm/yyyy

Tôn vinh 300 nông dân giỏi, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp tại Hội nghị "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi"

Chiều 6/9, tại Trụ sở Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã diễn ra buổi họp báo về Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần VI và Diễn đàn Nông dân quốc gia lần VII.

Họp báo Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc và Diễn đàn Nông dân quốc gia lần VII

Phát biểu khai mạc tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm - Trưởng ban Tổ chức nhấn mạnh: Hội nghị biểu dương “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI và Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII năm 2022” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức trong 2 ngày 12-13/9 tại Thủ đô Hà Nội là một trong những sự kiện, hoạt động quan trọng, chào mừng 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2022). Hai sự kiện sẽ có sự tham dự, chỉ đạo của các đồng chí đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Tôn vinh 300 nông dân giỏi, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp tại Hội nghị "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm phát biểu tại buổi họp báo chiều 6/9. Ảnh: Phạm Hưng

Trong đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989. Đến nay, phong trào đã phát triển rộng khắp trong cả nước, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, có sức lan toả mạnh mẽ, ngày càng thu hút đông đảo nông dân tham gia; được cấp uỷ, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Hiện nay, phong trào đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa vào nội dung trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Bà Thơm nhấn mạnh, Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI sẽ được tổ chức vào ngày 13/9, tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội).

Đây là dịp để Đảng, Nhà nước và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc trong việc thực hiện “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2022”, đồng thời đúc rút kinh nghiệm, bài học, đề ra những giải pháp thiết thực, tạo thêm động lực thúc đẩy hiệu quả hơn phong trào thi đua trong giai đoạn tới.

Hội ND đánh giá đây là phong trào nòng cốt, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam.

Tôn vinh 300 nông dân giỏi, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp tại Hội nghị "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi Họp báo Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc và Diễn đàn Nông dân quốc gia lần VII. Ảnh: Phạm Hưng

Diễn đàn Nông dân quốc gia "Người nông dân chuyên nghiệp"

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII, chủ đề: “Người nông dân chuyên nghiệp”. Diễn đàn dự kiến tổ chức sáng 12/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội).

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII là sự kiện thường niên do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giao cho Báo Nông thôn ngày nay chủ trì, tổ chức thực hiện.

Diễn đàn có chủ đề “Người nông dân chuyên nghiệp” là dịp để các nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân trao đổi về các vấn đề đang đặt ra trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn hiện nay, như cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi số, xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất...

Đặc biệt, Diễn đàn cũng góp phần làm rõ hơn thế nào là nông dân chuyên nghiệp, các chính sách hỗ trợ nông dân, nông nghiệp, nông thôn để người nông dân chuyên nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Tôn vinh 300 nông dân giỏi, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp tại Hội nghị "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" - Ảnh 3.

Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay phát biểu tại họp báo. Ảnh: Hưng Phạm

Tôn vinh 300 nông dân giỏi, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp tại Hội nghị "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" - Ảnh 4.

Các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đại diện cho 300 nông dân được biểu dương có mặt tại buổi họp báo. Ảnh: Phạm Hưng

Thông tin thêm về Diễn đàn Nông dân quốc gia lần VII, Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo NTNN cho biết, diễn đàn được chúng tôi tổ chức liên tục trong 6 năm qua và năm nay bước sang năm thứ 7. Dự kiến sẽ có khoảng 500 đại biểu tham dự.

Trong 6 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn như bão lụt, thiên tai, đại dịch Covid-19... nhưng sự kiện không bị dừng lại và đã trở thành diễn đàn cao nhất dành cho người nông dân để nói về những trăn trở, khó khăn cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con trong quá trình lao động sản xuất.

Tôn vinh 300 nông dân giỏi, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp tại Hội nghị "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" - Ảnh 5.

Các nhà báo, phóng viên tại buổi họp báo. Ảnh: Phạm Hưng

Nhà báo Lưu Quang Định cho biết: Diễn đàn lần VII chúng tôi chọn chủ đề "Người nông dân chuyên nghiệp". Thời gian gần đây, chúng ta cũng nghe thấy trên nhiều diễn đàn hay Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có đề cập nội dung: "Chúng ta phải xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

Bộ NNPTNT cũng đang có Đề án "Tri thức hóa nông dân", bản thân Hội Nông dân Việt Nam cũng có Đề án "Xây dựng người nông dân mới tham gia xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Theo đó, tại diễn đàn năm nay, chúng tôi cũng sẽ trao đổi, thảo luận thế nào là "Nông dân chuyên nghiệp".

Tôn vinh 300 nông dân giỏi, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp tại Hội nghị "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" - Ảnh 6.

Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay phát biểu tại họp báo. Ảnh: Hưng Phạm

"Chúng ta đã nghe nhiều như cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, ca sỹ chuyên nghiệp thì người nông dân chuyên nghiệp là như thế nào? Và chúng ta, các thể chế và bản thân người nông dân phải phấn đấu như thế nào để trở thành người nông dân chuyên nghiệp? Tại diễn đàn, các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý nhà nước sẽ trả lời những câu hỏi này. Bên cạnh đó, đại diện một số doanh nghiệp, các đại biểu nước ngoài như Hàn Quốc, các nước châu Âu cũng sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng người nông dân chuyên nghiệp ở các nước" - ông Lưu Quang Định thông tin.

Tôn vinh 300 nông dân giỏi, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp tại Hội nghị "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" - Ảnh 7.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ thông tin tại buổi Họp báo.

Trả lời câu hỏi của nhà báo Chu Khôi - Tạp chí Thời báo Kinh tế Việt Nam về Quy định tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Để có căn cứ đánh giá, bình xét và kịp thời biểu dương các hộ nông dân tiêu biểu trong Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Quy định số 944 ngày 4/9/2014 về Quy định tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp và tổ chức thực hiện.

Thứ nhất là tiêu chuẩn về thu nhập. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở mỗi cấp có mức thu nhập đạt được khác nhau.

Hàng năm khi Bộ NNPTNT có văn bản quy định về mức thu nhập đạt chuẩn nông thôn mới, các cấp Hội căn cứ vào mức quy định để xác định mức thu nhập cụ thể cho danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Tôn vinh 300 nông dân giỏi, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp tại Hội nghị "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" - Ảnh 8.

Nhà báo Chu Khôi đặt câu hỏi tại buổi họp báo. Ảnh: Phạm Hưng

Theo bà Hoa, có 7 vùng để tính tiêu chuẩn thu nhập hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Cụ thể, cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn): Gấp 1,25 lần so với mức thu nhập đạt chuẩn nông thôn mới. Cấp huyện (huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh): Gấp 1,5 lần so với cấp cơ sở. Cấp tỉnh: Gấp 3 lần cấp cơ sở. Cấp Trung ương: Gấp 6 lần so với cấp cơ sở.

Bên cạnh đó, cũng cần tiêu chuẩn về đoàn kết, giúp đỡ các hộ phát triển sản xuất kinh doanh. Ví dụ nông dân giỏi cấp Trung ương hàng năm hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho ít nhất 20 hộ nông dân khác, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động trở lên, giúp đỡ có hiệu quả 7 lượt hộ khó khăn về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tôn vinh 300 nông dân giỏi, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp tại Hội nghị "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" - Ảnh 9.

Các đại biểu trao đổi tại buổi họp báo. Ảnh: Phạm Hưng

Không chỉ là phát động phong trào suông

Nhà báo Trí Tuệ, PV Báo Tuổi trẻ hỏi: Hiện Bắc Ninh và Hà Nội có phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi rất nổi bật, các địa phương có thể chia sẻ kinh nghiệm làm sao để giúp người nông dân nghèo thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi?

Tôn vinh 300 nông dân giỏi, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp tại Hội nghị "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" - Ảnh 10.

Nhà báo Trí Tuệ, PV Báo Tuổi trẻ đặt câu hỏi với Ban Tổ chức. Ảnh: Phạm Hưng

Trả lời câu hỏi trên, ông Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Căn cứ hướng dẫn và kế hoạch của Trung ương Hội Nông Việt Nam, căn cứ thực tiễn của địa phương, ngay từ đầu năm, chúng tôi chỉ đạo Hội Nông dân các cấp triển khai chương trình và phát động Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Trên cơ sở đó, chúng tôi hướng dẫn các hộ đăng ký phấn đấu làm sao để đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, theo các tiêu chí quy định.

"Chúng tôi không chỉ phát động suông mà phải làm thực tế và trên cơ sở các cơ chế chính sách của địa phương. Đến nay, Bắc Ninh đang chuyển đổi rất nhanh từ nông nghiệp sang công nghiệp, chính vì thế diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, công nghiệp phát triển tương đối tốt.

Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo tỉnh và các cấp, ngành là xác định lấy công nghiệp bổ trợ cho nông nghiệp, theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích người nông dân phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó tỉnh có một số cơ chế chính sách đặc thù, tạo thuận lợi giúp bà con sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất" - ông Sâm cho biết.

Tôn vinh 300 nông dân giỏi, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp tại Hội nghị "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" - Ảnh 11.

Ông Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ kinh nghiệm về phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Ảnh: Phạm Hưng

Cùng với đó, các cấp Hội cũng làm trung gian, bằng nguồn lực, uy tín, các mối quan hệ của tổ chức Hội kết nối với các doanh nghiệp để hỗ trợ đầu vào - đầu ra cho bà con.

