Thuận Châu "thay áo mới" cho nông nghiệp
29/04/2025 13:49 GMT +7
Thuận Châu đang đổi thay mạnh mẽ, khoác lên mình "tấm áo mới" rực rỡ cho ngành nông nghiệp. Với những chính sách đột phá.
- Mưa đá kèm theo dông lốc làm hư hỏng nhiều nhà cửa, hoa màu ở Thuận Châu
- Xuất hiện mưa đá ở Thuận Châu, Sơn La, nhiều nhà dân bị thủng, tốc mái
- Sơn La: Hội Nông dân huyện Thuận Châu có tân Chủ tịch
Thuận châu, từ nương ngô đến đồi chè, cà phê xanh mướt
Huyện Thuận Châu (Sơn La) nằm trong vùng Tây Bắc với địa hình đồi núi phức tạp. Đời sống của người dân Thuận Châu từ bao đời nay gắn liền với những nương ngô, sắn. Với khát vọng vươn lên, thoát khỏi đói nghèo, huyện Thuận Châu đã ban hành các Nghị quyết, văn bản quyết sách mang tính chiến lược nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và đời sống của người dân.
Theo lời giới thiệu của Hội Nông dân huyện, chúng tôi tìm đến bản Cả Vai, xã Mường É (Thuận Châu, Sơn La). Hình ảnh những nương ngô, sắn cằn cỗi dần nhường chỗ cho màu xanh mướt của những đồi cà phê, đồi chè trải dài trên sườn núi. Đây là thành quả trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn chè đang vào kỳ thu hoạch, ông Lò Văn Dủng, bản Cả Vai, xã Mường É, huyện Thuận Châu không giấu được niềm vui: "Trước đây, hơn 2 ha đất này gia đình tôi chỉ trồng ngô, sắn thôi. Thu nhập chẳng được bao nhiêu, cuộc sống khó khăn lắm. Nhưng từ khi huyện có chủ trương chuyển đổi, được cán bộ xã, cán bộ hội nông dân tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển sang trồng chè."
Ông Dủng chia sẻ thêm, trong quá trình canh tác, gia đình ông luôn nhận được sự hướng dẫn tận tình về kỹ thuật từ cán bộ khuyến nông, cán bộ hội nông dân. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào trồng và chăm sóc đã giúp vườn chè sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng cao.
"Trồng chè này có nhiều cái lợi lắm. Thu nhập cao hơn hẳn so với trồng ngô, sắn. Mà sản phẩm làm ra đều có các hợp tác xã trên địa bàn thu mua, gia đình mình không phải lo đầu ra. Mình chỉ cần tập trung sản xuất chè sạch thôi. Nhờ cây chè, mỗi năm gia đình tôi thu nhập trên 200 triệu đồng, có của ăn của để rồi," ông Dủng phấn khởi nói.

Thuận châu đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp
Để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, Huyện ủy Thuận Châu (Sơn La) đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ đề án và chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể triển khai sâu rộng đến người dân. Đồng chí Thào A Súa, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thuận Châu, cho biết: "Chúng tôi đã phân công rõ trách nhiệm cho từng tập thể, cá nhân, đưa các nội dung của Nghị quyết vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ người dân về giống cây, con và kỹ thuật sản xuất."
Nhờ sự chỉ đạo sát sao và những giải pháp đồng bộ, sau một thời gian triển khai, các văn bản, Nghị quyết đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Huyện đã quy hoạch được 3 vùng kinh tế rõ rệt, tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế của từng vùng. Các chương trình hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật, phát triển giao thông nông thôn và cung cấp thông tin thị trường đã giúp người dân nâng cao kiến thức và tự tin hơn trong sản xuất.

Ông Hà Trung Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu (Sơn La) cho biết: Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư; tăng cường liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Chỉ đạo mỗi xã lựa chọn ưu tiên phát triển một số loại nông sản chủ lực và nhóm nông sản mà địa phương có lợi thế để tạo ra vùng nông sản tập trung, quy mô hàng hóa lớn.
Đến nay, Thuận Châu đã có 3.911 ha cây ăn quả, 1.377 ha chè và 6.658 ha cà phê. Toàn huyện duy trì trên 56.000 con trâu bò và 761.000 con gia cầm. Đặc biệt, đã hình thành 11 chuỗi sản xuất theo chuỗi giá trị, 25 cơ sở trồng trọt đạt chứng nhận VietGAP và 10 mã số vùng trồng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong giai đoạn 2021-2024, huyện đã xuất khẩu hàng trăm tấn xoài, chuối và thanh long sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nga và các thị trường khó tính khác.

Thuận Châu nâng tầm nông sản với chương trình OCOP
Một điểm sáng trong phát triển kinh tế của huyện Thuận Châu là sự phát triển mạnh mẽ của chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm). Đến nay, Thuận Châu đã có 11 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng và bước đầu tham gia xuất khẩu, khẳng định thương hiệu nông sản địa phương như trà Oolong Thu Đan, cá hun khói Chiềng La, cá rô phi lê sông Đà, chè Trọng Nguyên...

Năm 2021, từ mô hình nuôi gà đen được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ, 17 hộ dân ở bản Chà Mạy, xã Long Hẹ, đã liên kết thành lập HTX nông nghiệp Chà Mạy. Để HTX đi vào hoạt động hiệu quả, Ban giám đốc HTX xây dựng phương án sản xuất; các thành viên tích cực tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Anh Lầu A Lâu, Giám đốc HTX nông nghiệp Chà Mạy, xã Long Hẹ, chia sẻ về hiệu quả của chương trình OCOP: "Từ mô hình nuôi gà đen được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ, 17 hộ dân trong bản đã liên kết thành lập HTX. Được huyện hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục để đạt chứng nhận VietGAP và OCOP, sản phẩm gà đen và ruốc gà đen của HTX đã được chứng nhận 3 sao. Điều này không chỉ giúp sản phẩm của chúng tôi có chỗ đứng trên thị trường mà còn nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Với những giải pháp đồng bộ và sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và người dân, nông nghiệp Thuận Châu đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ. Nghị quyết 07-NQ/HU thực sự là một "luồng gió mới", kiến tạo một tương lai tươi sáng hơn cho vùng đất này, nơi mà những nương ngô, sắn dần được thay thế bằng những vườn cây trĩu quả, những đồi chè xanh mướt, mang lại cuộc sống ấm no và bền vững cho người dân.
Tags:
Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Thuận Châu (Sơn La)
Chung sức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thôn 3 (xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Đến nay, diện mạo nông thôn của thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao.
Thu nhập là “đòn bẩy” tạo động lực hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Thuận Châu
Xác định tiêu chí thu nhập đóng vai trò “đòn bẩy”, tạo động lực hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, huyện thuận Châu (Sơn La) đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, Hội Nông dân Thuận Châu chủ động tham gia
Thực hiện chỉ đạo của Hội Nông dân cấp trên, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Thuận Châu (Sơn La) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Hội Nông dân các xã nằm trong diện chia tách, sáp nhập và thành lập mới về Nghị quyết số 1280 của Quốc hội, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức của cán bộ, hội viên...
Thuận Châu: Đổi thay Mường É
Trở lại xã Mường É, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La bây giờ dễ nhận thấy màu xanh của những cây chè, cà phê, mắc ca…trên các sườn đồi, đất dốc đang thay thế những đồi ngô, sắn trước đây. Cùng với đó là những tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hoá khang trang, tạo thuận lợi cho bà con đi lại...