Đến thăm cơ sở sản xuất miến dong Nhân Đức ở bản Chằm Chài, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, chúng tôi cảm nhận không khí lao động ở đây rất khẩn trương. Các công đoạn sản xuất được thực hiện liên hoàn từ khâu lắng lọc bột, ép miến, phơi khô, thu và đóng gói.
Theo anh Đinh Văn Nhân, chủ cơ sở sản xuất miến dong Nhân Đức, những tháng giáp tết, cơ sở huy động gần người nhà và những lao động nhàn rỗi trong bản, trong xã với gần 30 người để sản xuất miến cung cấp cho nhu cầu ăn Tết của khách hàng trong và ngoài huyện.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Đinh Văn Nhân cho biết: Trước kia, gia đình tôi chủ yếu thu mua củ dong của người dân quanh vùng và sơ chế tinh bột dong chuyển về các cơ sở sản xuất miến dong ở các tỉnh dưới xuôi. Trong quá trình tiêu thụ sản phẩm dong trở về xuôi, tôi mới nghĩ tại sao phải chở sản phẩm thô về xuôi làm gì, trong khi mình có thể mở cơ sở sản xuất tinh bột để chủ động từ nguồn nguyên liệu đến khâu sản phẩm để tạo công ăn việc làm cho bà con và tạo ra sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu của quê nhà.
Chính vì vậy, năm 2014, anh Nhân đã đi học hỏi quy trình làm miến dong từ các làng nghề truyền thống. Cùng với đó, thuê thợ truyền nghề trong 1 tháng, đến những cơ sở ứng dụng máy móc hiện đại để sản phẩm đạt chất lượng. Trên cơ sở tích lũy sau thời gian nghiên cứu thực tế, năm 2015, anh Nhân quyết định thành lập cơ sở sản xuất miến dong Nhân Đức. Với số vốn tích lũy sau nhiều năm lao động cộng với số tiền vay ngân hàng trên 500 triệu đồng, anh Nhân đã đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị; thuê đất trồng nguyên liệu; thu mua dong riềng cho người dân không chỉ trong xã mà còn ở các huyện khác trong tỉnh.
Anh Nhân tâm sự: Thời gian đầu khởi nghiệp, cơ sở cũng gặp muôn vàn khó khăn. Thứ nhất là vốn đầu tư, thứ hai là kinh nghiệm, thứ ba là thị trường. Với phương châm sản xuất ra sản phẩm vừa chất lượng, vừa sạch, cơ sở đã đầu tư trên 100 triệu đồng đường ống dẫn nước trên 3 km từ bản Lềm, xã Huy Tân để lấy nguồn nước đảm bảo vệ sinh. Củ dong riềng được cơ sở miến dong Nhân Đức trồng vào tháng 1, tháng 2 hàng năm với 5 ha ở những vùng đất màu mỡ tươi tốt trên những đồi cao, nơi có sương mù bao phủ. Đến tháng 9 tháng 10 thì thu hoạch.
Ngoài ra, mỗi năm cơ sở còn thu mua củ dong của người dân quanh vùng với sản lượng trên 500 tấn. Thời gian đầu thiếu kinh nghiệm nên sản phẩm chưa đạt yêu cầu, thiệt hại cũng không ít. Sau nhiều lần vừa làm vừa rút kinh nghiệm và đến các cơ sở uy tín học hỏi thêm, bước đầu đã thành công.
Trong quá trình sản xuất, để tạo ra sản phẩm miến dong ngon, sạch, cơ sở luôn tuân thủ theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất cả các quy trình sản xuất miến dong, từ chọn nguồn nguyên liệu đến khâu chế biến đều phải thực hiện theo một quy trình khép kín, luôn đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đầu tiên, cơ sở thu gom củ dong chất lượng của người dân, sau đó nguyên liệu được rửa thật sạch bằng máy. Tiếp tục là cho dong riềng vào máy nghiền nhuyễn để lọc lấy tinh bột sau đó được chuyển đến bể đánh bột. Hỗn hợp bột được đánh đi đánh lại rất nhiều lần bằng nước sạch cho đến khi nước trong mới lắng lấy bột. Bột bây giờ mới được quấy cùng với nước sôi đến khi chín rồi cho vào máy ép ra sợi miến. Miến từ đây sẽ được mang đi phơi nắng cho khô. Miến khô sẽ được thu gom và bó thành sợi rồi đóng gói. Năm 2019, cơ sở đã được đơn vị chức năng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Anh Nhân chia sẻ thêm: Hiện tại, cơ sở của tôi có 2 loại máy sản xuất miến dong, 1 loại máy ép sợi miến bằng phương pháp thủ công và 1 loại chạy bằng băng chuyền miến chín bằng hơi nước. Phương pháp chạy băng chuyền năng suất cao gấp 3 lần bằng máy làm thủ công nhưng sản phẩm không ngon bằng làm thủ công nên hiện tại cơ sở chủ yếu sản xuất bằng máy ép thủ công, được người tiêu dùng chọn mua nhiều hơn, miến ra đến đâu hết đến đấy.
