dd/mm/yyyy

Thúc đẩy các hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp tại Sa Pa

Ngày 11/3, Hội Nông dân thị xã Sa Pa (Lào Cai) tổ chức Hội thảo liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng ngắn. Tham dự Hội thảo có ông Thào A Sinh, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy; ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sa Pa.

Sa Pa phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất khoảng 6%/năm

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Giàng A Tình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sa Pa nhấn mạnh, Sa Pa là thị xã vùng cao thuộc tỉnh Lào Cai có diện tích tự nhiên 68.137,27 ha, với 76% diện tích là rừng và đất lâm nghiệp. Sa Pa còn là khu du lịch quốc gia, năm 2023 thu hút 3.683.000 lượt khách. Có thể khẳng định Sa Pa điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội nói chung cũng như kinh tế nông, lâm nghiệp nói riêng. 

Trong mỗi giai đoạn, thị xã Sa Pa luôn xác định nông nghiệp, nông thôn và nông dân là lợi thế của nền kinh tế, là nền tảng. Năm 2023, ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng. Tổng giá trị ngành nông nghiệp đạt 1.764 tỷ đồng, tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 7,91%. 

Mục tiêu đến năm 2030, thị xã Sa Pa phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất khoảng 6%/năm. Giá trị sản phẩm trên một đơn vị đất canh tác bình quân đạt 220 triệu đồng/ha. Tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 2.000 lao động, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm.

Thúc đẩy các hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp tại Sa Pa- Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng ngắn. Ảnh: MX.

Để đạt được các mục tiêu trên, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ 6 giải pháp sau: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; Quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa có chất lượng, hướng tới tổ chức sản xuất tập trung theo quy mô lớn; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tạo đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, cán bộ quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và người dân; Đẩy mạnh chuyển giao, áp dụng khoa khọc kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống, sản xuất rải vụ; Chỉ đạo tập trung vào việc xây dựng, củng cố các Hợp tác xã nông nghiệp để tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của người dân; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn…

Thúc đẩy các hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp tại Sa Pa- Ảnh 2.

Các đại biểu tham luận tại Hội thảo. Ảnh: MX.

Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn Sa Pa

Tại Hội thảo, các đại biểu đã có nhiều tham luận đánh giá thực trạng và một số vấn đề đặt ra trong phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng ngắn; phân tích, đánh giá lợi thế rủi ro trong liên kết sản xuất; quan điểm về thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thị xã...

Qua nghe các ý kiến tham luận, ông Thào A Sinh, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Sa Pa đánh giá cao các nội dung đề xuất của các đại biểu với những ý kiến xuất phát từ thực tế, rất phù hợp với yêu cầu sản xuất nông sản hàng hóa trên địa bàn.

Thúc đẩy các hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp tại Sa Pa- Ảnh 3.

Ông Thào A Sinh, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Sa Pa phá biểu tại Hội thảo. Ảnh: MX.

Để thúc đẩy các hình thức liên kết sản xuất trong nông nghiệp, góp phần thực hiện chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy đề nghị Cấp ủy, chính quyền các xã, phường cần thường xuyên đánh giá, nhận định đúng tình hình, tiềm năng, lợi thế xác định hướng đi để đặt ra các mục tiêu phù hợp trong phát triển kinh tế nông nghiệp; Hội Nông dân các cấp cần quán triệt nghiêm túc Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 22/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đến năm 2030. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, đồng bộ về công nghệ và quy trình tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực và chất lượng chế biến nông sản; MTTQ và các ngành đoàn, thể cần tích cực tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050"; tăng cường giám sát về triển khai thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, các chương trình MTQG;…

Hội thảo là một dịp để nông dân, cán bộ Hội và các danh nghiệp, Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tương tác, trao đổi các phương thức, giải pháp để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn thị xã. Qua đó chia sẻ kinh nghiệm quý báu, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, đề xuất quan điểm, giải pháp, từ đó tạo ra bước chuyển mới, góp phần nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng ngắn trên địa bàn thị xã.

PV Tây Bắc