"Cụ thể, chúng tôi cho bà con vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để xây dựng các mô hình sản xuất. Khi bà con được vay làm tốt, giàu rồi sẽ quay lại đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ nông dân địa phương và hỗ trợ bà con về kiến thức, kỹ thuật và vốn, khoa học kỹ thuật để cùng vươn lên làm giàu. Đặc biệt, các hộ khó khăn được hộ sản xuất kinh doanh giỏi hỗ trợ vốn, khi giỏi, giàu sẽ trả lại cho các hộ này" - ông Sâm thông tin thêm.

Cũng theo ông Sâm, thông qua phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thể hiện được vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nhất là giúp nông dân làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Tôn vinh 300 nông dân giỏi, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp tại Hội nghị "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" - Ảnh 12.

Ông Hoàng Văn Mùi, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đến từ huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội phát biểu tại buổi họp báo.

Chia sẻ tại họp báo, ông Hoàng Văn Mùi, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đến từ Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, thời gian đầu làm trang trại, cùng với kiến thức tìm hiểu được trên internet, tôi bắt tay vào gây dựng trang trại nuôi ếch.

Yếu tố quan trọng nhất trong nuôi ếch là chất lượng con giống. Những năm qua, tôi đã xây dựng được mối liên kết cung ứng con giống gốc từ Đồng Tháp, bảo đảm chất lượng đầu vào phục vụ sản xuất.

Lứa chăn nuôi ếch gần nhất, trang trại của gia đình tôi cung ứng cho thị trường khoảng 100.000 con ếch thương phẩm. Hiện, tiếp tục duy trì chăn nuôi khoảng 10.000 con. Trung bình một năm, tôi có thể cung ứng cho thị trường 15 tấn ếch thương phẩm.

Thực tế, ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua khiến giá ếch có giảm. Tuy nhiên, việc tiêu thụ vẫn bảo đảm, không bị ứ đọng.

Hiện trang trại chăn nuôi đang sản xuất con giống cung cấp cho thị trường khắp các tỉnh mang lại thu nhập cao.

Ông Nguyễn Văn Linh, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Bắc Ninh chia sẻ: Tôi đang có 40ha diện tích đất bãi trồng cà rốt xuất khẩu, sản lượng xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản mỗi năm khoảng 2.200 tấn mang lại thu nhập hàng tỷ đồng/năm.

Hiện, đơn vị của tôi đang tạo công ăn việc làm cho từ 30 đến 50 lao động tại địa phương.

Để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chúng tôi phải trồng cà rốt theo tiêu chuẩn VietGAP nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng áp dụng nhiều máy móc hiện đại vào quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm. Chúng tôi rất hài lòng với sản phẩm mình làm ra.

Tiếp đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về những kết quả nổi bật của phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong 5 năm qua, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm khẳng định, trong 5 năm qua, phong trào đã tạo động lực, khích lệ hội viên nông dân vượt qua khó khăn, khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ kỹ thuật để làm giàu cho gia đình, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Tôn vinh 300 nông dân giỏi, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp tại Hội nghị "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" - Ảnh 13.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm khẳng định, trong 5 năm qua, phong trào đã tạo động lực, khích lệ hội viên nông dân vượt qua khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm, trong 5 năm vừa qua, bên cạnh thuận lợi, nông dân còn gặp khó khăn rất nhiều, nhất là đại dịch Covid-19 bùng phát. Song nông dân đã nỗ lực vượt khó, vươn lên làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước.

“Trong 5 năm qua, đã xuất hiện thêm những nhân tố, điển hình mới so với 5 năm trước. Đó là xuất hiện nhiều hơn những mô hình kinh tế trang trại, kinh tế tập thể, kinh tế tuần hoàn. Xuất hiện nhiều hơn các mô hình ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, nhất là khi đại dịch bùng phát. Trong cái khó ló cái khôn, bà con nông dân đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản.

Có thể nói, tư duy và nhận thức của nông dân đã được thay đổi, từ sản xuất nhỏ lẻ manh mún chuyển sang sản xuất lớn; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang liên doanh, liên kết, hợp tác trong sản xuất lớn theo chuỗi; từ coi trọng về số lượng sang coi trọng chất lượng; giá trị lợi nhuận cao gắn với phát triển bền vững, an toàn thực phẩm. Nông dân của chúng ta đã dần thay đổi tư duy, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”.

Nổi bật thứ 2 là công tác lãnh đạo chỉ đạo của Hội ngày càng đi vào thiết thực hiệu quả trong đó đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân.

Về định hướng tới đây, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Phong trào mới trong nội hàm chỉ đạo đó là đổi mới và nâng cao chất lượng phong trào theo hướng thiết thực, đẩy mạnh nông dân liên kết trong sản xuất, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là đầu tàu để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và sản xuất đa giá trị. Hội Nông dân Việt Nam sẽ phát huy vai trò nòng cốt của các nông dân giỏi. Chính những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là những giám đốc doanh nghiệp, chủ tịch HĐQT các HTX dẫn dắt nông dân cả nước cùng thi đua sản xuất.

Nhóm PV