Công đoạn làm khô miến bằng phơi thủ công ngoài trời nên sợi miến có màu mộc óng tự nhiên. Trung bình cơ sở sản xuất khoảng 3 tạ miến/ngày, giá bán dao động từ 50 nghìn đồng đến 80 nghìn đồng/kg. Hàng năm cơ sở sản xuất miến dong Nhân Đức xuất bán ra thị trường hơn 40 tấn miến dong, với doanh thu trên 2 tỷ đồng.
Hiện nay, sản phẩm miến dong Nhân Đức đã và đang phát triển tại các thị trường tiềm năng như: Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh. Với ưu điểm 100% nguyên liệu từ bột củ dong riềng nên sản phẩm miến dong không có bất kỳ chất phụ gia hay chất tạo màu. Đây là nét riêng biệt của miến dong Nhân Đức, sợi miến dai giòn khi nấu, không bị nát, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Ngoài ra, miến dong còn là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Nếu sử dụng miến dong cho thực đơn hàng ngày một cách hợp lý sẽ giảm cân và duy trì cân nặng hiện tại.
Chị Phạm Thị Hường, tiểu khu 2, thị trấn Phù Yên chia sẻ: Hiện nay, ở thị trường có rất nhiều loại miến ở các nơi mang đến. Tuy nhiên, sợi miến hay bị nát khi nấu. Còn riêng sản phẩm miến dong Nhân Đức ở Phù Yên thì chúng tôi ăn thấy ngon, quá trình xào, nấu không bị nát, sợt dai. Miến dong có thể dùng để chế biến nhiều món ăn ngon như miến gà, miến xào, canh măng miến.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cầm Văn Diễn, Chủ tịch UBND xã Huy Thượng cho biết: Cơ sở sản xuất miến dong Nhân Đức là một điểm sáng của xã Huy thượng. Trước đây bà con nhân dân trong vùng chủ yếu sản xuất ngô, sắn, dong, tuy nhiên chỉ bán sản phẩm thô. Bây giờ có cơ sở miến dong Nhân Đức thu mua toàn bộ sản sản phẩm thô cho người dân nên đã tạo được rất nhiều công ăn việc làm cho lao động nông thôn với mức thu nhập ổn định.
Không chỉ khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có ở cơ sở mà cơ sở sản xuất miến dong Nhân Đức còn duy trì được nghề truyền thống, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động, với mức thu nhập 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng/người/tháng. Trước tết Nguyên đán Tân Sửu, cơ sở sản xuất tăng gấp 3 sản lượng nên thuê thêm 20 lao động mùa vụ với tiền công từ 200 nghìn đồng đến 250.000 đồng/ngày. Sản lượng tăng nhưng sản phẩm vẫn không đủ cung cấp cho thị trường Tết.
Anh Nhân cho biết thêm: Ngày 25/12/2020, sản phẩm của cơ sở đã được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh chấm, đánh giá đạt 3 sao. Hiện, sản phẩm miến dong Nhân Đức đã được đóng hộp với mẫu mã đẹp, có đủ thông tin về sản phẩm, địa chỉ cơ sở sản xuất, mã vạch. Sản phẩm đã mặt tại điểm trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và nông sản Sơn La trên địa bàn huyện Phù Yên.
Không chỉ thành công trong việc lưu giữ được nghề truyền thống, cơ sở miến dong Nhân Đức còn từng bước xây dựng được thương hiệu sản phẩm nông nghiệp quê nhà. Để miến dong Nhân Đức trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Phù Yên, thời gian tới, cơ sở rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong việc vay vốn để đầu tư lò sấy, không phụ thuộc vào thời tiết như hiện nay và dây chuyền đánh bột, phân ly bột để loại bỏ hết tạp chất, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí nhân công. Bên cạnh đó là hỗ trợ để quảng bá để đưa sản phẩm đến các thị trường tiềm năng, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển và xây dựng nông thôn mới.